Phóng sự - Ký sự

Người dân buôn Ma Giai mong sớm được tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 60 hộ dân sống ở các sườn dốc, ven chân núi và những hộ dân khó khăn về đất ở tại buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) rất phấn khởi khi địa phương đang hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án “Sắp xếp, bố trí ổn định các hộ dân tộc thiểu số du canh, du cư buôn Ma Giai”.

Ngóng chờ làng mới

Lâu nay, gia đình ông Kpă Lanh dựng nhà sàn trên phần đất trồng mì nằm sát chân núi để tiện sinh hoạt và canh tác. Tuy vậy, mỗi khi mưa lớn kéo dài thì gia đình ông lại sống trong thấp thỏm, bởi đất đá phía trên có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Vì thế, những ngày mưa lớn, vợ chồng ông và 3 người con không dám ngủ ở nhà mà phải đến nhà người thân. Chính vì vậy, khi chính quyền xã thông báo gia đình ông có tên trong danh sách các hộ di dời về làng tái định cư mới được quy hoạch ngay tại buôn Ma Giai, cả nhà ông vô cùng mừng rỡ. Mong mỏi về một nơi ở mới của gia đình ông lâu nay sắp trở thành hiện thực.

Gia đình ông Kpă Thùy không có đất ở, phải xây nhà tạm trên phần đất của anh trai. Ảnh: M.N

Gia đình ông Kpă Thùy không có đất ở, phải xây nhà tạm trên phần đất của anh trai. Ảnh: M.N

Tương tự, hơn chục năm nay, gia đình ông Kpă Thùy phải ở nhờ trên đất của người anh trai. Trước đây, ông dựng nhà sàn ở trên sườn đồi để sinh sống và chăm sóc hơn 8 sào mì. Thấy em mình gặp khó, người anh trai đã cho mượn mảnh đất hơn 20 m2 cạnh nhà để vợ chồng ông dựng căn nhà sàn nhỏ. Từ khi có thông tin được cấp đất ở để di dời về nơi ở mới, gia đình ông vô cùng mừng rỡ. Hơn 30 triệu đồng từ vụ mì vừa thu hoạch, vợ chồng ông chi tiêu tằn tiện xem như một phần kinh phí để dành cho việc xây dựng tổ ấm mới.

Theo ông La O Á-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ma Giai: Trong số 62 hộ thuộc diện tái định cư có 32 hộ sống gần chân núi, còn lại là các hộ khó khăn về đất ở, nhà ở cũng được bố trí đất để di dời đến nơi ở mới nhằm ổn định cuộc sống.

“Trước đây, công tác vận động một số hộ dân có phần đất sản xuất nằm trong khu quy hoạch của dự án gặp khó do việc thu hồi đất ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của họ. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động, đặc biệt là phân tích về ý nghĩa của dự án và việc Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng công trình giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống nước sinh hoạt giúp người dân có nhà ở ổn định lâu dài nên bà con đã đồng ý bàn giao đất”-Trưởng thôn Ma Giai cho biết.

Đồng thuận giao đất triển khai dự án

Là 1 trong 6 hộ dân có đất trong vùng dự án, ông La O Khởi cho hay: Phần diện tích hơn 2,1 ha trước đây gia đình ông trồng mì, lúa rẫy và mè. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. So với các hộ còn lại, diện tích đất thu hồi của gia đình ông gần bằng một nửa tổng diện tích của dự án (gần 5 ha). Ban đầu, ông không đồng thuận. Tuy nhiên, khi hiểu ý nghĩa của dự án, ông đã đồng ý.

Ông Khởi nêu đề xuất: “Chúng tôi mong huyện sớm triển khai dự án. Việc đo đạc diện tích, tính toán đền bù cho dân đã hoàn thành khá lâu nhưng chưa thấy động tĩnh gì trong khi đất quy hoạch lại đang bỏ trống”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Rơ Ô Jiết-Phó Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-thông tin: “Đến nay, chúng tôi đã họp dân thông qua chủ trương đầu tư, các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi đều đồng thuận đối với các quy định về chế độ chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá quy định của Nhà nước”.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18,2 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, san ủi mặt bằng khu dân cư và hệ thống nước sinh hoạt, điện chiếu sáng phục vụ cho đời sống của 62 hộ dân. Ảnh: Minh Nguyễn

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18,2 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, san ủi mặt bằng khu dân cư và hệ thống nước sinh hoạt, điện chiếu sáng phục vụ cho đời sống của 62 hộ dân. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Khôi-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thì cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18,2 tỷ đồng gồm các hạng mục như: đầu tư hệ thống các tuyến đường nội bộ và đường kết nối; san ủi mặt bằng khu dân cư (4,5 ha, dự kiến bố trí mỗi hộ 400 m2 đất ở); hệ thống nước sinh hoạt, điện chiếu sáng.

“Hiện nguồn vốn năm nay đã có, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục, đồng thời sẽ phối hợp với xã chi tiền hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất để họ bàn giao mặt bằng cho dự án sớm được triển khai”-ông Khôi nói.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Đến thời điểm này, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án (tỷ lệ 1/500). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang triển khai công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến tổ chức, cộng đồng dân cư trình Sở Xây dựng thẩm định; trình UBND tỉnh phê duyệt dự án trong quý III-2023.

“Chúng tôi sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để dự án sớm được triển khai, qua đó giúp người dân ổn định nhà ở để chuyên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”-ông Thảo nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm