Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người đam mê sưu tầm vật dụng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi nhiều người lùng sục vào các buôn làng Tây Nguyên săn lùng cổ vật để trao đổi, mua bán thì chuyện một người trẻ chuyên sưu tầm những vật dụng truyền thống các dân tộc Tây nguyên chỉ để bảo tồn là một chuyện lạ.
Nếu không viết bài này, tôi sẽ cảm thấy thiếu sót với Nguyễn Thế Phiệt-người bạn trẻ có chung niềm đam mê sưu tầm những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, ở đây cụ thể là các vật dụng sinh hoạt, lao động mà đến nay đang mất dần trong thực tế cuộc sống hiện đại ở nhiều buôn làng.
Tôi tìm đến thăm Nguyễn Thế Phiệt vào một chiều cuối thu khi anh vừa xây xong ngôi nhà nhỏ ở số 11 đường Nguyễn Đường (phường Ia Kring, TP. Pleiku). Anh đã chuyển toàn bộ hiện vật ở “Bảo tàng tư nhân” của anh từ làng Kon Rơ Bang (TP. Kon Tum) về Phố núi Pleiku vào tháng 5 vừa qua. Ngôi nhà được xây đơn giản, tường vách gạch vữa nham nhở (có lẽ do ý đồ của gia chủ). Anh dành trọn phòng khách rộng rãi để trưng bày các hiện vật.   
Nguyễn Thế Phiệt bên “bảo tàng tư nhân” của mình. Ảnh: Phùng Sơn
                  
Nguyễn Thế Phiệt sinh năm 1977, quê gốc Thanh Hóa. Anh theo gia đình vào Tây Nguyên từ thuở nhỏ, cha anh là giáo viên dạy Toán cấp THPT ở một số trường trên địa bàn TP. Pleiku, nay đã nghỉ hưu, mẹ anh cũng là giáo viên Tiểu học. Năm 2001, anh tốt nghiệp Đại học Dân lập Đông Đô Hà Nội, sau đó đầu quân về phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ngọc Hồi; một thời gian sau anh chuyển về công tác tại Thư viện tỉnh Kon Tum. Trong những năm công tác tại thư viện, anh đã đăng ký tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sưu tầm văn hóa do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức.
Nói về quá trình sưu tập trên 200 hiện vật gồm các vật dụng sinh hoạt, lao động đến những biểu tượng trong đời sống tâm linh của các tộc người Tây Nguyên, anh Phiệt cho biết: Anh có người anh rể và dượng là người dân tộc Giẻ Triêng ở làng Bloong Mỹ (xã Đak Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Thời còn học sinh, cứ mỗi dịp hè anh lại lên chơi nhà anh và dượng. Được hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống nơi đây, anh càng thêm yêu mến khung cảnh và con người chốn rừng sâu núi thẳm này. Đáng nhớ nhất là những chuyến cùng đi săn con thú nhỏ, bắt con cua con ốc ở bờ suối, hái măng và rau rừng… Sau mỗi chuyến trở về, anh lại xin anh rể và dượng một ít đồ dùng sinh hoạt của người Giẻ Triêng như gùi, nỏ... để làm kỷ niệm và trân trọng treo chỗ góc học tập của mình. Với anh, những chiếc gùi tre mốc thếch, những chiếc nỏ gỗ mang màu của núi rừng trên vách tường kia hình như có tiếng nói của muông thú? Trong những chiếc ghè kia dường như cũng có giọng trầm ấm của già làng? Chiếc khung cửi ở góc phòng cũng mang lời dịu ngọt của mẹ?
Nguyễn Thế Phiệt trở lại buôn làng vào một dịp khác, khi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế để lắng nghe và chiêm nghiệm. Khi đó anh đang bước vào tuổi 20, cái tuổi mà con người hừng hực niềm say mê. May mắn cho anh là khi anh trở thành cán bộ văn hóa địa phương ở huyện Ngọc Hồi-nơi quần tụ các tộc người Xê Đăng, Jrai, Giẻ Triêng-thì văn hóa bản địa lúc bấy giờ chưa bị nền văn minh thời @ du nhập và làm cho mai một. Tất cả các vật dụng phục vụ cho lao động sản xuất và sinh hoạt đều do họ tự làm ra. Anh đã từng bỏ hàng giờ để ngồi xem họ tạo hoa văn trên thân gùi, nhìn họ đẽo gọt từng chiếc nỏ từ thân cây gỗ quý. Từ đó anh mới thấy được giá trị của tất cả các vật dụng họ làm ra, bởi những vật thể ấy đã được gửi gắm vào đó tất cả tình cảm và sự say mê sáng tạo.
Những năm đầu thập niên của thế kỷ mới, nạn chảy máu cồng chiêng và cổ vật trên cả nước bắt đầu len lỏi vào Tây Nguyên. Các lái buôn đổ về tận buôn làng săn lùng. Nguyễn Thế Phiệt đã chứng kiến dòng chảy của cổ vật ngày một lan tràn, anh tự nghĩ rồi đây buôn làng sẽ còn lại những gì? Tất cả những lời thuyết phục để gìn giữ đều vô nghĩa vì đồng bào đang cần tiền để trang trải đời sống khó khăn. Thế là anh buộc phải mở hầu bao ít ỏi đã dành dụm được trong những năm qua để mua lại những vật dụng truyền thống. Lúc đầu anh cũng mua được một số thứ với giá ưu đãi vì quen biết, nhưng sau anh buộc phải mua với giá cao vì sự “cạnh tranh” khốc liệt với lái buôn từ Hà Nội, Bình Định, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh... Anh bảo, có khi anh phải bỏ ra nguyên cả tháng lương chỉ để mua được một chiếc gùi có nắp đựng áo quần. Có lúc anh còn mua bột ngọt, cá mắm và lương thực… trích từ số tiền công tác phí ít ỏi để đổi lấy chỉ một tẩu thuốc của đồng bào. Cứ thế, gần 20 năm qua anh đã tích lũy được một gia tài đồ sộ (trên 200 hiện vật) gồm gùi các loại; tẩu thuốc các loại; ghè các loại, nồi đồng, nỏ, giáo mác, khung cửi, cồng chiêng…
Nguyễn Thế Phiệt khẳng định, anh là người yêu mến và quý trọng vốn cổ của đồng bào các dân tộc, là người sưu tầm các hiện vật với mong muốn giữ gìn, bảo tồn chứ không bao giờ mua bán. Vì vậy, từng có rất nhiều người gạ mua toàn bộ “bảo tàng” ấy với giá trên 300 triệu đồng nhưng anh không bán, mặc dù gia cảnh còn khó khăn. Nguyễn Thế Phiệt cho biết anh vừa chuyển công tác về Thư viện tỉnh Gia Lai vào tháng 4 vừa qua, vợ anh hiện vẫn còn ở lại Kon Tum vì công việc. “Chỉ mong ước sau này ổn định sẽ mở được một quán cà phê tại nhà để nhiều người có dịp được thưởng lãm bảo tàng nhỏ này”-anh chia sẻ.  
Phùng Sơn

Có thể bạn quan tâm