(GLO)- Ngày 22-12, Sở Tài chính tổ chức lễ gắn biển công trình Bia tưởng niệm Ban Kinh tài tỉnh tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của tỉnh và đất nước.
Công trình Di tích Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai (1959-1975) được khởi công xây dựng ngày 20-4-2019 tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Nơi đây còn lưu dấu các nền nhà, hầm trú ẩn, kho tiền, đối diện cánh đồng 3 ha bên bờ sông Ba mà cán bộ, nhân viên của Ban đã khai hoang sản xuất để tự túc lương thực trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tổng mức đầu tư của dự án này là 1,725 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: đền bù san lấp mặt bằng, nhà bia di tích, bia di tích, cầu treo qua sông Ba, hàng rào, đường vào khu di tích. Trong đó, nhà bia có diện tích 25 m2, cao 6,25 m, mái lợp ngói vảy cá; bia di tích có kích thước rộng 2,11 m, cao 3,01 m, dày 0,45 m bằng đá tự nhiên nguyên khối, được chạm khắc hoa văn thể hiện các biểu tượng bông lúa, đồng tiền, vàng. Đây là biểu tượng của các ngành: Thuế, Hải quan, Kho bạc, Ngân hàng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, mậu dịch… Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục san nền, nhà bia di tích, bia di tích, kè chắn đất, sân bê tông, trồng cây xanh, gắn biển công trình, bảng chỉ dẫn. Dự kiến, sau khi hoàn thiện các hạng mục như cầu treo qua sông Ba, đường vào khu di tích, đến ngày 17-3-2020 sẽ làm lễ khánh thành công trình.
Công đoàn Bộ Tài chính, Sở Tài chính tặng quà cho bà con làng Slam (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: S.C |
Là người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho dự án xây dựng Nhà bia tưởng niệm Ban Kinh tài tỉnh, ông Phạm Hồng Nam-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Tài chính-xúc động chia sẻ: “Việc xây dựng Nhà bia di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh (1959-1975) vô cùng ý nghĩa. Giờ đây, các cơ quan ngành Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Nông nghiệp và PTNT đã có chốn đi về để nhớ về nguồn cội, tri ân công lao các thế hệ đi trước. Riêng đối với bản thân tôi, từ tuổi 15 đã tham gia hoạt động cách mạng tại Ban Kinh tài và gắn bó suốt giai đoạn 1965-1975. Dành trọn tuổi trẻ cho vùng đất này nên tôi rất xúc động mỗi khi tìm về. Tôi như thấy quá khứ gian khổ mà hào hùng hiện hữu qua từng dấu tích còn sót lại như: rừng le, hầm trú ẩn, hầm chứa tiền, cánh đồng lúa nước, bờ sông, con suối”. Theo đề xuất của ông Phạm Hồng Nam, đối với công trình Nhà bia di tích nên tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực xây dựng các hạng mục còn lại như cầu treo, đường dẫn nước suối, trồng cây, trồng rừng vừa để tôn tạo cảnh quan, vừa phục dựng hiện trạng di tích lịch sử như trước đây nhằm phát triển hoạt động du lịch về nguồn.
Tại lễ gắn biển công trình, ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính-nhấn mạnh: Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện rất rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để tưởng nhớ công ơn của cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài. Đây cũng là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương đất nước. Hàng năm, Sở Tài chính sẽ tổ chức các hoạt động về nguồn, tổ chức các sự kiện quan trọng tại Nhà bia tưởng niệm Ban Kinh tài nhằm nhắc nhở, giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ, công chức của ngành.
Ngay sau lễ gắn biển công trình Bia tưởng niệm Ban Kinh tài tỉnh, chi bộ 3 (Đảng bộ Sở Tài chính) đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên tại đây. Người vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong dịp này là anh Nguyễn Trọng Dũng-chuyên viên Phòng Tài chính-Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính). Anh Dũng phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được kết nạp vào Đảng ngay tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Bản thân tôi nhận thức rằng, đi cùng với vinh dự là trách nhiệm. Tôi phải tiếp tục cố gắng rèn luyện, phấn đấu nhằm cống hiến hết sức mình, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, phục vụ nhân dân, đất nước”.
SƠN CA