Người Việt lạc quan đón nhận những thay đổi về du lịch hậu đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo kết quả khảo sát chỉ số tự tin về du lịch, 85% du khách Việt có kế hoạch xê dịch trong 12 tháng tới. Họ lạc quan đón nhận những thay đổi về du lịch hậu đại dịch, kể cả gián đoạn trên hành trình.
 
85% du khách có kế hoạch xê dịch trong 12 tháng sắp tới. Ảnh minh hoạ: CTV/Vietnam+
85% du khách có kế hoạch xê dịch trong 12 tháng sắp tới. Ảnh minh hoạ: CTV/Vietnam+
Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tự tin du lịch với 85% du khách có kế hoạch xê dịch trong 12 tháng sắp tới. Khách đến từ Ấn Độ (86%) dẫn đầu danh sách và theo sau Việt Nam là Trung Quốc (79%).
Kết quả khảo sát chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) do nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com thống kê từ 11.000 du khách của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á, châu Đại Dương từ tháng 4-5/2022.
Điều đó cho thấy người Việt vô cùng lạc quan đón nhận những thay đổi về du lịch hậu đại dịch, kể cả gián đoạn trên hành trình hay chi phí du lịch, để được tiếp tục khám phá thế giới. Số liệu cũng thể hiện mức độ tự tin tiếp nhận du khách quốc tế của người Việt.
Nhu cầu thực sự của du khách Việt
Theo kết quả khảo sát này, phần đông du khách Việt dự định đặt 1-2 chuyến du lịch trong năm nay (62%). 45% người được hỏi cho biết họ muốn đến các điểm đến nổi tiếng gần Việt Nam (từ 3-8 giờ bay), thay vì những chuyến đi ngắn (dưới 3 tiếng bay) hoặc dài giờ (hơn 8 tiếng bay).
Đáng chú ý, có đến 82% người được khảo sát chia sẻ rằng họ cảm thấy thoải mái với việc Việt Nam mở cửa biên giới trở lại, trong đó 75% tự tin về khả năng chào đón du khách quốc tế của ngành du lịch nước nhà.
Sau hai năm buộc phải đóng cửa vì đại dịch, tới 55% du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, 45% du khách Việt muốn đi du lịch là vì họ đã lên kế hoạch từ trước đại dịch mà chưa kịp thực hiện, và bây giờ là thời điểm vàng để lên đường. Cũng có khoảng 32% số người được được hỏi cho hay đơn giản là họ chỉ muốn rời khỏi nhà, bất kể điểm đến là đâu.
 
Bảng xếp hạng về mức độ tự tin du lịch của 11 nước châu Á - Thái Bình Dương.
Bảng xếp hạng về mức độ tự tin du lịch của 11 nước châu Á - Thái Bình Dương.
Dư chấn của COVID-19 khiến cả nền kinh tế liêu xiêu và nhiều gia đình thực sự phải “thắt lưng buộc bụng” trước mỗi chuyến đi. Có tới 53% số người Việt tham gia khảo sát tiết lộ chi phí là mối bận tâm hàng đầu của họ. Đồng thời, những khó khăn do đại dịch gây ra vẫn tạo ra lo lắng cho nhiều du khách, cụ thể là “nỗi sợ bị cách ly” (36%) và khả năng tái nhiễm bệnh khi đi du lịch (32%).
Tuy dịch vẫn có khả năng diễn biến khó lường nhưng 49% khách nói rằng họ chấp nhận sự gián đoạn và bất tiện này như một phần của hành trình, đồng nghĩa với việc họ đang đón nhận những thay đổi cần thiết để được du lịch trở lại.
Đáng chú ý, có tới 39% người Việt Nam được khảo sát sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân của mình vì mục tiêu sức khỏe và an toàn cộng đồng; 29% đồng ý chia sẻ để có được trải nghiệm cá nhân hóa – một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chiến lược đối phó với đại dịch của hầu hết các quốc gia.
Du lịch bền vững được ưu tiên
Theo Báo cáo Du lịch Bền vững năm 2022 của Booking.com, 81% du khách toàn cầu khẳng định rằng du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng, trong đó 50% cho rằng những tin tức gần nhất về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến lựa chọn du lịch bền vững của họ.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 83% (đứng thứ 2) số người Việt được khảo sát đồng ý tầm quan trọng của việc đưa ra những quyết định du lịch bền vững hơn. Trong số đó, 73% sẵn sàng chi trả nhiều hơn vì sự bền vững; 70% đồng ý có ít sự lựa chọn du lịch hơn, miễn là chúng bền vững.
 
Du khách trước chuyến khám phá hang Sơn Đoòng. Ảnh: CTV/Vietnam+
Du khách trước chuyến khám phá hang Sơn Đoòng. Ảnh: CTV/Vietnam+
Đây thực sự là xu hướng du lịch hậu đại dịch. Cũng vì thế mà du khách Việt Nam cho biết trong những chuyến du lịch sắp tới họ sẽ quan tâm hơn đến những tác động môi trường và xã hội của họ tại điểm đến. 71% sẽ tập trung thưởng thức ẩm thực địa phương, 65% muốn tham gia vào các tour du lịch được chính người dân địa phương tổ chức, hoặc đơn giản là tự mang theo chai lọ, bình nước có thể tái sử dụng (52%) và tắt điều hòa trong phòng khách sạn khi không sử dụng (41%).
Trước bối cảnh đất nước đang chuyển mình để chung sống cùng COVID-19, người Việt Nam cho thấy quyết tâm bù đắp lại khoảng thời gian đã mất, cũng như sẵn sàng thực hiện một phần trách nhiệm của mình nhằm bảo tồn những nơi họ ghé thăm trong tương lai gần. Đó là tín hiệu vô cùng tích cực, tạo đà cho nền kinh tế xanh Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo M.Mai (Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm