(GLO)- Nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Carrier đã dày công thực hiện bộ ảnh tư liệu về kiến trúc Tây Nguyên trong thời gian làm việc cho Tập đoàn RAND (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tây Nguyên) từ những năm 1962-1973. Những bức ảnh của ông không thiên về nghệ thuật mà là phương tiện khảo tả dân tộc học, tái hiện bức tranh đa dạng, chân thực về buôn làng cổ truyền, nhà ở của đồng bào Jrai, Bahnar ở vùng Bắc Tây Nguyên.
Kiến trúc nhà cửa là sáng tạo văn hóa vật chất của những cư dân sinh sống ở vùng Tây Nguyên nói chung, người Jrai, Bahnar nói riêng. Vẻ đẹp nguyên sơ, độc lạ về đường nét kiến trúc, nhà cửa của đồng bào Bắc Tây Nguyên là yếu tố gây nhiều cảm xúc, hứng thú cho những ai đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Các nhà nhiếp ảnh, thám hiểm, dân tộc học như: Henri Maitre, Jean-Marie Duchange, Daniel Léger, Joseph Carrier đã thu vào ống kính những bức ảnh tư liệu quý giá về nhà ở của các dân tộc. Đặc biệt, nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Carrier đã dày công thực hiện bộ ảnh tư liệu về kiến trúc Tây Nguyên trong thời gian làm việc cho Tập đoàn RAND từ những năm 1962-1973. Những bức ảnh của ông không thiên về nghệ thuật mà là phương tiện khảo tả dân tộc học, tái hiện bức tranh đa dạng, chân thực về buôn làng cổ truyền, nhà ở của đồng bào Jrai, Bahnar ở vùng Bắc Tây Nguyên.
Ở mỗi dân tộc, với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ, từ những vật liệu lấy từ tự nhiên như gỗ, tre, nứa, tranh, mây... những ngôi nhà sàn được dựng lên phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán của mình. Qua ảnh của Joseph Carrier và trước đó là của nhà nhiếp ảnh Jean-Marie Duchange thấy rõ đặc trưng kiến trúc nhà ở của dân tộc Jrai là thường có sàn rất cao. Cầu thang nhà sàn phía mặt chính thiết kế, trang trí đơn giản, chỉ là một thân cây gỗ dài dựng theo chiều cao của sàn nhà, hiếm thấy biểu tượng bầu vú mẹ, mảnh trăng non và to bản như cầu thang của người Ê Đê. Ống kính của nhà nhiếp ảnh khắc họa khá rõ nét những chi tiết kiến trúc, không gian và nội thất của những ngôi nhà dài của dân tộc Jrai. Chi tiết kiến trúc độc đáo với nhà mái hình thuyền, mang dấu ấn cội nguồn của cư dân Nam Đảo còn in đậm trong ngôi nhà của người Jrai, Ê Đê. Nhiều bức ảnh chụp hiên trước của nhà dài, cách bố trí bên trong, góc bếp của người Jrai. Bếp lửa trong nhà sàn không chỉ là nơi nấu nướng, sưởi ấm khi mùa đông tháng giá mà còn là nơi bố trí giàn bếp để bảo quản lương thực, hạt giống, bảo quản các loại thịt nhờ cách xông khói. Những chiếc gùi mới đan cũng được treo trên vách gần bếp lửa để ám khói bếp cho có màu ưng ý và bền chắc hơn trong quá trình sử dụng. Bên cạnh những ảnh thể hiện lối kiến trúc, tác giả còn đặc tả về cách thức xây dựng nhà cửa, nguyên vật liệu, điển hình như bức ảnh người đàn ông dân tộc Jrai dùng rìu đẽo cột nhà, người khác đan các tấm tranh để lợp mái.
Hình ảnh con người và kiến trúc của buôn làng Jrai trong thập niên 1960. Ảnh: Joseph Carrier |
Một bức ảnh chứa đựng nhiều thông tin thú vị về dân tộc học chụp mặt trước ngôi nhà dài của người Jrai, chiếc cầu thang cao vút chứng tỏ sàn nhà cũng rất cao, một số người đàn ông quấn khăn đen, mặc áo chui đầu dài tay, đóng khố, trong đó có một người quàng trên người tấm áo choàng, một loại hình trang phục hiện nay ít được sử dụng. Hậu cảnh của bức ảnh này hiện lên rõ nét một ngôi nhà có mái hình thuyền, sàn nhà cũng rất cao. Buôn làng của người Jrai, Bahnar cùng được đưa vào ống kính với những góc hình đặc sắc đó là cách bố trí nhà cửa, các kiểu nhà giống hệt nhau về kiến trúc, trẻ em vui chơi trong làng. Nhà nhiếp ảnh Joseph Carrier chụp khu nhà kho chứa thóc của đồng bào Jrai. Nhà kho cùng một kiểu như nhau, nằm trên cột sàn cao, cùng nằm về một hướng, xung quanh có mấy lớp hàng rào san sát nhau. Tiền cảnh của bức ảnh có hai người phụ nữ mang gùi đang hướng về phía cổng chính của khu vực nhà kho.
Những ngôi nhà xưa của đồng bào Jrai, Bahnar ở Bắc Tây Nguyên trong ảnh tư liệu của Joseph Carrier được chụp chủ yếu vào những năm 60 của thế kỷ XX. Những bức ảnh đó là hiện vật quý hiếm của văn hóa Tây Nguyên. Ngày nay, qua thời gian, do sự phát triển của xã hội hiện đại, sự thay đổi về nhu cầu, nếp sống, nguồn nguyên vật liệu nên đồng bào bản địa Bắc Tây Nguyên ít lưu giữ được các ngôi nhà cổ xưa. Bộ ảnh này là tư liệu quý giúp các nhà kiến trúc, những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng nắm bắt, gìn giữ giá trị di sản kiến trúc của đồng bào Tây Nguyên đã mai một. Qua đó, tái hiện, phục hồi những tinh hoa trong di sản kiến trúc của các dân tộc.
TẤN VỊNH