Nguy cơ mắc bệnh từ vật nuôi trong nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nuôi chó, mèo là một trong những thói quen của nhiều gia đình Việt hiện nay. Nhiều người còn xem các vật nuôi như những thành viên trong gia đình; thậm chí có người còn cho chúng ngủ cùng. Điều này dẫn đến nguy cơ lây truyền các bệnh do vật nuôi gây ra.

Ảnh nguồn internet

Gần đây, chị Nguyễn Thị Trân-nhân viên kế toán, trú tại phường Yên Đổ (TP. Pleiku) thường xuyên bị ngứa như có kiến bò trong da. Khi gãi thì trên da xuất hiện những mảng dày như nổi mề đay. Chị đi khám khắp nơi, các bác sĩ chẩn đoán là dị ứng và cho thuốc về uống. Nhưng uống đủ liều bác sĩ cho mà bệnh vẫn không được cải thiện. Trong một lần vào TP. Hồ Chí Minh thăm người quen, chị đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược thì phát hiện là bị nhiễm giun đũa chó Toxocara, hay còn gọi là bệnh sán chó, một loại giun tròn ký sinh thường được tìm thấy trong ruột chó. “Khi có kết quả xét nghiệm, tôi rất bất ngờ và không nghĩ mình lại bị nhiễm giun đũa chó. Sau khi uống một đợt thuốc do bác sĩ bệnh viện kê đơn, tôi thấy giảm hẳn các cơn ngứa và kiên trì điều trị nên đến nay đã hoàn toàn khỏi bệnh”. Được biết, gia đình chị Trân có nuôi một chú chó.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Thanh-Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện TP. Pleiku cho biết: Việc nuôi chó mèo có thể gây nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm là bệnh giun đũa chó, mèo (tên khoa học là Toxocara). Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người nuôi chó hoặc mèo; những người hay ăn rau sống, đồ tái sống và không có thói quen rửa tay trước khi ăn. Đây là loại giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo; giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của chó hoặc mèo ra ngoại cảnh và phát triển thành ấu trùng, sau đó lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, ăn uống không vệ sinh, số ít có thể qua da khi tiếp xúc với chó mèo thường xuyên. Trong tất cả các trường hợp nhiễm Toxocara, trứng đều nở trong ruột và ấu trùng chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tim, mắt, não các mô khác, có thể gây ra các biến chứng như tạo những u hạt và áp xe trong mắt, não.

“Khi bị nhiễm Toxocara, hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh có thể bị ngứa da (thường gặp nhất), gan to, đau bụng hoặc khó chịu, có thể ho và khó thở liên quan đến phổi”-bác sĩ Thanh cho biết.

Hiện nay, tại Gia Lai, nếu nghi ngờ nhiễm Toxocara, người bệnh có thể làm xét nghiệm tại các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai; Bệnh viện Quân y 211; Bệnh viện TP. Pleiku và một số phòng khám đa khoa tư nhân có đủ điều kiện làm xét nghiệm.

“Người bệnh không nên tự ý mua thuốc dùng bởi có thể không đúng thuốc, không đúng liều lượng dễ dẫn tới tình trạng kháng thuốc. Bệnh không lây từ người sang người nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với chó, mèo như ôm, hôn, bồng, bế...; vệ sinh môi trường thường xuyên, không để chó mèo phóng bế bừa bãi. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và không đi chân đất…”-bác sĩ Thanh khuyến cáo.

 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm