Phóng sự - Ký sự

Người Quảng ở Nam Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017 đánh dấu chẵn 60 năm người Quảng Nam có mặt ở vùng đất Nam Yang (huyện Đak Đoa). Đó là khoảng thời gian dài bằng đời người với những thay đổi lớn lao trong đời sống. Tuy vậy, “chất Quảng Nam” vẫn còn rất đậm đặc ở cộng đồng người Quảng tha hương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, địa chí của vùng Nam Yang khá đặc biệt. Từ năm 1957 đến 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dinh điền nên di dân từ đồng bằng ven biển miền Trung lên các tỉnh Tây Nguyên. Tại cao nguyên Pleiku có 2 dinh điền được thành lập là Lệ Cần (Plei Piơm 1) và Lệ Chí (Plei Piơm 2). Dinh điền Plei Piơm 2 được thành lập tháng 11-1957. 2 năm sau (năm 1959) đổi tên thành xã Lệ Chí thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Sau giải phóng, Lệ Chí tiếp tục đổi tên thành Nam Yang và tên gọi này tồn tại cho đến bây giờ. Điều này hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu do ông Nguyễn Tẩu-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nam Yang, cung cấp. Ông Tẩu chính là một trong những người Quảng đầu tiên đặt chân lên vùng đất này theo chính sách dinh điềnđcủa chế độ cũ. “Dân số của dinh điền lúc mới thành lập khoảng hơn 2.500 người, toàn bộ là người Thăng Bình và Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, dân số của xã đã tăng gấp nhiều chục lần nhưng 98% vẫn là người Quảng, số ít còn lại chính là con dâu, con rể”-ông Tẩu cho biết.  

60 năm cuộc đời

 

Các thế hệ người Quảng xa quê ngồi nhắc nhớ chặng đường 60 năm gây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Ảnh: H.N
Các thế hệ người Quảng xa quê ngồi nhắc nhớ chặng đường 60 năm gây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Ảnh: H.N

Theo ông Tẩu, người Quảng di dân trong giai đoạn đó là dân nghèo hoặc những người hoạt động cách mạng bị tình nghi. Chính quyền cũ muốn tách họ khỏi quê hương để giảm sức mạnh chiến đấu. Ông Nguyễn Tẩu thuộc đối tượng thứ 2, tức là những người yêu nước tham gia kháng chiến bị địch nghi ngờ. “Khi chúng tôi vào dinh điền, mỗi người được cấp 15 kg gạo trong 6 tháng và một ít bột mì, thuốc men. Chỉ ngay trong tháng đầu tiên đã có hơn 200 người chết vì sốt rét và bệnh tật. Người chết nhiều và nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp đóng hòm, chỉ bó chiếu hoặc nẹp tre đem chôn. Sau đó là cuộc chiến đấu cam go để sinh tồn”-vị lão thành cách mạng nhớ lại.  

Đây là vùng đất đặc biệt và kỳ lạ: khắc nghiệt bởi rừng thiêng nhưng đất đai dung chứa sự phì nhiêu màu mỡ, đang chờ sức người khai phá. Ông Tẩu kể: “Từ năm 1959 đến 1961, chủ trương của dinh điền là trồng cao su và đay. Đay chủ yếu nhập vào Sài Gòn, mỗi năm vài ngàn tấn. Trồng đay được 5 năm, dinh điền tiếp tục chuyển sang trồng khoai lang, mì, đậu phộng, bắp sú... Mỗi ngày dinh điền cung cấp cho nội thị Pleiku 4 xe lam bắp sú, còn khoai lang được chở tiêu thụ ở thị trường Đà Nẵng. Vào mùa khoai mật, mỗi ngày xuất đi khoảng 9-10 tấn. Vì sao tôi lại nói về 2 loại thực phẩm đặc biệt này. Thứ nhất, nhờ bắp sú mà dân giàu. Ngày đó, bán mỗi xe bắp sú người dân có thể đổ được vàng. Bây giờ, một số gia đình vẫn còn giữ những miếng vàng của tiệm Hồng Sơn nổi tiếng một thuở như kỷ vật. Khoai mật Lệ Chí tuy không nổi tiếng bằng khoai Lệ Cần nhưng được thị trường Đà Nẵng đặc biệt ưa chuộng để làm khoai gieo (dẻo)-một đặc sản riêng có của miền Trung thời đó. Bây giờ, giống khoai mật thuần chủng không còn, người dân vùng này cũng chỉ trồng một ít để ăn”.

Đến năm 1982, xã giải thể tập đoàn sản xuất (làm tập thể, ăn theo công điểm) để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Tồn tại đến năm 1997, hợp tác xã cũng giải thể để giao lại ruộng đất cho các gia đình tự làm chủ, tự sản xuất. Từ đây mở ra một trang mới cho nông nghiệp địa phương, cho cuộc sống của những người Quảng xa quê.

Trên quê hương mới

Người Quảng vốn nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ và kiên cường. Sau khi làm chủ đất đai, họ nhanh chóng gây dựng thành một cộng đồng giàu có và thành đạt. Năm 2015, xã Nam Yang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bà Nguyễn Vũ Hoàng Uyên-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang, cho chúng tôi vài cái tên về những người làm kinh tế giỏi, khá giả của xã. Theo bà Uyên, thế hệ người Quảng thứ 2, thứ 3 của xã có rất nhiều người giỏi, mạnh dạn, nhanh nhạy trong sản xuất kinh doanh. Trong đó phải kể đến những người thu tiền tỷ mỗi năm như Ngô Văn Tiên, Mai Văn Trực, Nguyễn Văn Hà, Đặng Văn Sửu, Phan Thị Lệ... Ông Đoàn Thâm-một trong những người Quảng thế hệ thứ 2 của xã hiện đang làm chủ một cơ sở kinh doanh phân bón, ông còn có 6.000 cây cà phê, 7.000 trụ tiêu đang kinh doanh. Mặc dù nhận được “núi” giấy khen, bằng khen cho thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng ông Thâm vẫn khiêm tốn cho rằng: “Tôi vẫn chưa dám so với nhiều gia đình người Quảng ở đây”.


 

Một góc xã Nam Yang hôm nay.
Một góc xã Nam Yang hôm nay.

“Hiện toàn xã Nam Yang còn 127 cụ trên 80 tuổi. Đây là những người Quảng thuộc thế hệ thứ nhất. Họ trở thành nguồn động viên rất lớn với con cái, thế hệ người Quảng thứ 2, 3 trên vùng đất Nam Yang”-ông Nguyễn Tẩu cho hay.
 

Ông Nguyễn Tẩu còn tự hào nói: “Xa quê chính là một thiệt thòi nhưng cũng là động lực để cộng đồng người Quảng Nam yêu thương, đùm bọc, kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Không chỉ xây dựng một cộng đồng giàu mạnh trên quê hương mới, nhiều thế hệ phấn đấu học hành giỏi giang, thành đạt trong xã hội. Có thể kể đến con trai cụ Huỳnh Thị Viễn hiện là Phó Tư lệnh một Binh đoàn ở Bình Phước, con cụ Ngô Văn Phước làm Phó Chủ tịch một huyện ở tỉnh Kon Tum, con ông Trần Khẩn hiện là Giám đốc Công ty Điện lực của một tỉnh Tây Nguyên... và rất nhiều kỹ sư, bác sĩ, du học sinh Nhật Bản, Đức từ mảnh đất Nam Yang này mà ra”.

“Chất Quảng” không mờ phai

Sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Pleiku nhưng ông Đoàn Thâm vẫn nói đặc sệt giọng Quảng. Ông nói rằng chất Quảng không mờ phai trong cách sống lẫn sinh hoạt văn hóa của người Quảng ở Nam Yang. Ông cho biết: “Năm nào tôi cũng về thăm quê ở thôn Cổ Linh, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình. Quê tôi vẫn còn nghèo, chính vì vậy mà tôi thương quê nhiều lắm. Thương quê nghèo bao nhiêu tôi cũng thương quê hương mới bấy nhiêu. Quê cũ cho tôi ý thức sâu sắc về cội nguồn xứ sở. Quê hương mới cho tôi cuộc sống no đủ để nuôi con cái học hành thành đạt”.

Còn với thế hệ người Quảng đầu tiên ở Nam Yang như ông Nguyển Tẩu, dù đã sống trọn vẹn 60 năm trên cao nguyên Pleiku nhưng không hề phai mờ ký ức với quê hương xứ sở. “Tôi năm nào cũng về thăm quê nhưng vẫn luôn nhớ khôn nguôi dòng Trường Giang quê mình. Đó còn là ký ức về quê nghèo mãi không bao giờ mất đi”. Ông Tẩu nói rằng, dường như trong lòng mỗi người Quảng xa quê luôn có một dòng sông quê hương để thương nhớ. Đó cũng chính là bài học làm người đầu tiên và giản dị nhất: luôn nhớ về quê hương, về nguồn cội tổ tiên. Điều này được người Quảng khắc cốt ghi tâm, thể hiện bằng sự biết ơn và những việc làm đầy trách nhiệm. Hàng năm, cứ vào tháng 12 Âm lịch, người Quảng ở Nam Yang lại lũ lượt hồi hương. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng nhà nào cũng cố gắng thu xếp có mặt trong ngày tu tảo phần mộ ông bà, tổ tiên, gặp gỡ họ hàng. “Đó là nét đẹp của người Quảng và chúng tôi luôn giáo dục cháu con phải nhớ về, dù sống ở bất kỳ phương trời, vùng đất nào”-ông Tẩu cho hay.

Ông Tẩu còn hẹn chúng tôi ăn cái Tết đậm chất Quảng ngay trên vùng đất Nam Yang này với thịt heo ngâm mắm, dưa kiệu, bánh tét... Ân tình của người Quảng xa quê dành cho quê cũ cứ mãi bám níu tôi. Để khi trở về, chầm chậm đi qua những ngôi nhà có những hàng cau, bụi chuối ngay trước cổng, hay những cụm cúc vạn thọ trổ hoa vàng trước những ngôi nhà cũ ngay trên đất Nam Yang mà cứ có cảm giác đang ở làng quê nào xứ Quảng.

 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm