Phóng sự - Ký sự

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Ngô Thành: Một cuộc đời cách mạng sôi nổi và phong phú

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bác Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai ra đi mới đây khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, hụt hẫng.

Vẫn biết là quy luật nhưng cảm giác mất mát, tiếc nuối về một lãnh đạo tỉnh mà sự nghiệp, cuộc đời hoạt động sôi nổi và phong phú, để lại dấu ấn khó phai mờ, là điều rất thật.

Cuộc đời cách mạng sôi nổi, phong phú

Ký ức của tôi về bác Ngô Thành là người lãnh đạo nhã nhặn, gần gũi, sát thực tế, nhanh nhẹn và quyết liệt. Trong các cuộc làm việc, bác Thành đều chuẩn bị chu đáo, nội dung ngắn gọn, rõ ràng, chỉ đạo cụ thể, sâu sát. Việc gì bác cũng cẩn trọng, chu toàn, rà soát, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng trước sau để có phương án và giải pháp xử lý tốt nhất.

Lúc sinh thời ông Ngô Thành rất đều đặn đọc báo để nắm tin tức thời sự. Ảnh: M.T

Lúc sinh thời ông Ngô Thành rất đều đặn đọc báo để nắm tin tức thời sự. Ảnh: M.T

Tính đến ngày theo về với Bác Hồ, với các lãnh tụ của Đảng, bác Thành có đến 78 tuổi Đảng. Nhắc đến bác, mọi người sẽ liên hệ ngay đến thế hệ các nhà lãnh đạo tiền bối của tỉnh, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp của Đảng bộ, chính quyền, phong trào cách mạng của địa phương, trải qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như đổi mới, hội nhập và phát triển.

Cách đây 2 năm khi đến thăm gia đình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với đóng góp công sức, trí tuệ của bác Ngô Thành. Thủ tướng vui mừng và phấn khởi khi bác Ngô Thành tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm nhiều nhưng vẫn nhiệt huyết, trách nhiệm, có nhiều ý kiến tham mưu, hiến kế cho tỉnh trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo. Theo Thủ tướng, đây là điều rất đáng quý, rất đáng tự hào.

Đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, vốn sống phong phú, trải nghiệm sâu sát, kiến thức sâu rộng nên gần như các hoạt động quan trọng của tỉnh, tầm nhìn chiến lược đều có tiếng nói, đóng góp của bác Ngô Thành khi đương chức cũng như khi đã về hưu. Tiêu biểu như việc xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành góp ý xây dựng tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh Đ.T

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành góp ý xây dựng tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh Đ.T

Việc xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong luôn là điều trăn trở của các ngành, địa phương trong tỉnh cũng như hầu hết các vị lão thành cách mạng và người dân trên địa bàn. Công trình được khởi công năm 2017 và khánh thành vào năm 2018. Từ ý kiến đề xuất đến chủ trương, triển khai thực hiện, việc nào, khâu nào dường như cũng có sự xuất hiện và tham gia của bác Ngô Thành. Tuổi dù đã cao nhưng bác bắt mình lục lại trí nhớ, đích thân đi gặp nhân chứng, người cao tuổi, cán bộ, người dân địa phương, rồi không quản ngại đường xa khúc khuỷu, tay chống gậy, chân thoăn thoắt lội suối, leo đồi khắp một vùng để xác định ranh giới, vị trí các cơ quan của Tỉnh ủy trong khu căn cứ.

Ngày công trình khánh thành đi vào hoạt động, dĩ nhiên bác Thành là người toại nguyện và sung sướng nhất. Bác phát biểu: “Tỉnh nào cũng có căn cứ địa cách mạng nhưng căn cứ địa cách của tỉnh Gia Lai tại xã Krong (huyện Kbang) tồn tại suốt 20 năm trước sự đánh phá ác liệt của quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là một kỳ tích. Nơi đây hội tụ các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của tỉnh Gia Lai. Chúng tôi là những người đã công tác tại xã Krong này trong 2 cuộc kháng chiến, rất tự hào và phấn khởi trước việc tỉnh đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Krong”.

Gần gũi, nhiệt tình với anh em báo chí

Giờ đây trong tôi vẫn còn hình dung rất rõ kỷ niệm khi làm việc với bác Ngô Thành khi viết bài “Tượng Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên” đăng trên báo Gia Lai, sau được tập hợp trong các tập sách truyền thống của tỉnh. Bài viết kể về quá trình phát hiện, lưu giữ bức tượng bán thân Bác Hồ ở vùng E3 (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) trong thời kỳ chống Mỹ. Bức tượng được cất giữ, bảo quản, truyền lại cho người cán bộ cao nhất của Đảng ở đây (đồng chí Bí thư). Trải qua các giai đoạn cách mạng, sự khốc liệt của chiến tranh, nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của xã đã hy sinh nhưng bức tượng luôn được bảo vệ, lưu giữ, chỉ xuất hiện vào những lúc quan trọng như các cuộc họp, quyết nghị một vấn đề lớn, kết nạp đảng viên mới… Những năm 90 của thế kỷ XX, trong một đợt điền dã, sưu tầm, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã phát hiện bức tượng nói trên và đưa về phục vụ Nhân dân tham quan, tìm hiểu.

Ông Ngô Thành trò chuyện cùng công chức Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về một số cứ liệu lịch sử (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hoa

Ông Ngô Thành trò chuyện cùng công chức Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về một số cứ liệu lịch sử (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hoa

Trong bài viết đó, tôi đã cố gắng lý giải vì sao tượng Bác Hồ mô phỏng trong tư thế chỉ huy chiến dịch biên giới năm 1950 nhưng lại có bóng dáng của già làng Tây Nguyên. Và khi đem điều này trao đổi, tôi lĩnh hội kiến giải đầy sức thuyết phục của bác Ngô Thành-người dày dạn kinh nghiệm, có thời gian công tác ở Đức Cơ. Bác Thành kể rằng: Nhiều chiến sỹ cộng sản, trong đó có bác, trong hành trang mang theo đi làm cách mạng thường có lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ. Nhỏ thôi nhưng gần như ai cũng có. Để dặn lòng lúc nào cũng trung trinh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và để tuyên truyền, vận động cách mạng.

Những năm tháng đó, đặc biệt là trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bác Thành luôn thấy rằng trong tâm khảm cán bộ, đảng viên và đồng bào Tây Nguyên, Bác Hồ là lãnh tụ của Đảng tuy ở xa ngoài Hà Nội nhưng lúc nào cũng quan tâm, lo lắng đến tình hình cách mạng miền Nam, dành trọn tình cảm cho người dân Tây Nguyên. Trong khi đó, già làng Tây Nguyên gần gũi với bà con, là chỗ dựa tinh thần, là trung tâm đoàn kết của buôn làng, có uy tín lớn trong cộng đồng. Không có việc quan trọng nào của mỗi gia đình, buôn làng mà không xin ý kiến, tiếng nói quyết định của già làng. Có lẽ từ 2 cơ sở này mà bức tượng Bác Hồ lại mang dáng dấp bóng hình của già làng Tây Nguyên.

Theo dõi tôi thấy một điều đáng quý trong nhiều vị lãnh đạo của tỉnh thuộc thế hệ tiền bối đó là hoạt động viết lách, sáng tạo. Không kể lúc đương chức tham gia viết bài tuyên truyền, chỉ đạo; lúc về hưu, các bác cũng thường xuyên viết bài tâm huyết cộng tác báo chí, trong đó có bác Thành. Tôi vẫn còn nhớ lúc làm ở bộ phận bạn đọc, bác Nguyễn Văn Sỹ-nguyên Bí thư Tỉnh ủy (đã mất), bác Đỗ Hằng-nguyên Giám đốc Đài PT-TH tỉnh ( đã mất), bác Ngô Thành và nhiều bậc đáng kính khác thường xuyên đến Báo Gia Lai gặp gỡ, trao đổi, gửi bài cộng tác. Kính trọng là lẽ đương nhiên, nhưng bên các bác, chúng tôi học hỏi được nhiều điều, cảm thấy thật gần gũi, ấm áp, nhẹ nhàng, không một khoảng cách.

Đối với bác Ngô Thành, đóng góp của bác ở phần đời sau khi về hưu rất độc đáo và thú vị. Thực chất bác như chẳng có hưu, về hưu vẫn làm việc, vẫn sôi nổi hoạt động. Nghiên cứu làm sử, chăm lo phát huy truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở… việc gì bác cũng có những ý kiến chỉ đạo, đóng góp nhiều mặt. Các công trình địa chí, lịch sử Đảng, lịch sử văn hóa địa phương, văn kiện đại hội… hầu như đều có sự tham gia cố vấn, tư vấn, hướng dẫn, góp ý của bác. Những nội dung công việc này tôi có may mắn nhiều lần tiếp xúc, làm việc, trao đổi và học hỏi ở bác nhiều kinh nghiệm quý. Như việc lấy mẫu phác thảo xây dựng tượng Anh hùng Núp, 2 cụm tượng ở Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, quá trình xây dựng Quảng trường Đại đoàn kết và lựa chọn tên gọi cho Quảng trường này…

Một người cộng sản cả đời cống hiến cho lý tưởng, sự nghiệp và không nuối tiếc điều gì trước lúc ra đi-có thể nói như thế về bác Ngô Thành. Trước đây có lần trao đổi với tôi, bác Thành cho rằng mình không có may mắn và điều kiện được học nhiều do chiến tranh, do đi làm cách mạng, nhưng ông và những người thế hệ học được rất nhiều từ thực tiễn cách mạng, học trong Nhân dân để tiến bộ, trưởng thành, đủ sức đảm đương nhiệm vụ do tổ chức giao phó. Điều đó khác với thế hệ ngày nay có nhiều thuận lợi, may mắn, càng phải ra sức học tập, rèn luyện để kế tục một cách thật xứng đáng với thành quả, sự nghiệp mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng và vun đắp.

Có thể bạn quan tâm