Trải qua tháng năm, tình yêu của ông với nghề mây tre đan truyền thống vẫn vẹn nguyên và vững bền như những sợi nan bền chặt, gắn bó.
Chiều dần tắt nắng. Dưới chân ngôi nhà sàn, ông Nguyễn Xuân Quang vẫn say sưa chỉ dạy kỹ thuật đan lát từ mây tre cho bà con người Jrai ở một số ngôi làng tại xã Ia Sao và Ia Yok (huyện Ia Grai). Công việc mà ông Quang đang miệt mài làm được người dân nơi đây ví như một cuộc gắn kết hai vùng văn hóa.
Hành trình giữ “lửa” nghề
Vuốt lại từng sợi nan, ông Quang nhắc nhớ về câu chuyện “giữ lửa” nghề trên quê hương thứ hai của mình. Ông kể: Sinh ra và lớn lên tại xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nơi được xem là “cái nôi” của nghề truyền thống mây tre đan, ngay từ nhỏ, ông đã thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề đan lát truyền thống của gia đình.
“Theo nghề “cha truyền con nối”, những đứa trẻ ở Thượng Hiền lớn lên đã gắn bó với sợi mây, cây tre và hiểu rõ từng thuộc tính của chúng. Bởi thế, nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan của Thượng Hiền là sự giản đơn, mộc mạc, nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo”-ông Quang chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Quang (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã có hành trình “kết duyên” cho nghệ thuật đan lát truyền thống đầy ý nghĩa. Ảnh: T.D |
Năm 18 tuổi, với đôi tay khéo léo cùng tố chất sáng tạo, chàng trai Nguyễn Xuân Quang đã trở thành một trong những nghệ nhân đan lát trẻ tuổi nhất của vùng đất Thượng Hiền. Ở mỗi cuộc thi về nghệ thuật mây tre đan do huyện, tỉnh tổ chức, ông luôn là người mang về những giải thưởng cao. Năm 1984, ông Quang gác lại tình yêu với nghề mây tre đan để tham gia quân ngũ. Đến năm 1987, ông xuất ngũ và đến xã Ia Sao (huyện Ia Grai) kinh doanh phân bón và giống cây trồng.
Ông Quang bộc bạch: “Tôi chọn Gia Lai là quê hương thứ hai bởi một chữ “duyên”. Cảnh vật, con người và văn hóa nơi đây đã khiến tôi đem lòng yêu thương, cảm mến và quyết định gắn bó. Những năm sau đó, tôi lập gia đình và phát triển kinh tế tại Ia Sao nhưng trong lòng thì vẫn đau đáu với nghề mây tre đan truyền thống của vùng quê Bắc Bộ”.
Và để thỏa nỗi nhớ mong ấy, hàng ngày, ông Quang cần mẫn vuốt tre, chuốt sợi, luồn nan. Những sản phẩm như: rổ, rá, nong, nia… do ông làm ra chủ yếu dùng trong gia đình và đem tặng cho người thân hoặc hàng xóm lân cận.
Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân An, ông Quang ngày đêm trăn trở trước cảnh bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương vẫn loay hoay trong cảnh nghèo khó vì không có việc làm ổn định.
Trong một lần về thăm quê vào đầu năm 2020, ông bắt gặp cảnh tượng làng trên xóm dưới, nhiều gia đình từ người già đến trẻ nhỏ đều ngồi quây quần cùng nhau đan lát. Ở đây, mây tre đan thủ công vẫn là nghề được người dân coi trọng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Người dân Thượng Hiền “sống khỏe” với nghề mà cha ông để lại.
“Ngay lúc đó, tôi nảy ra ý định đưa nghề mây tre đan của Thượng Hiền vào sẻ chia cùng người Jrai. Tuy không thể đan lát giữa lòng quê cũ nhưng tôi vẫn có thể mang tình yêu đó nhân lên tại vùng đất mình đang gắn bó”-ông Quang bày tỏ.
Sau 3 năm ấp ủ, năm 2023, sau khi về Thượng Hiền để nhập nguyên vật liệu mây, tre, ông Quang dành thời gian tới từng nhà vận động bà con Jrai học đan lát. Hàng ngày, cứ hết giờ lên rẫy, bà con ở một số ngôi làng tại 2 xã Ia Sao, Ia Yok lại tập trung dưới chân nhà sàn để học kỹ thuật đan.
Lớp học nghề do ông Quang “cầm tay chỉ việc” có khi lên tới 40-50 người. Ông dạy miễn phí và tận tình nên bà con rất hào hứng. Nhiều người sau vài tháng theo học đã có thể đan lát thành thạo.
“Tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa những đơn hàng của bà con ra thị trường. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở lúc đó là làm sao để sản phẩm mây tre đan không chỉ đơn thuần là vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà còn giữ được “hồn cốt” của văn hóa vùng quê Thượng Hiền cũng như của người Jrai ở Tây Nguyên”-ông Quang tâm sự.
Giao thoa nghệ thuật đan lát
Từ sự trăn trở ấy, ông Quang đã cùng một số nghệ nhân Jrai đan lát giỏi của các làng tìm tòi điểm chung và điểm khác biệt của nghệ thuật đan lát của 2 vùng miền, 2 dân tộc.
Cuối cùng, họ nhận thấy rằng, để sản phẩm tạo được nét riêng độc đáo, người đan phải kết hợp được sự mềm mại, giản đơn trong nghệ thuật đan lát của vùng quê Thượng Hiền và sự cứng cỏi, mộc mạc, phóng khoáng như núi rừng trong sản phẩm đan lát của người Jrai.
Cùng với đó, sự xuất hiện của các hoa văn, họa tiết mang đậm nét văn hóa Jrai trên từng sản phẩm mây tre đan vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng trở thành điểm nhấn khác biệt và ý nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Quang (ngồi giữa) dạy kỹ thuật đan lát cho bà con Jrai. Ảnh: T.D |
Ông Rơ Châm Luăk (65 tuổi, làng Jek, xã Ia Sao) là một trong những người có đôi tay tài hoa của làng. Với ông Luăk, việc đan lát là sở trường của người đàn ông Jrai. Đan lát không chỉ là nghề mà nó còn chứa đựng nét văn hóa truyền đời mà đồng bào Jrai vẫn gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
“Vậy nhưng, để có thể “kết duyên” giao thoa văn hóa nghề đan lát với vùng đất khác lại là một câu chuyện dài mà chúng tôi cần phải học hỏi, tìm tòi và sáng tạo. Sau khi học cách đan tỉ mỉ, uyển chuyển từ sợi mây, tôi đã kết hợp thêm nét phóng khoáng trong nghệ thuật đan lát của người Jrai trên từng sản phẩm”-ông Luăk cho hay.
Cũng theo ông Luăk, khác với nguyên vật liệu là tre, nứa, lồ ô… của người Jrai, chất liệu sợi mây rất khác biệt, từ đó có thể làm ra những sản phẩm tưởng như được thêu dệt bằng nan vô cùng đẹp mắt. Dưới đôi tay nghệ nhân tài hoa như ông Quang thì sản phẩm thường rất tinh xảo. Bà con dân làng rất hào hứng khi được tiếp cận và kết hợp cùng những kỹ thuật đan lát mới do ông Quang đem lại.
Là 1 trong 20 người Jrai vừa học thành thạo kỹ thuật đan lát do ông Quang chỉ dạy, chị Rơ Châm Thiên (22 tuổi, làng Bồ, xã Ia Yok) phấn khởi chia sẻ: “Chiều nào mình cũng địu con tới lớp học đan lát. Ban đầu, mình cũng ngần ngại lắm vì việc đan lát thường không dành cho phụ nữ Jrai. Nhưng ông Quang bảo phụ nữ học đan sẽ nhanh hơn bởi sự khéo léo và nhẫn nại. Khi học thì mình thấy, những kỹ thuật đan do ông Quang chỉ dạy rất dễ hiểu, dễ làm. Hiện nay, mỗi tuần mình có thể đan được 3 sản phẩm rồi”.
Cũng như chị Thiên, nhiều người dân bắt đầu thích thú khi học cách đan lát mới. Và điều đầu tiên khiến họ hứng thú là khi nghe ông Quang nói về nguyên liệu mà mình sẽ làm. Ví như cây tre có độ cứng cao, đặc biệt có chứa chất đường nên dễ bị mọt ăn, khi sử dụng vào việc đan phải chú ý khâu xử lý chống mọt. Hay như sợi mây thì dẻo dai nhưng phải tinh tế để chọn cây mây thẳng, tròn đều, không sâu bệnh…
“Qua quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra, giữa 2 sản phẩm đan lát truyền thống cũng có nhiều nét tương đồng ở các dạng cấu trúc, mô típ, màu sắc, chất liệu… Nhưng khi đi sâu vào chi tiết, sản phẩm của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có sự khác biệt cơ bản do đặc tính thẩm mỹ riêng của từng cộng đồng dân tộc khác nhau”-ông Quang nhận định.
Sản phẩm mây tre đan của vùng quê Bắc Bộ kết hợp cùng nghệ thuật đan lát của người Jrai. Ảnh: Trần Dung |
Bà Trương Thị Hải Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao: “Bằng sự nỗ lực và tâm huyết, ông Nguyễn Xuân Quang cùng những nghệ nhân Jrai đã từng bước có sự kết hợp, giao thoa văn hóa trên các sản phẩm mây tre đan truyền thống. Hy vọng rằng, với giá trị văn hóa đó, ông Quang cùng các nghệ nhân Jrai sẽ luôn giữ gìn và truyền “lửa” nghề cho các thế hệ mai sau.
Chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa để người dân có điều kiện tốt nhất phát triển nghề mây tre đan truyền thống. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn tất thủ tục hồ sơ để thành lập Hợp tác xã Mây tre đan truyền thống do ông Nguyễn Xuân Quang làm Chủ nhiệm”.
Để đa dạng sản phẩm, ông Quang còn chỉ cho bà con Jrai kỹ thuật đan nhiều sản phẩm mới lạ như: túi cói, giỏ quà, túi xách, thảm lót… Ông Quang cho rằng, việc đan lát không quá nặng nhọc nên người dân có thể tranh thủ lúc nông nhàn. Niềm vui của bà con là có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Vào thời gian này, vừa thu hoạch cà phê, vừa tranh thủ sớm tối đan lát, mỗi tháng một người cũng có được 2-3 triệu đồng.
“Tôi đã có nhiều đơn hàng cho bà con từ một số tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng… và cả thị trường nước ngoài. Sắp tới, khi kỹ thuật và sự kết hợp giao thoa văn hóa được nhuần nhuyễn và đạt độ tinh xảo, tôi tiếp tục mở rộng thị trường và tìm kiếm thêm tệp khách hàng tiềm năng. Từ đó, tạo đường dài giúp bà con phát triển kinh tế, đồng thời quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.
Riêng bản thân tôi cũng thỏa niềm mong mỏi lưu truyền nghề mây tre đan truyền thống trên quê hương thứ hai”-ông Quang trải lòng.