Phóng sự - Ký sự

Người 'giữ hồn' cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cồng chiêng từ chỗ có nguy cơ mai một, nay được lưu truyền và phổ biến rộng khắp, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum. Để có được thành quả ấy, phần nào nhờ sự đóng góp đáng kể của già A Phênh (77 tuổi, thôn Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).

Xây dựng đội cồng chiêng xã

Đến xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, chúng tôi thấy rất nhiều người đồng bào Xơ Đăng tụ tập học đánh chiêng và say sưa luận bàn về kế hoạch tham dự các cuộc thi cồng chiêng trong thời gian sắp đến.

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà, cho biết, hiện xã đã phát triển được đội cồng chiêng, múa xoan ở thôn Tu Mơ Rông với 21 thành viên. Đội cồng chiêng này từng vinh dự biểu diễn đón Thủ tướng Phạm Minh Chính lên thăm và làm việc tại huyện.

Theo ông Khoa, cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Xơ Đăng nhưng bị mai một dần. Lo sợ mất đi nét văn hóa này, lãnh đạo xã đã lên kế hoạch xây dựng đội cồng chiêng và chọn già A Phênh làm thành phần nòng cốt.

“Chính già A Phênh đã lặn lội xuống tận nhà dân để tuyển chọn và trực tiếp dạy miễn phí. Già cũng biến ngôi nhà của mình làm nơi truyền dạy, gác công việc nương rẫy để tập trung huấn luyện. Già chính là linh hồn của đội cồng chiêng xã. Không có già thì không phát triển được đội chiêng này”, ông Dương Đăng Khoa nói.

Già A Phênh với bộ cồng chiêng mà già dùng để truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng

Già A Phênh với bộ cồng chiêng mà già dùng để truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng

Già A Phênh từng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tu Mơ Rông. Là người có uy tín của xã nên già luôn được dân tin, yêu mến. Già A Phênh thành thạo nhiều nhạc cụ, ngoài cồng chiêng còn biết chơi đàn T’rưng, Ting Ning - đây đều là một phần trong kho tàng văn hóa độc đáo của đồng bào Xơ Đăng và già A Phênh chính là người có công gìn giữ, lưu truyền và phát triển rộng khắp.

“Quy tụ, dạy được đội cồng chiêng rất khó. Lý do vì người dân trong thôn bận công việc, bản thân già cũng rất bận. Tuy nhiên, khi Chủ tịch UBND xã Dương Đăng Khoa đặt vấn đề mời già xây dựng đội cồng chiêng, già tham gia ngay vì muốn góp phần lưu truyền cồng chiêng. Già đi xuống tận nhà, trực tiếp xem ai có năng khiếu rồi mời vào đội. Tuần 2 buổi, già tổ chức dạy tại nhà. Ròng rã 2 năm, đến nay, đội chiêng đã đoạt nhiều giải thưởng”, già A Phênh kể.

Góp phần bảo tồn, lan tỏa văn hóa

Ông Dương Đăng Khoa cho biết, không chỉ xây dựng đội cồng chiêng xã, hơn 1 năm qua, già A Phênh còn góp công dạy cồng chiêng miễn phí cho học sinh của Trường THCS bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông và Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông. Nhờ già A Phênh, cồng chiêng đã có lớp trẻ kế cận, nguy cơ thất truyền không còn.

Em A Anh Tuấn (học sinh lớp 6, Trường THCS bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông) không giấu nỗi sự cảm kích: “Em mê đánh chiêng nhưng chưa có điều kiện để học. Hơn 1 năm nay, nghe tin già A Phênh vào trường dạy chiêng, em vội đăng ký học ngay. Già dạy nhiệt tình, lại rất tâm huyết. Giờ đây, em đã biết đánh chiêng, tất cả nhờ già A Phênh”.

Chia tay với chúng tôi, già A Phênh nói về dự định sắp tới: “Già luôn muốn văn hóa cồng chiêng được lưu truyền. Vì thế, thời gian qua, các trường, hay xã mời dạy, già bỏ công việc gia đình để nhận lời ngay. Còn sức, già sẽ tiếp tục dạy miễn phí”.

Theo ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà, ngoài góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng, bằng uy tín của mình, già A Phênh còn thúc đẩy dân trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Già chính là cánh tay nối dài của chính quyền giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm về sản xuất tăng năng suất, sống tiết kiệm, hạn chế sử dụng rượu bia. Nhờ đó, an ninh trật tự được đảm bảo, buôn làng yên bình, đời sống được nâng cao. Với những đóng góp trên, sắp tới, xã sẽ tổ chức tặng bằng khen cho già A Phênh.

Có thể bạn quan tâm