Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu một đời vì nước, vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu suốt đời phục vụ cho quân đội, chiến đấu vào sinh ra tử, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.


21 năm là thư ký của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1984-2005), trong ký ức của ông Nguyễn Cao Thế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người luôn vì nước, vì dân; luôn "nói đi đôi với làm".

Xây dựng con người cán bộ

Kể lại kỷ niệm sâu đậm trong những năm tháng đầu tiên làm việc cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Cao Thế cho biết thời nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn ở Campuchia, tuy rất nguy hiểm nhưng hai thầy trò vẫn đi xuống các đơn vị. "Đường sá xa xôi, trời nắng, vừa đói vừa khát nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn đến từng đơn vị thăm hỏi từng chiến sĩ. Trên đường đi, thầy trò chỉ có cơm đùm, cơm nắm tranh thủ ăn lót dạ rồi lại tiếp tục đi. Cuộc sống của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đơn giản như vậy" - ông Thế kể.

Ông Nguyễn Cao Thế cho biết nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến việc xây dựng Đảng trong quân đội. "Làm sao để cán bộ chiến sĩ hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, nhà nước ta. Xây dựng quân đội luôn hùng mạnh, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc".

Đối với công tác xây dựng Đảng, điều quan trọng nhất mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mong muốn, là phải xây dựng con người cán bộ. Con người là quyết định nhất, vì vậy xây dựng cán bộ phải là người có đức có tài. Phải xây dựng con người như thế thì mới làm được việc. "Người nào luôn vì nước, vì dân, vì Đảng thì người đó luôn quan tâm đến việc xây dựng tổ chức của mình trong sạch, vững mạnh. Còn nếu ai mà chỉ vì mình thì những việc khác sẽ không tốt" - nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh như vậy.


 

Đoàn Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN
Đoàn Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN



Trăn trở với công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng

Còn với nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, ấn tượng về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người suốt đời phục vụ cho quân đội, chiến đấu vào sinh ra tử, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. "Anh ấy là người nhiệt huyết, khi đã có ý tưởng gì thì rất tâm huyết với công việc" - ông Phan Diễn nói.

Theo ông Phan Diễn, một trong những dấu ấn của ông Lê Khả Phiêu để lại trong thời gian làm Tổng Bí thư là thúc đẩy công việc chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tha hóa. Sau Hội nghị Trung ương VI (lần 2) năm 1999, công tác xây dựng Đảng được thúc đẩy mạnh mẽ, bắt đầu chuyển động, chuyển biến thực sự. Từ đó, dần dần đưa ra ánh sáng xem xét, xử lý nhiều vụ việc. Ông Phan Diễn chia sẻ: "Tôi thấy anh Lê Khả Phiêu rất trăn trở về vấn đề này. Nhiều lần trao đổi với tôi, anh Phiêu nói đổi mới, kinh tế thị trường phát triển đem lại rất nhiều lợi ích nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa, tiêu cực cũng phức tạp".

Theo ông Phan Diễn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thường nói qua việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phải thấy nguy cơ của chuyện không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để một bộ phận đảng viên tha hóa, tiêu cực, để xa dân là rất nguy hiểm. Đến Đảng Cộng sản Liên Xô có thể đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh thì đừng có nói rằng mình không thể, mình có thể tránh được. "Tránh được hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ hay không?" - nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn nhớ lại lời trăn trở của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Ông Phan Diễn kể: "Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất tận tình, chu đáo. Cuối năm 1999, khi tôi đang làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gọi tôi sang phòng làm việc. Anh Phiêu nói Bộ Chính trị thấy rằng anh chưa có dịp công tác ở các địa phương nên muốn đưa anh đi công tác ở địa phương để có cơ hội rèn luyện, trưởng thành thêm trong thực tế. Bộ Chính trị có ý định đưa anh đi Tây Nguyên, phụ trách một bộ phận chỉ đạo, phối hợp công việc của các tỉnh Tây Nguyên. Anh thấy thế nào?". Ông Phan Diễn cho biết lúc đó ông trả lời đây là lĩnh vực, công việc ông chưa từng có kinh nghiệm và hiểu biết, nhưng nếu Bộ Chính trị thấy cần thì ông sẵn sàng đi. "Anh Lê Khả Phiêu bảo ông vẫn không yên tâm vì bộ phận này chưa ra đời, nhiệm vụ nó thế nào, tổ chức thế nào, cách làm việc như thế nào thì chưa có, sợ giao cho tôi một công việc mông lung như vậy thì khó hoạt động" - ông Phan Diễn nhớ lại và cho biết một tuần sau, Bộ Chính trị họp quyết định phân công ông Phan Diễn làm Bí thư TP Đà Nẵng.

Theo ông Phan Diễn, thời điểm đó, trong Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đang có mâu thuẫn và một trong những người có mâu thuẫn lại là anh em họ của ông. Anh Phiêu nói: "Đang có tình huống tế nhị như vậy, anh phải làm thế nào để người ta không hiểu lầm, xử lý quan hệ trong Thường trực làm sao thúc đẩy được công việc, không để dị nghị". Tôi trả lời: "Cá nhân tôi không có ý định bênh ông này hay ông kia. Còn cách xử lý, tôi sẽ theo công việc, cái gì đúng thì tôi ủng hộ, cái gì sai thì tôi sẽ góp ý kiến, bất kể là ông nào". Anh Phiêu bảo: "Anh nghĩ thế thì tôi thấy tốt" - ông Phan Diễn kể.

Theo ông Phan Diễn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn ứng xử rất đúng mực với thái độ nghiêm túc, xây dựng khi nghe những ý kiến góp ý về mình, khiến mọi người rất kính trọng. "Những gì đúng, anh ấy tiếp thu, cái gì cần nói rõ lại thì anh ấy mới nói" - ông Phan Diễn kể.


Theo nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, đợt sinh hoạt chính trị vào cuối nhiệm kỳ của khóa VIII là một bài học, một bài học rất hay và tiêu biểu về tính nghiêm túc trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác phê bình và tự phê bình ở cấp cao nhất. Chính thái độ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất đúng mực nên mọi người kính trọng ngay cả khi ông đã nghỉ hưu.

Theo Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm