Phóng sự - Ký sự

Người ươm mầm cây rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng là người chặt gỗ trong các cánh rừng miền tây Quảng Bình, ông Nguyễn Đức Sự (ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) không nghĩ có ngày trở thành người giảng dạy cho nông dân nhiều vùng trồng rừng bằng chính kiến thức của mình học được. Không những thế, ông còn trở thành nhà thực vật thực thụ khi tiến hành ươm mầm gần 2.500 loài thực vật có hạt từ các cánh rừng quê ông.

Một góc rừng lim 3 năm tuổi do ông Sự ươm trồng tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình
Một góc rừng lim 3 năm tuổi do ông Sự ươm trồng tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình
Ươm hàng ngàn giống cây rừng
Lên thung lũng Cao Quảng, một màu xanh của rừng trồng bản địa đang thay thế dần những cánh rừng keo trước đây. Người ta bảo, đó là nhờ những người tiên phong như nông dân Nguyễn Đức Sự (54 tuổi) chuyển đổi đất trồng keo sang trồng cây rừng bản địa, bước đầu cho hiệu quả tốt và bền vững hơn.
Tiếp chúng tôi dưới tán rừng trong vườn nhà rộng thoáng, ông Sự kể về hành trình ươm giống cây rừng bản địa của mình: “Thuở thanh niên đói nghèo, tôi lên rừng cứ gặp cây gỗ to chặt về bán. Khi bỏ nghề rừng, chuyển sang trồng keo tràm với 7ha thì năm 2013 gặp bão lớn, mất trắng. 3 năm sau bão lớn lại ập vào, tiếp tục mất trắng lứa cây rừng vừa gầy dựng. Đang thất thểu tìm cái gì không bị bão làm đổ gãy, bất ngờ xã mời lên tham gia dự án của Viện Nghiên cứu Sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (CENDI) từ Hà Nội vào giúp dân trồng rừng bản địa. Bữa đầu mông lung lắm, nhưng chưa biết gì để làm ăn nên theo học cách các chuyên gia nước ngoài ươm hạt lim, táu, gõ, hương, lát… Làm rất khó, phải kiên trì học cả năm mới ươm được những giống cây như thế”.
Ban đầu nòng cốt có 9 nông dân của xã Cao Quảng, tiếp đến có thêm hơn 30 hộ dân, nay thì cả xã học theo ông Sự ươm trồng cây rừng bản địa. “Ông bà mình ngày xưa lấy sản vật gì từ rừng cũng bài bản, khoa học. Không bao giờ lấy hết mà luôn giữ lại để rừng hồi sinh, cho con cháu sau này. Hiểu ra được điều này, tôi đam mê học hỏi từng ngày mong có ngày “trả nợ cho rừng”. Từ chỗ ươm đâu chết đó, đến nay, cứ có cây rừng nào có hạt là tôi đều ươm thành công”, ông Sự cho biết.
Với ông Sự, ươm thành công các giống thực vật thân gỗ ngay ở quê mình là một hạnh phúc, là để trả nợ rừng. Ngày được công nhận là người có khả năng ươm giống gần 2.500 loài thực vật có hạt, ông ôm vợ con reo lên: “Tôi sẽ trả được nợ chặt cây rừng. Đời con đời cháu sẽ thấy lại những cánh rừng lớn như ngày xưa cha ông đã từng có”.
Và người dạy trồng rừng
Những kiến thức từ SPERI và CENDI truyền đạt ông Sự thấm vào huyết quản, không quên bất cứ thứ gì, từ rừng trồng sinh trưởng như thế nào đến quy hoạch lại vườn rừng ra sao để bão không làm đổ gãy, mưa lũ không gây sạt lở, ông đều thực hiện bài bản với 7ha rừng của gia đình. “Từ diện tích 7ha trồng keo trước đây, vợ chồng tôi vay mượn thêm làm dự án hỗ trợ 4 tổ ong rừng đã thuần chủng. Cả gia đình sống tiết kiệm, bao nhiêu vốn liếng đổ vào trồng cây gỗ bản địa. Đầu tiên trồng lim, táu, gõ. Dưới chân trồng các loại cây dược liệu ngắn ngày. Cây hoằng đằng trong sách đỏ, dùng để điều chế thuốc tôi cũng đã ươm thành công. Tất cả đều có tương lai sáng sủa”, ông Sự nói.
Bây giờ, hàng năm, ông Sự được mời ra các tỉnh miền núi phía Bắc giúp nông dân quy hoạch lại vườn nhà với tài nguyên có sẵn, không lấy từ nơi khác về. Ông làm bài bản đến mức có việc gì bà con người Mông, Dao, Thái đều gọi điện hỏi ý kiến. Ngơi việc, ông lại đi giảng dạy trồng rừng bản địa với bà con Tây Nguyên. Có gì chưa thông, bà con lại gọi điện thoại video hỏi ông các kỹ thuật chăm bón. Cứ thế, ông Sự đã tập huấn trồng rừng bản địa cho hàng chục ngàn người, thường được bà con gọi “thầy Sự” một cách trìu mến.
Nay vườn ươm của ông Sự có đủ loại giống hỗ trợ bà con trong vùng, nhằm lấy ngắn nuôi dài. “Trồng rừng gỗ lớn bản địa mất 10 năm chăm bón, qua năm thứ 11 chỉ cần thu hoạch cây đa tán rừng, sản vật, lâm sản ngoài gỗ, mật ong,… đã đủ làm giàu vì mỗi hécta có thể cho thu hoạch 200-300 triệu đồng. Trong khi cây keo chỉ thu nhập 30-40 triệu đồng mà làm đất ngày càng bạc màu đi”, ông Sự cho biết.
Đang nói chuyện, có hàng xóm qua xin cây về trồng trong vườn nhà để ăn thay cho bột ngọt. Thấy tôi bất ngờ, ông Sự kể, một lần sang Lào để hướng dẫn cách nuôi ong bản địa, người dân ở Khăm Muộn (Lào) áp dụng thành công ngoài mong đợi. Để cảm ơn ông, bà con nơi đây tặng ông giống cây về nấu ăn thay thế được bột ngọt. Ông mang về trồng rồi cho bà con hàng xóm, đến nay, cả làng có nhiều gia đình không dùng đến bột ngọt, sống thuận thiên.
Chia tay, ông Sự khoe chừng 5 hoặc 10 năm nữa, những cánh rừng gỗ lớn ở Cao Quảng sẽ xuất hiện nhiều bởi hàng trăm hộ dân đã chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn. Mới mấy năm mà đã xoay chuyển tình hình, thượng nguồn sông Gianh hướng Cao Quảng đã giữ được nhiều nước. Chuông điện thoại lại reo, ông Sự bảo, sớm mai ông lại đi 1 tháng để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với người dân cách trồng rừng bản địa...
Ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cao Quảng, cho biết, cách làm của ông Nguyễn Đức Sự được nhiều bà con đón nhận vì đưa được rừng xanh về lại với địa phương, ươm hàng ngàn giống thực vật bản địa trả lại cho rừng. Từ một người từng chặt phá cây rừng, ông Sự đã trở thành người dạy nông dân trồng rừng là một bước chuyển hướng nhân văn.
Theo MINH PHONG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm