Thời sự - Bình luận

Ngôi nhà dột và bức xúc chuyện "gian lận thi cử"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghĩ đến những lùm xùm trong ngành Giáo dục hiện nay, tôi lẩn thẩn nhớ đến hình ảnh bố tôi leo lên mái nhà để bịt các lỗ thủng trên tấm giấy dầu đã mủn, mục….
Cách đây gần 40 năm, ngày đó tôi còn bé tí, mỗi khi mùa mưa bão lại làm tôi lo sợ, ám ảnh. Ngày ấy, chúng tôi ở trong một khu tập thể của một Bệnh viện, toàn nhà cấp 4, lợp bằng giấy dầu. Mái lợp này chỉ sau vài năm mưa nắng thì tự mủn ra, thủng lỗ chỗ.
Vì thế, dù công tác xa nhà, nhưng đến trước mùa mưa bão, bố tôi lại xin về phép mấy ngày để lo chằng chống nhà cửa cho mẹ con tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh bố tôi leo lên mái nhà để bịt các lỗ thủng để mong khi trời mưa, mẹ con, anh em tôi khỏi ướt. Dù bố tôi có cố gắng đến đâu thì vẫn phải chịu thua vì tấm giấy dầu đã bị mục nát, cứ bịt được lỗ này lại xuất hiện lỗ khác, không thể nào che đậy hết được...
Nhớ đến những “lỗ thủng” ám ảnh thời tuổi thơ, tôi chợt nhận ra rằng, nó không khác những lùm xùm trong ngành Giáo dục hiện nay. Có ai dám chắc chắn rằng những vụ “gian lận thi cử” sẽ không xảy ra trong kỳ thi PTTH Quốc gia 2019 và các kỳ thi tiếp theo, khi mà hậu quả của nó sau cả năm trời vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn đang gây bức xúc dư luận?
Việc xử lý những lùm xùm trong ngành Giáo dục hiện nay, chẳng khác nào năm xưa bố tôi bịt “lỗ thủng” trong ngôi nhà dột.
Việc xử lý những lùm xùm trong ngành Giáo dục hiện nay, chẳng khác nào năm xưa bố tôi bịt “lỗ thủng” trong ngôi nhà dột.
Mặc dù đã có những xử lý ban đầu, nhiều quan chức trong ngành Giáo dục, nhiều người “đội lốt” nhà giáo trực tiếp nhận tiền, sửa điểm đã bị khởi tố, bắt giam, những học sinh “gian lận” cũng đã bị đuổi học nhưng vẫn có những nơi, vụ việc vẫn chưa có câu trả lời, hoặc những quan chức mua điểm, chạy điểm vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.
Đáng ngại hơn là vụ việc không phải là do ngành Giáo dục phát hiện ra do sự nghiêm túc thanh, kiểm tra về thi cử, mà lại do chính những người dân khi họ thấy phổ điểm có sự bất thường nghiêm trọng. Chỉ khi dư luận xôn xao, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan mới vào cuộc. Vì thế, cũng khó có thể khẳng định các năm trước đó hoàn toàn không có chuyện “gian lận thi cử”.
Năm ngoái và cũng như những năm trước, người dân đã từng phấn khởi, tin tưởng vì cứ sau khi kỳ thi diễn ra, người đứng đầu ngành Giáo dục lại khẳng định về “một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, không có tiêu cực”. Vậy nên, khi mà vụ việc chưa được xử lý dứt điểm trong khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang cận kề, ít nhiều đã làm hư hao lòng tin của người dân về một kỳ thi hoàn toàn “sạch”.
“Gian lận thi cử” chỉ là một “lỗ thủng” bị phát hiện trong rất nhiều tồn tại trong ngành Giáo dục hiện nay khiến xã hội bức xúc, bất an.
Chuyện thành tích giờ đây đang là căn bệnh trầm kha của ngành. Để tìm được học sinh yếu kém bây giờ không khác gì mò kim đáy bể. Cũng thật đáng thương khi gần như cả nước, ở đâu cũng có chuyện cả lớp học sinh giỏi, hay cả lớp có trên 90% học sinh giỏi nhưng lớp có 42/43 học sinh giỏi ở Bà Rịa- Vũng Tàu lại bị các cơ quan “vào cuộc” chỉ vì không may thành tích bị “khoe” trên mạng. Cách làm đó đó xem ra chưa thuyết phục dư luận trong bối cảnh học sinh cả nước “Giỏi”, chẳng khác nào năm xưa bố tôi bịt “lỗ thủng” trong ngôi nhà dột.
Rồi những chuyện kinh hoàng xảy ra trong ngành Giáo dục, không phải là cá biệt khi nhiều có nhiều vụ việc thầy gạ tình học sinh để đổi lấy điểm, thầy dâm ô trò, thậm chí dâm ô hàng loạt học sinh; học sinh lột quần áo, đánh nhau dã man rồi quay clip tung lên mạng; rồi cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, cô đánh trò đến chấn thương sọ não phải nhập viện…
Vì sao những lùm xùm như vậy lại không giảm sau mỗi lần xử lý, mà có chiều hướng ngày càng tăng? Điều đó cả xã hội, cả ngành Giáo dục ai cũng biết, nhưng vấn đề chúng ta có dám mạnh dạn thà “đau” một lần, để thay đổi, thậm chí xóa bỏ những cái sai, chưa phù hợp, mà trước hết là phải xóa bỏ căn bệnh thành tích, thiếu trung thực trong Giáo dục.
Chúng ta luôn mong muốn và luôn dạy con cái phải trung thực. Và trung thực cũng là yếu tố tiên quyết để tiến tới một nền giáo dục phát triển. Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng có thể rất dễ nghe theo, học theo những điều tốt đẹp nhưng chỉ cần một lần nhìn thấy, nghe thấy người lớn “gian lận” thì mọi cố gắng sẽ là vô nghĩa. Sự đổ vỡ có thể sẽ rất nặng nề không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.
Sẽ là rất khó khăn khi phải thay đổi một điều gì đó đã là thói quen cố hữu, hơn nữa lại là những thành tích, dù “ảo” đang rất đẹp đẽ, đang là niềm tin, niềm tự hào của nhiều gia đình, của ngành Giáo dục.
Nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta không thể chậm trễ được nữa. Cần phải có sự thay đổi quyết liệt, không chỉ của ngành Giáo dục mà phải của cả các gia đình, của các ngành các cấp và toàn xã hội, để Giáo dục thực sự là một môi trường trung thực, một ngành dẫn đường quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước.
Đã đến lúc phải thực sự thay đổi, bởi vá víu những “lỗ thủng” bao giờ cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
An An/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm