Phóng sự - Ký sự

Người cựu binh già với "bảo tàng đặc biệt" về Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở độ tuổi ngoài 80, đáng lẽ phải dành thời gian nghỉ ngơi bên con cháu, nhưng người cựu binh Bùi Xuân Phước vẫn miệt mài sưu tầm các tư liệu, hiện vật về Bác Hồ và tạo dựng một “bảo tàng đặc biệt” có 1 không 2 ở phố biển Nha Trang. Đến đây, du khách không chỉ được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật đáng quý của Bác mà như được trở về miền đất thiêng liêng, 1 vùng quê mộc mạc, yên bình.

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Tây Nam, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong khuôn viên gia đình ông Bùi Xuân Phước (84 tuổi) ở thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

 

Khu tưởng niệm được xây theo kiến trúc “nội công ngoại quốc” với tượng Bác Hồ đứng ở trung tâm được đặt trước khu đền thờ.
Khu tưởng niệm được xây theo kiến trúc “nội công ngoại quốc” với tượng Bác Hồ đứng ở trung tâm được đặt trước khu đền thờ.

Miền không gian ký ức

Khu tưởng niệm nằm trên khu đất hơn 2.000m2 của gia đình ông, được khởi công xây dựng năm 1997 và đưa vào hoạt động năm 2001 gồm: Đền thờ Bác Hồ, phòng đọc Hồ Chí Minh, tượng đài chiến sĩ công binh Khu 5, hồ sen, các công trình gia tộc… Tại đây đang trưng bày khoảng 160 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Bác do chính cụ Bùi Xuân Phước sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng.

Đến thăm khu tưởng niệm vào những ngày tháng 5 thương nhớ, chúng tôi dường như lạc bước giữa không gian với rất nhiều cỏ cây, hoa lá đang khoe sắc, vươn mình đón nắng mai. Nhìn 2 hàng cây dâm bụt dọc lối đi không chỉ làm cho du khách thích thú bởi màu xanh tươi mát mà còn khiến chúng ta nhớ về hình ảnh 1 vùng quê yên bình, tĩnh lặng và đẹp nên thơ. Cũng như những cây bưởi, cây cau trong vườn, hàng cây dâm bụt được chủ nhân chăm chút kỹ lưỡng từng tí một. Bên phải lối vào là khu tưởng niệm chiến sĩ với hình ảnh người chiến sĩ công binh Việt Nam anh hùng mở đường thắng lợi. Cạnh bên, tượng mẹ Việt Nam Anh hùng được Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa tặng năm 2015 đứng sừng sững giữa đất trời.

Khách đến, ông Phước sẽ mời vào khu nhà tiền chế để dừng chân, chuẩn bị mọi thứ trước khi đến thắp hương tại khu đền thờ. Đây cũng là nơi tổ chức các buổi tọa đàm, gặp mặt, sinh hoạt… vào những ngày lễ lớn, dịp đặc biệt trong năm. Khu nhà tiền chế thoạt nhìn, khách tham quan chỉ thấy hình ảnh bông sen cách điệu và tượng Bác Hồ được đặt trang trọng ở giữa nhưng ẩn đằng sau đó là cả một ý nghĩa sâu xa mà khi thiết kế, xây dựng, ông Phước đã suy nghĩ rất nhiều. “Hình ảnh bông sen không chỉ ca ngợi nhân cách cao cả, phẩm chất sáng ngời của Bác mà đó còn là hình ảnh Bác đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến quang vinh” - ông Phước cho biết.

Ngồi ở khu nhà, trong làn gió mát lành, du khách có thể ngửi thấy mùi hương thoang thoảng của hoa. Đó chính là mùi hương tỏa ra từ những bông sen trong chiếc ao ở khu đất tiếp giáp với nhà tiền chế. Ẩn sau những hàng dừa, hàng cau xanh ngát là màu hồng của những bông sen chen chân giữa màu xanh của lá, đưa du khách về miền ký ức thương nhớ của hình ảnh làng quê Việt Nam yên bình, thư thả. Đến đây, du khách như được trở về chính nơi Bác đã từng sống và làm việc.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

 

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi có khách đến tham quan, cụ Phước kiêm luôn vai trò thuyết minh.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi có khách đến tham quan, cụ Phước kiêm luôn vai trò thuyết minh.

Ông Phước cho biết, khu tưởng niệm được xây theo kiến trúc “nội công ngoại quốc” với tượng Bác Hồ đứng ở trung tâm được đặt trước khu đền thờ. Không những vậy, mỗi hoa văn, hình ảnh, cách sắp xếp, bố trí các hiện vật… ở đây đều mang 1 ý nghĩa đặc biệt của riêng mình.

Bước vào khu đền thờ, trong lòng mỗi người dâng lên niềm thương nhớ vô hạn khi tận mắt nhìn thấy những kỷ vật của Bác. Đó là mô hình ngôi nhà sàn (kích thước 90x123cm) được phục chế từ chính ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954; mô hình tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên Văn Ba - Nguyễn Tất Thành rời tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 5.6.1911; bản sao viên gạch Người đã dùng để sưởi ấm trong thời gian ở Pháp những năm 1919 -1923; mô hình ngôi nhà số 9 ngõ Compoint mà Bác đã sống và làm nghề thợ ảnh những năm 1921-1923; bản sao micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội)… Gần gũi, thân thương đến lạ thường khi được ngắm nhìn những vật dụng cá nhân của Bác như chiếc áo kaki màu trắng, đôi dép caosu, chiếc gậy, vali dây giang, thau đồng rửa mặt…

Bên cạnh đó, không gian đền thờ còn trưng bày những hình ảnh, tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác được sắp xếp theo cụm chủ đề như: Quê hương, gia đình và thời niên thiếu, những ngày đầu tham gia phong trào yêu nước; hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp; lãnh đạo sự nghiệp xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị, phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới; Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất. Trên mỗi hình ảnh, tư liệu, hiện vật đều có chú thích để người xem biết và hiểu hơn về Bác Hồ. Thắp nén hương dâng lên Bác, em Trần Quý Huy - Học sinh Trường THCS Lam Sơn (TP. Nha Trang) - xúc động: “Khi nhìn thấy những kỷ vật của Bác được trưng bày tại đây, em rất vui và xúc động. Đến khu tưởng niệm này, em không chỉ hiểu rõ hơn về con đường cách mạng Bác đã đi, những nơi Bác tới mà cảm thấy mình được gần Bác hơn rất nhiều”.

Đáng chú ý hơn cả là bức ảnh khổ lớn (kích thước: 207x93cm) về “thời khắc Bác lâm chung”, được trưng bày trang trọng ở gian chính, khiến cho những người đến viếng đều xúc động. “Bức ảnh là hiện vật quý giá nhất, có 1 không 2 mà tôi sưu tầm được trong quá trình thực hiện khu tưởng niệm” - ông Phước chia sẻ. Bức ảnh này có khổ gốc nhỏ là 18x24cm, do bà Liễu là vợ của 1 cán bộ cao cấp đã có thời gian gần gũi với Bác Hồ, tặng lại ông vào năm 1995. Thời đó, ông phải lặn lội vào tận TPHCM để phục chế ảnh thành khổ lớn, vì ở Nha Trang không có tiệm ảnh nào đủ khả năng làm việc này. Phía trên là bức tượng bán thân (làm bằng đồng, cao 81 cm, ngang 80 cm và nặng 100 kg) được Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng năm 2016. Đứng trước bàn thờ Bác, mỗi người thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Để có được khu tưởng niệm như ngày hôm nay, ông Phước đã miệt mài sưu tầm, tìm kiếm tư liệu về Bác Hồ và xây dựng trong suốt 20 năm qua. Dù khó khăn trăm bề, có lúc phải bán cả ngôi nhà của mình nhưng ông không sờn lòng, nhụt chí vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi có khách đến tham quan, ông Phước kiêm luôn vai trò thuyết minh. Ông giới thiệu hùng hồn, tường tận từng mốc sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Nét mặt tươi vui cùng sự nhanh nhẹn đến khó tin của 1 cụ già ở cái tuổi ngoài 80 thật khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông dốc hết “ruột gan”, tình cảm và cả những hiểu biết của mình để giới thiệu với mọi người về “vị cha chung” muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Chính vì thế, nơi đây không chỉ là điểm đến tham quan, tìm hiểu về Bác Hồ của người dân, du khách thập phương, mà khu tưởng niệm còn trở thành địa điểm sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội về tấm gương, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Rất nhiều trường học, đơn vị trên địa bàn TP.Nha Trang cũng đưa học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên đến đây để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cảm phục trước tấm lòng của ông, các lực lượng, tổ chức xã hội của địa phương thường lui tới phụ giúp, chăm chút cho khu tưởng niệm. Cô Lê Thị Kim Oanh - Trường tiểu học Phước Đồng (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Việc làm của bác Phước là việc làm rất ý nghĩa. Bác dành nhiều thời gian, tâm huyết, công sức, tình cảm và cả tiền bạc của mình vào khu tưởng niệm này. Không phải ai cũng làm được những điều như bác. Việc làm của bác nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi nhiều bài học đáng quý”.

Có về phố biển Nha Trang, du khách gần xa hãy 1 lần ghé thăm “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ” này, thắp nén hương dâng lên Bác và hiểu hơn về tấm lòng của 1 cựu chiến binh dành tâm huyết cả đời để truyền niềm tin yêu, kính trọng Bác Hồ đến các thế hệ của đất nước.

Châu Tường/laodong

Có thể bạn quan tâm