Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người kể sử thi cuối cùng ở làng Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với thế hệ trẻ ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, Gia Lai), nghệ nhân Đinh Rung không khác gì một “vị thần” bước ra từ sử thi: dũng cảm, gan dạ, đánh giặc giỏi, có trí nhớ siêu việt khi thuộc và hát được những pho sử thi đồ sộ cha ông truyền lại một cách tài tình.
Tôi gặp nghệ nhân Đinh Rung ngay cổng trụ sở UBND xã Chư Krêy khi ông được một thanh niên trong làng chở lên nhận tiền chế độ dành cho người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày. Ông từng bị Mỹ bắt giam tại Nhà lao Pleiku 3 năm 4 tháng, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc 7 tháng thì được thả, cũng là lúc đất nước giải phóng. Ông cũng nhắc lại vài cột mốc quan trọng trong thời kỳ tham gia kháng chiến bằng lối kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn. Có lẽ nhờ cái duyên kể chuyện này mà khi hát kể sử thi, ông luôn khiến người ta “chết mê chết mệt” như nhận xét của anh Đinh Văn Khinh-một thanh niên trong làng.
Kể sử thi trong tù
Nghệ nhân Đinh Rung. Ảnh: M.C
Nghệ nhân Đinh Rung là một trong 8 cá nhân của tỉnh vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (đợt 2-năm 2019). Ông cũng là nghệ nhân hát kể sử thi (loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đang đứng trước nguy cơ biến mất do không có truyền nhân) cuối cùng ở làng Châu. Ông thuộc trọn vẹn và hát kể được 7 sử thi dài, phản ánh nhiều nội dung khác nhau: kể về cháu của một vị thần hóa thành chim thần, về những chàng trai đánh nhau long trời lở đất để giành giật một người con gái… Đặc biệt, sử thi “Jơn-Mâu” là câu chuyện có thật ở vùng đất Kông Chro, kể về tình yêu của một đôi trai gái trong cùng một dòng tộc. Tình yêu không được làng chấp nhận, già làng đã phạt đôi trai gái 30 con trâu, 7 con dê, 9 con heo, 14 con gà. Hai người đã vượt qua mọi trách phạt, thề hẹn sống chết cùng nhau. Tuy nhiên, cuối cùng họ vẫn không lấy được nhau nên tìm đến cái chết… Dẫu rất buồn nhưng đây là câu chuyện thường được mọi người yêu cầu ông kể nhiều nhất.
Tóm tắt vậy, nhưng theo nghệ nhân Đinh Rung, mỗi sử thi phải kể đến 3 ngày 3 đêm không nghỉ mới hết. Ông cười bảo: “Những sử thi dài như vậy nên hồi còn bị tù đày, kể từ mùa khô sang mùa mưa mới xong 1 chuyện. Thời kỳ ở nhà lao Pleiku, mình nhớ riêng huyện Kông Chro có khoảng trên 30 người Bahnar, họ rất yêu thích những câu chuyện thần thoại. Vì vậy, mình thường hát kể cho họ nghe để quên ngày, quên tháng và vơi đi nỗi nhớ nhà. Tù nhân người Jrai hồi đó cũng rất đông, họ cũng rất thích nghe sử thi nên mình học tiếng Jrai trong tù và hát kể bằng tiếng Jrai cho họ”.
Sau này, khi trở về làng, ông Đinh Rung vẫn mang sở trường hát kể sử thi góp vui trong những cuộc họp làng, dịp hội hè, đặc biệt trong mùa “ăn năm uống tháng” kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Anh Khinh cho biết: “Từ nhỏ, mình đã được nghe già Rung kể biết bao câu chuyện thần thoại. Lũ trẻ con trong làng đều mê ông, xem ông như một vị thần, như những anh hùng bước ra từ thần thoại, chỉ khác là ông bằng xương bằng thịt và rất gần gũi với trẻ con. Ông kể chuyện tù đày, chuyện tham gia văn công, chuyện ngày xửa ngày xưa… Chuyện nào cũng vô cùng hấp dẫn”. Lũ trẻ con như anh Khinh nói nay đã trở thành những thanh niên gánh vác hầu hết trọng trách lớn nhỏ của làng. Họ ít nhất đã từng một hoặc vài lần được nghe già Rung hát kể sử thi bên bếp lửa nhà rông, từng mơ ước được trở thành một người kể chuyện xưa như vậy. “Mình vẫn nhớ nội dung nhiều câu chuyện già Rung kể và rất muốn hát kể được như ông. Nhưng sử thi dài quá, không tài nào nhớ được. Mình đã vài lần thử rồi nhưng chịu thôi, khó lắm”-anh Khinh nói.
Ai sẽ kể tiếp sử thi?
Cả anh Đinh Văn Khinh, Đinh Văn Khuyên-hai chàng trai dẫn chúng tôi đi gặp người hát kể sử thi cuối cùng ở làng Châu đều là cán bộ Đoàn và vẫn còn dành tình yêu, sự quan tâm cho văn hóa truyền thống. Thế nhưng cả hai đều thừa nhận không thể học để trở thành người hát kể sử thi như già Rung, bởi đặc thù của loại hình văn hóa này.
Nghệ nhân Đinh Rung (giữa) trò chuyện cùng thanh niên làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro). Ảnh: M. C
Nghệ nhân Đinh Rung ngước đôi mắt già nua nhìn lên tán xà cừ cổ thụ buông tiếng thở dài: “Mình có 4 người con nhưng chúng nó không biết hát như mình. Chúng có thể thuộc nội dung câu chuyện nhưng không biết hát để thể hiện thì cũng chịu thua. Hát kể phải có hơi thật dài, giọng thật hay, thật khỏe thì câu chuyện mới hấp dẫn. Người Bahnar vẫn yêu sử thi lắm, rất nhiều người đã tìm mình để học nhưng rồi phần lớn bỏ cuộc”. Tôi nói: “Hồi nhỏ, ông đã học sử thi từ ai và học như thế nào thì ông hãy dạy lại cho lớp trẻ như vậy”. Nghe xong, nghệ nhân Đinh Rung khẳng định ngay: “Không thể được. Mình học từ cha mình. Nghe ông kể mãi bên bếp lửa thì thuộc rồi hát theo. Nhưng đó là hồi xưa, bây giờ không ai còn nằm bên bếp lửa kể chuyện hết đêm lại ngày như thế nữa”. Theo ông, quan trọng nhất của sử thi là không gian diễn xướng, thì nay đã không còn. Cuộc sống mới khiến ngày như dài hơn và đêm như ngắn lại. Con người tất bật hơn với việc kiếm sống, không ai dành thời gian ngồi từ đêm này sang đêm nọ chỉ để nghe kể một câu chuyện. Cùng vô vàn những yếu tố khác tác động đã khiến sử thi mất dần đất sống, dù đã có thời kỳ, nó là nguồn sống tinh thần cho cả cộng đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đúc rút sau nhiều công trình nghiên cứu dài hơi về sử thi Bahnar: “Sống giữa núi rừng hùng vĩ, xa cách với thế giới bên ngoài, sử thi của người Tây Nguyên không chỉ là vốn quý về văn nghệ dân gian, mà còn là một kho tàng lịch sử sống động… Để hiểu về những năm tháng đã qua trên vùng đất Tây Nguyên, người ta không thể không tìm đến sử thi. Điều may mắn là cho đến nay, Gia Lai vẫn còn một số nghệ nhân có thể hát kể sử thi tại cộng đồng”. Nhưng con số nghệ nhân khiêm tốn ấy đang ít dần đi từng ngày. Rồi đây, những pho sử thi đồ sộ, phản ánh đời sống vô cùng phong phú, kỳ ảo, nhiều mơ ước, khát vọng của người bản địa Đông Trường Sơn không biết sẽ có ai kể tiếp.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm