Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ngoài kia hồn biển rì rầm…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là cảm giác của tôi khi ngày cuối tuần lần giở lại gần 400 trang sách quyển Hồn biển của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng mà anh mới tặng.
Mỗi trang sách mở ra, lại như nghe vị mặn mòi thổi vào thành phố biển Nha Trang và dọc dải bờ sóng vỗ của một địa danh luôn muốn đặt chân đến: Khánh Hòa.
Buổi sáng, vừa rời một cuộc họp, bỗng có điện thoại của Dũng, như reo lên: Anh mới lấy sách về, ghé chơi không? Tôi lập cập dắt xe ra chạy một mạch. Dũng ngồi đó, vẻ suy tư bên cuốn sách duy nhất vừa ra khỏi nhà in. Để nhìn diện mạo đứa con tinh thần của mình sau nhiều tháng chờ đợi. Bởi trước đó khá lâu, tôi biết anh đã chuyển bản thảo đi, sau khi gửi cho tôi vài chương file PDF đọc trước và viết đôi dòng cảm nhận.
 
 
Hình bìa 1 và bìa 4 quyển sách Hồn biển
Hình bìa 1 và bìa 4 quyển sách Hồn biển
Đã bao lần Dũng ngồi với cái dáng như thế, nhưng trên bàn hôm ấy, quyển Hồn biển in song ngữ đầy đặn, bìa cứng rất đẹp như rạng rỡ hơn. Sự dụng công để cho ra mắt một quyển sách mà anh ấp ủ viết về Khánh Hòa, về thành phố Nha Trang xinh đẹp bên bờ biển, về di sản, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của những ngư dân suốt đời bám biển và bao câu chuyện cóp nhặt qua rất nhiều chuyến đi của anh, đã hiển lộ trong cái rạng rỡ ấy.
Nhưng đất đai, địa hình địa vật, sóng biển muôn đời vẫn còn đó. Chỉ có khác đi là mỗi thời mỗi cách tạo dựng và tìm cách tồn tại của con người nơi vùng đất ấy. Với Nha Trang, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng trang trọng đặt một nhân vật vào chương đầu, đó là BÁC SĨ YERSIN (mà tôi muốn viết hoa, cũng giống như sự trang trọng thành kính của Dũng), một vĩ nhân y học đồng thời là một nhà thám hiểm lừng danh. Anh đặt tựa của chương này với một câu ngắn gọn, nhưng đầy sức nặng tôn vinh: Bác sĩ Yersin-Ra đi là để trở về. Rồi anh kể lại một hành trình cuộc đời bác sĩ Yersin, trong vỏn vẹn 7 trang sách (cả Việt lẫn Anh), kể cả tranh vẽ bằng ký họa màu nước, nhưng gom chứa trong đó là sự quý trọng không tả hết. Nhìn những bức vẽ ấy, từ khuôn tượng trong khu mộ của Alexandre Yersin cho đến hình dáng cái xóm Cồn, nơi Yersin sống những năm cuối đời với biệt danh thân thương người dân đặt cho là “ông Năm xóm Cồn”, kèm với lời kể của Dũng, bỗng thấy sống động vô cùng. “Chúng tôi im lặng đứng quanh mộ, tưởng tượng ra thước phim mờ ảo cuộc đời cô độc của nhà bác học-bác sĩ Yersin. Thuở ấy, rừng núi hoang vu, thú dữ rình rập, muỗi mòng rắn rết, khí thiêng nước độc, nhà bác học vẫn đam mê đi và khám phá…”.
 
Đôi dòng cảm nhận của tác giả bài viết in ở sách Hồn biển
Đôi dòng cảm nhận của tác giả bài viết in ở sách Hồn biển
Sự tận hiến của cuộc đời bác sĩ Yersin trước khi rời cõi trần gian này, đã được nhà văn Quách Tấn viết trong Xứ trầm hương cũng được Nguyễn Ngọc Dũng đưa vào sách: “Rồi đến một giờ khuya ngày 1.3.1943, bác sĩ âu yếm nhìn những người chung quanh giường bệnh nói một tiếng “vĩnh biệt” (adieu) rồi nhắm mắt ra đi, thọ 80 tuổi. Người xóm Cồn đương đi biển, được tin liền kéo nhau về. Ông già, bà cả, người lớn, con nít… khóc than thảm thiết. Rồi theo phong tục Việt Nam, bà con lên hương án, làm cỗ bàn, thành phục, mọi người từ lớn chí nhỏ đều để tang…”. Một con người vĩ đại với biết bao công trạng với khoa học nhân loại đã ra đi!
Hồn biển cũng là một cuốn du khảo song ngữ kèm tranh vẽ độc đáo bởi cách tác giả phối trí từng chương. Ví như chương Nha Trang-vùng đất của tín ngưỡng, tác giả Nguyễn Ngọc Dũng đã viết rất sâu và vẽ rất đẹp về 20 ngôi chùa và thánh thất, 8 ngôi nhà thờ ở thành phố biển. Mỗi công trình đều được anh giới thiệu tỉ mỉ về nguồn gốc, xây dựng năm nào, lối kiến trúc ra sao… Bằng đôi mắt của một kiến trúc sư gần 40 năm hành nghề, Dũng đã “chộp” được cái thần thái của mỗi một công trình, với lối viết không hề khô khan. Các trường phái kiến trúc Đông - Tây đều được anh dẫn ra và so sánh, để chứng minh cho một bản thể rất riêng, đôi khi có sự pha trộn nhưng vẫn giữ nét truyền thống kiến trúc qua từng thời kỳ xây dựng.
 
 
 
Một số chương của quyển sách du khảo Hồn biển
Một số chương của quyển sách du khảo Hồn biển.
Nhưng tôi đặc biệt thích thú với chương tác giả viết về văn hóa thuyền và biển. Dường như anh cố gắng diễn tả công phu từng chi tiết bằng cảm xúc, bằng nghiên cứu của riêng mình và ẩn trong từng câu chữ như có tiếng sóng vỗ vào bờ biển làng chài Ninh Thủy, làng chài Vạn Giã, làng chài Khải Lương, làng chài Bích Đầm hay bán đảo Đầm Môn… Tất thảy, đều chứng minh một bề dày tập quán mưu sinh từ biển, sống động và khoa học, nhẩn nha nhưng đằm chất lịch sử, so sánh mà không khiên cưỡng. Tỷ dụ như khi anh viết về chiếc thuyền thúng bập bênh trong một buổi sớm nhìn ngắm gần bờ ở làng chài Ninh Thủy: “Thuyền thúng là cánh tay của ngư dân, là thuyền con của tàu mẹ, là phao cứu sinh, là trái bóng khổng lồ lì lợm. Mặc gió to sóng cả, thuyền thúng vẫn lừng lững cùng ngư dân giữa biển xa một mình. Ra khơi với tàu lớn, bên hông tàu bao giờ cũng có vài cái thúng chai (thuyền thúng) là ngư dân yên tâm…”. Hay khi anh đưa ra một nhận xét phân biệt rất tinh tế, khoa học: “Tàu thuyền sông biển gắn liền với đời sống dân tộc Việt cả “phần xác” lẫn “phần hồn”. Hình tàu thuyền đủ kiểu phong phú của Việt Nam được khắc trên thạp, trống, rìu… thời mở nước. Tàu thuyền có linh hồn từ đó với “mắt thuyền” trang trí cúng bái theo tín ngưỡng biển. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam chạy dọc theo bờ biển 3.260 km đều có tín ngưỡng “mắt thuyền” riêng. Với người gắn bó với sông biển, chỉ cần nhìn vào hình “mắt thuyền” là có thể biết được nơi tàu thuyền xuất bến. Ở các tỉnh miền Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… mắt thuyền được vẽ tròn to, trang trí sặc sỡ trên nền sơn đỏ, tạo nên sự vui nhộn hiền hòa. Các tỉnh thành miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng… mắt thuyền được vẽ hai màu chủ đạo đen trắng, xếch phần đuôi trông rất dữ với ánh nhìn hướng xuống mặt biển, với ngụ ý “nhìn thật sâu để tìm ra nơi có nhiều tôm cá”…”.
Tác giả - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng nói rằng, rất mong muốn để lan tỏa vẻ đẹp của Nha Trang-Khánh Hòa với du khách mọi miền, đặc biệt là du khách quốc tế, khi đến với thành phố biển này, nếu có sự cộng tác của các công ty du lịch trong việc phát hành cuốn sách Hồn biển, thì sẽ có thêm một cơ hội quảng bá vẻ đẹp tuyệt vời của Nha Trang, một điểm đến khó cưỡng trong hành trình khám phá các thành phố biển Việt Nam.
(Hồn biển - sách du khảo song ngữ của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, Nhà xuất bản Thông Tấn, quý 4 năm 2022)
Để rồi cứ thế, 14 chương sách du khảo mượt mà không sót một nơi nào ở Nha Trang-Khánh Hòa của Nguyễn Ngọc Dũng cuốn tôi đi. Như ở chương Nha Trang-Một thoáng là quê, Dũng lại viết để tưởng nhớ một người bạn đồng khóa kiến trúc người Nha Trang, đã ra đi về miền miên viễn. Ở chương này, anh thay đổi danh xưng, biến mình thành khách của thành phố biển, để người bạn đồng khóa ấy dẫn anh đi và giới thiệu mọi nơi mọi chốn. Và trong từng dòng chữ ở chương này, dường như có chút ngậm ngùi thương nhớ, nhưng không hề đi xa quá với sự riêng tây, mà anh vẫn giữ nét chung của một chương sách du khảo làm chủ đạo. Hoặc, những ưu tư của anh trước một thủy cung Trí Nguyên, khi nghĩ về một thành phố tràn ra biển. Anh viết: “Tôi bồi hồi xúc động khi nhìn thấy mô hình đảo Trường Sa Lớn, nơi tôi đã bay ra nhiều lần để khảo sát, thiết kế bệnh xá cho người dân trên đảo. Đây là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hành nghề kiến trúc của tôi. Thật hạnh phúc biết bao khi được làm công việc thiết thực giúp người dân biển đảo có nơi khám chữa bệnh và cấp cứu trên biển”.
Nhưng, bằng những cứ liệu khoa học mà tác giả thu thập từ nhiều chuyến đi ra với thế giới, với những quốc gia biển như Nhật Bản, Hà Lan, công quốc Monaco… có dẫn lại trong sách, Nguyễn Ngọc Dũng đã đặt một câu hỏi, theo luồng suy nghĩ tâm huyết của anh: “Tôi bỗng thấy Việt Nam may mắn khi có biển và còn hệ sinh thái biển tuyệt vời. Hệ sinh thái này sẽ ra sao khi con người bắt đầu lấn biển, san lấp để giành giật từng mét vuông của biển?” (chương Đến thủy cung Trí Nguyên, nghĩ về “thành phố tràn ra biển”).
Gần 300 bức vẽ lớn nhỏ, chủ yếu là ký họa, có khi chỉ điểm xuyết, có khi tràn cả 2/3 trang sách lồng trong những bài viết ngắn và sâu, khi giở ra đọc, tôi cứ hình dung một gã kiến trúc sư thích lang thang viết sách du khảo, ngồi bệt ở đâu đó bên rìa hòn đảo một mình hay bên bậc thềm một ngôi chùa trên vai có vài lá cây rụng xuống, để vẽ. Như anh đã từng đi và viết, vẽ về Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An, Huế, miền châu thổ Cửu Long hoặc Sài Gòn dấu yêu mà anh từng học, ra trường và cống hiến, lưu lại qua những trang sách ngoài những giờ đi khảo sát, tư vấn thiết kế cho những công trình.
Tất cả, khiến tôi gợi nhớ về những nơi mình đã đi qua, và bỗng dưng mong muốn lại một lần nữa được đến với Nha Trang thành phố biển, không chỉ qua tiếng rì rầm sóng vỗ sau từng trang sách của Nguyễn Ngọc Dũng…
Sài Gòn thứ bảy, tháng cuối năm 2022.
Theo Trần Thanh Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm