Phóng sự - Ký sự

Ngư dân không biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bức ảnh cuối cùng lưu giữ trong cuộc trò chuyện trên messenger của tôi với Trần Văn Thuận, một ngư dân trẻ tuổi của xã biển Tam Tiến (Núi Thành) là con tàu chụp mực số hiệu QNa-90361 vừa được sơn mới trong xưởng sửa chữa. Cuối năm 2018, chỉ vài tháng sau khi gửi bức ảnh, con tàu bị rao bán.
 
Chi phí xăng dầu cao, phí tổn cho những chuyến biển tăng trong khi sản lượng đánh bắt không đạt yêu cầu, có thời điểm nhiều tàu của ngư dân nằm bờ. Ảnh: T.C
Chi phí xăng dầu cao, phí tổn cho những chuyến biển tăng trong khi sản lượng đánh bắt không đạt yêu cầu, có thời điểm nhiều tàu của ngư dân nằm bờ. Ảnh: T.C
Sáu ngư dân góp vốn, chia nhau từng bữa cơm trên biển “rã đám”, những người khác thành bạn biển cho tàu cá khác, riêng Thuận lên bờ. Sau chuyến đi cuối cùng đó, Thuận nói, mình đã là ngư dân không biển…
1. Sắp 5 năm, kể từ chuyến biển mà tôi đã có cơ hội được đồng hành với Thuận và 4 ngư dân khác trên con tàu QNa - 90361. Một đêm ròng lênh đênh trên con sóng êm của mùa biển tháng Tư, tận thấy những mênh mông của biển, biết giọt mồ hôi chìm vào đêm lặng của bao ngư dân và cảm giác đón mẻ lưới với hàng rổ cá mực tươi roi rói là trải nghiệm không phải ai cũng may mắn có được. Tôi quen Thuận từ dạo đó.
Thuận hay gửi cho tôi những bức ảnh khá thú vị, có khi là một bữa câu đêm, có khi là cơn mưa dông bất chợt đổ xuống ngoài biển, hay rạng đông, lúc những con tàu quay trở về.
Bức ảnh cuối cùng, Thuận nhắn, mong một mùa biển sẽ thuận lợi hơn. Tôi không hề biết, trước đó, Thuận, thuyền trưởng Trí, Công, Thìn…, những ngư dân trên tàu, đã phải trút vốn của gia đình vào những chuyến biển không thắng lợi. Mùa biển năm 2018, họ đã nỗ lực cho những hy vọng gỡ gạc cuối cùng…
 
Nghỉ biển, Thuận về nhà, làm nghề buôn ốc lể, bán sỉ hành, tỏi cho khách.
Nghỉ biển, Thuận về nhà, làm nghề buôn ốc lể, bán sỉ hành, tỏi cho khách.
Tôi ngồi trong căn nhà nhỏ của em gái Thuận, ngay bên sông, chờ suốt hai giờ đồng hồ thì cũng gặp người bạn ngư dân của mình. Thuận đi giao “ốc lể”, là loại ốc ruốc được người dân địa phương cào từ biển, rồi luộc, cấp đông, bỏ mối sỉ cho bạn hàng.
Dậy từ tờ mờ sáng, gom ốc, rồi ngâm, luộc, cấp đông, đóng thùng, gửi xe chuyển đi, Thuận giãi bày, không giấu vẻ áy náy, dù khách sẵn lòng chờ đợi. “Lúc mua con tàu, mỗi người góp 150 triệu đồng, tổng cộng 6 người.
Làm không ra, phí tổn đắt đỏ, nhiều lần định bán nhưng rồi lại động viên nhau ráng. Ráng miết, không ra chi, anh em cũng nản. Đành bán. Bán đứt, mỗi người chịu lỗ phân nửa tiền, còn hơn là cứ đeo đuổi hy vọng rồi thất vọng.
Em làm đủ thứ nghề, cũng long đong lận đận, rồi cuối cùng chọn đi buôn. Mùa ni thì buôn ốc lể, vài tháng nữa thì chạy bán hành tỏi từ Lý Sơn. Qua ngày rứa, nhưng ổn định hơn, vợ con cũng đỡ lo vì không còn lênh đênh sóng gió”, Thuận kể.
Tôi nhắc lại chuyến đi của mình với Thuận. Hình như, lỡ chạm vào đâu đó những niềm riêng, mà Thuận quay đi, nhìn ra phía sông. Thuận từng nói với tôi, ở biển mới thấy tự do, thích cảm giác rong ruổi giữa mênh mông.
“Em vẫn yêu biển chứ. Em đã gắn đời mình với biển được 7, 8 năm, bước lên bờ, không còn gì. Nếu không phải vì yêu thì không thể gắn bó đời mình lâu vậy. Nhưng nghỉ biển, em cảm thấy mình có nhiều tiếc nuối” - Thuận nói.
2. Tôi ghé nhà ông Phan Kim Nhựt (60 tuổi, thôn Hà Lộc, Tam Tiến) đúng lúc một người bạn ngư dân cũng đến thăm ông, mang theo con cá ngừ hơn chục ký.
Ông Nhựt quay sang nói với tôi, đó, cái tình của ngư dân, nghỉ biển gần 8 năm rồi mà anh em vẫn nhớ. Với ông “ngư phủ về hưu” này, biển giã như mái nhà chung của những người đã từng ngàn vạn ngày lênh đênh theo sóng…
 
Sau chuyến sửa chữa vào năm 2018, Trần Văn Thuận cùng những người góp vốn đã quyết định bán con tàu. Ảnh: T.T
Sau chuyến sửa chữa vào năm 2018, Trần Văn Thuận cùng những người góp vốn đã quyết định bán con tàu. Ảnh: T.T
Mười mấy tuổi, ông Nhựt đã ra biển. Con tàu nhỏ 60CV là phương tiện đánh bắt cuối cùng của ông, trước khi ông nghỉ hẳn vào năm 2015.
“Hồi đó còn làm nghề giã cào. Nói thiệt, tôi nghỉ, là vì thấy nghề của mình không thể tồn tại miết. Khai thác kiểu “cào bằng” mà, những con cá mình không muốn bắt nó cũng vẫn chết. Dù chưa bị ai bắt bớ, nhưng đi biển mà lo sợ cũng mệt, nhưng chuyển đổi qua tàu khác thì không đủ vốn.
Làm thì sản lượng cũng khá đó, nhưng giá thành thấp, thành ra đi biển kiếm ngày công thôi. Rốt cuộc tôi bán tàu. Lên bờ cũng nhớ biển, đời mình ngồi trên sóng, ăn ngủ trên sóng, chừ vô bờ cuồng chân. Lâu lâu tôi xin anh em cho đi vài chuyến” - ông Nhựt kể.
Đếm quanh, ông nói, chục nóc nhà còn lại chỉ một người đi biển, cũng ngang tuổi ông. Thanh niên làm ngư dân, kiếm mòn con mắt.
Ông Nhựt quả quyết, tụi trẻ đi biển, nếu có, gần như là lựa chọn cuối cùng. Vô công ty tư nhân, làm ba cái nghề lẹt xẹt kiếm cơm cũng chấp nhận, chứ ít đứa đi biển. Mà giờ làm biển khó. Phí tổn, xăng dầu cao, sản lượng thì ngày càng giảm.
Dân biển, để ý là biết, nhiều loại cá tuyệt nhiên mất dấu. Con rắn đẻn, con cá bẹ, cá lụ, cá lòng tong hồi xưa nhiều không làm chi cho hết, giờ không thấy nữa. Rồi thêm dịch bệnh, không có người vận chuyển, cá mắm bán tại chỗ, giá rẻ, ngư dân thiệt càng thêm thiệt.
Ông bồi hồi nhớ, thời trước, biển không chỉ hấp dẫn bằng những trải nghiệm, mà còn hấp dẫn ngay từng chuyến đi, từng mẻ đánh bắt. Ngư dân không có máy dò, không thiết bị định vị. Họ sẵn sàng với chuyện đi lệch một chút, đi xa một chút, có thể mạo hiểm, nhưng cũng vì thế mà có những chuyến bội thu.
“Ngư dân đi biển, ngoài chuyện áo cơm, họ còn đi bằng niềm tin của ngày hôm nay. Ngày nay trúng, ngày mai kiểu gì họ cũng sẽ đi tiếp. Đi biển mà tư tưởng bình quân, cứ đến đúng chỗ đó, quẩn quanh chỗ đó, thì còn chi hấp dẫn” - như chạm vào một miền nhớ mênh mông từ quá khứ, ông say sưa kể, say sưa nói về biển, về đời ngư phủ của mình, và những say mê của một thời tung hoành, với biển-của-thời-xưa…
3. Đi dọc vùng biển, tôi nghe nhiều tiếng thở dài, từ phía ngư dân. Ông Nguyễn Tấn Tuyên (68 tuổi, thôn Hà Lộc, Tam Tiến) nói, 50 năm làm nghề biển, ông thấy biển cạn kiệt đi quá nhiều thứ. Ngư dân cũng vì thế mà thêm khốn khó. Nhiều bạn biển, một mùa chỉ được chừng hai mươi triệu đồng, không đủ đắp đổi những tháng biển động, thuyền nằm dài tránh gió.
 
Nguồn lợi hải sản cạn kiệt, chi phí đi biển cao khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.C
Nguồn lợi hải sản cạn kiệt, chi phí đi biển cao khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.C
“Biển giã ngày càng bất thường. Tam Tiến là xã mũi nhọn về nghề biển, nhưng thu nhập ngư dân đâu có cao. Một mùa biển, cao nhất là 155 ngày, bình quân chừng hai chục triệu đồng. Chưa kể những nghề như mành mùng, cứ hễ biển động, nước đục là nghỉ, số ngày còn ít hơn.
Con cá nục, cá cơm cũng khó kiếm, phí tổn thì tăng phi mã, ngư trường bó hẹp lại. Người ta biết tọa độ đánh bắt của nhau, nếu trên thuận dưới hòa thì không nói, lâu lâu lại xảy ra xung đột vì các tàu đánh bắt kiểu hủy diệt, các tàu giã, đủ thứ lo âu ngoài biển” - ông Tuyên bộc bạch.
Ông Tuyên bán tàu đã mười mấy năm, đi biển đúng nghĩa “vì đam mê”, theo cách nói có phần tếu táo. Nhưng gọi chính danh thứ sức mạnh để ông già tuổi gần bảy mươi vẫn rắn rỏi với những chuyến biển, không gì khác ngoài tình yêu với biển, với nghiệp ngư phủ đã gắn lấy đời mình.
Số liệu mới nhất của mùa đánh bắt năm 2021, toàn tỉnh có 2.999 tàu cá, trong đó có 729 chiếc vùng lộng (chiều dài từ 12 đến dưới 15m) và 1.338 chiếc vùng bờ. Trong số gần 13.000 lao động thuộc 9 nghiệp đoàn nghề cá và 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, có rất nhiều mái đầu đã bạc, như ông Tuyên.
Tôi chưa tìm thấy con số thống kê bao nhiêu người bỏ biển, cũng không có một cuộc điều tra xã hội học nào về những nguyên nhân. Giải pháp, hiện hữu trong một báo cáo của các ngành chức năng, chỉ gói gọn trong hơn chục dòng.
Với nhiều ngư dân không biển mà tôi đã gặp, sau những hứa hẹn “đồng hành”, họ chỉ còn “quan hệ dân sự” khắc nghiệt với ngân hàng, những người cho vay. Chính sách và giải pháp, hình như không đủ để níu giữ nhiều ngư dân can trường ở lại.
Nghề biển đỡ nguy hiểm hơn trước, đỡ rủi may hơn trước, cũng là lúc không còn hấp dẫn như trước. Chỉ mong, như lời ông Nhựt nói, thôi thì ít tàu để cá tôm sinh sôi trở lại, rồi lúc nào đó nghề biển phục hồi, sẽ kéo được lao động xuống biển. Những ngư dân khi đó, mới thực sự sống cuộc đời mình…
Theo THÀNH CÔNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm