Sau hơn 20 năm trụ trì, từ một "phế tích" của ngôi chùa cổ bị tàn phá, nhà sư Thích Bản Hoan, chùa Phúc Linh, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng cùng cộng sự đã biến khuôn viên hơn 10.000m2 của khu chùa cổ được hồi sinh thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa được nhiều người biết đến.
Phải học mới có thể làm "thầy" đúng nghĩa
Đại đức Thích Bản Hoan thực hiện phương châm của giáo hội là ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI và được bà con ủng hộ.
Thầy tâm sự: "Người xuất gia ngoài việc giữ giới luật, còn phải biết áp dụng "Quyền Khai Phương Tiện" để áp dụng vào đời, giúp đời, độ mình, chịu khó học hỏi để đem kiến thức phổ hóa chúng sinh".
Thầy kể từ nhỏ hay theo bà nội đi lễ chùa. Không gian thanh tịnh, trầm mặc rêu phong của chùa làng thời bao cấp, thật sự đã thay đổi thầy rất nhiều. Khi 17 tuổi, chùa làng có thỉnh một vị sư về trụ trì. Nhà sư ấy đã khai mở trong thầy nhiều điều mới lạ, lý thú.
"Tôi thỉnh thoảng mới được gặp thầy, vì cả hai đều bận đi học. Thấy nhà sư đi học khi đã xuống tóc, quần áo nâu sòng, tôi rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ thầm: đi tu thì ở chùa, thỉnh chuông, niệm Phật và trau dồi kiến thức Phật học" - Đại Đức Thích Bản Hoan nói.
Đại đức Thích Bản Hoan thực hiện phương châm của giáo hội là ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI và được bà con ủng hộ. Ảnh: TBH |
Thầy bảo, phải có văn hóa thì mới làm việc tốt được. Tất cả đều ở kinh sách, kiến thức mà ra. Cho nên sau những buổi đi học văn hóa về, thầy hay ra giúp công việc ở chùa làng. Thời điểm ấy xã hội khó khăn nên chùa quê ở đâu cũng nghèo khó, khoảng năm 1989, cả nước còn khó khăn. Điện lưới có nơi chưa có, đèn dầu lom dom. "Giường nằm" xây bằng gạch, thành cái bệ, đèn dầu tỏa bóng leo lét.
Sau những ngày tháng gần gũi sư thầy ở chùa làng và được sư thầy khai mở con đường xuất gia, cậu bé Đào Văn Lục như một hạt mầm được tưới tẩm những dòng nước thanh lương và hạt mầm ấy đã bật mầm trước ánh nắng mặt trời soi rọi.
Lục đã quyết trí xuất gia tầm sư học đạo vào ngày 4/2/1992, khi ấy cậu mới 17 tuổi. Cậu bé Đào Văn Lục ngày ấy đã tìm đến ngôi chùa cổ ở Đồng Giới huyện An Dương xin làm đệ tử của Thượng tọa Thích Nguyên Bình.
Sau những ngày tháng thử thách thì Đào Văn Lục chính thức được xuống tóc và sư phụ đã đặt tên pháp danh là Thích Bản Hoan, sư phụ của thầy Hoan đã cho đi học 2 năm sơ cấp Phật học và 4 năm trung cấp Phật học tại trường Trung Cấp Phật học ở Hải Phòng.
Sau 6 năm rùi mài kinh sử và kiến thức xã hội, sư phụ của thầy Hoan cho về giúp bà con Phật tử làng Đồng dụ dần khôi phục lại ngôi chùa cổ có tuổi đời gần 300 năm khi đó chỉ còn là phế tích, còn lại 1 ngôi tháp Tổ nằm hoang vu trên mảnh đất khô cằn.
Thầy về chùa Phúc Linh làng Đồng Dụ trụ trì từ ngày 6/9/2001. Được mấy tháng, Hòa thượng Thích Quảng Tùng khi đó là Phó Ban trị sự Phật giáo Hải Phòng đến thăm và động viên nên đi học tiếp để sau này có kiến thức mới hành đạo tốt được. Từ những lời khuyên bổ ích đó thầy Hoan ôn bài luyện thi và thi vào Học Viện Phật Giáo khóa 4 năm 2002 tại Hà Nội và trúng tuyển.
Chùa Phúc Linh có khuôn viên rất rộng và nhiều cây xanh mang đến sự mát mẻ, yên tĩnh. Ảnh: TBH |
Thầy Hoan kể khi đó vừa mừng vừa lo, mừng vì mình trúng tuyển để được đi học tiếp, lo vì ko biết có đủ sức để theo học suốt 4 năm hay không vì lúc đó thầy mới ra ở riêng nên cũng khá khó khăn.
Trong suốt 4 năm học vừa theo học vừa phải hoằng dương Phật Pháp tại ngôi chùa mới lại nghèo nàn nên thầy khá vất vả. Những ngày tháng năm đầu Phật tử và nhân dân chưa hiểu nhiều về Đạo phật nên còn khó khăn, có người còn nói ông sư trẻ như này lại thấp bé không biết có làm được nên cơ đồ không.
Cụ Nguyễn Thị Nhặt ( Cầm ) – một phật tử thân cận từ những ngày đầu kể lại: "Khi thầy mới về chùa chẳng có gì, chống huơ chống hốc, chùa có mỗi 3 gian nhà thờ tổ làm tạm lợp tôn bro xi măng không có cửa chỉ che bằng bạt và 1 cái hậu cung chùa cũng lợp tôn bro xi măng, cây cối xung quanh không có. Đến cái nhà vệ sinh khi ấy còn không có phải che liếp ở một góc bờ ruộng, nghĩ lại đến bây giờ thấy lúc ấy sao khổ thế. Chúng tôi thương thầy nhưng cũng không có điều kiện nên cũng chỉ ra giúp đỡ việc chùa để động viên thầy. Tuy như vậy nhưng thầy lúc nào cũng lạc quan, yêu đời cưới nói và vui vẻ khiến chúng tôi cũng thấy không sợ khó sợ khổ".
Các tăng ni, phật tử ở nhiều nơi trên khắp cả nước đến lễ chùa. Ảnh: TBH |
Sau khi học ở Học viện Phật giáo, thầy cùng Phật tử và dân làng hết lòng hết sức, toàn tâm toàn lực bắt bay vào tái thiết lại ngôi chùa khang trang từ nền đất cũ, thầy và các Phật tử cần phải có tâm, tầm, tài, đức, trên dưới đoàn kết đồng lòng để chung sức tu sửa chùa.
Theo lời kể của một cụ cao niên trong làng, Chùa trước đây xây trên một gò đất cao giữa làng và các cột gỗ lim rất to phải hai người ôm mới hết. Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ thực hiện lời kêu gọi của nhà nước, tất cả cho tiền tuyến và kháng chiến nên nhà chùa cũng đã dỡ bỏ làm trường học, trạm xá….
"Chính vì vậy mà ngôi chùa không còn nguyên vẹn. Chùa làng chúng tôi thời đó còn có 1 cây Bồ hòn to lắm cả làng ra lấy hạt về giặt, nước giếng chùa cúng trong vắt ngọt cả làng ra gánh nước về ăn. Từ ngày sư thầy về cây cối được trồng lại xanh mát như bây giờ và giếng chùa cũng được đào lại chúng tôi mừng lắm, giờ có về hầu tổ tiên chúng tôi cũng mãn nguyện rồi" - ông cụ kể.
Năm 2006, Đại đức Thích Bản Hoan được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Bằng khen trong lễ tuyên dương các thanh niên xuất sắc tiêu biểu toàn quốc. Năm 2010, sư thầy là một trong 53 gương thanh niên tiêu biểu của khu vực phía Bắc được tuyên dương trong hành trình Thanh niên làm theo lời Bác, sống tốt đẹp vì cộng đồng.
Đại đức Thích Bản Hoan đã vinh dự nhiều lần được tặng bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc đóng góp cho phong trào thanh niên. Ảnh: TBH |
Tôn tạo không gian thanh tịnh hơn 10.000m2 cho cộng đồng
Để xây dựng, trùng tu chùa, thầy Hoan cùng các phật tử đã tích cóp trong nhiều năm. Thầy Thích Bản Hoan chia sẻ: Tiền lễ giọt dầu thì chả được bao nhiêu ( giọt dầu tức là tiền bà con đi lễ mùng một hôm rằm), chủ yếu là tiền tích cóp từ việc đi cúng lễ cho nhân dân, phật tử cảm ơn. Thầy Hoan cười và so sánh: "Giống như mình có nắm thóc trên tay phải biết cách gieo hạt thành cây lúa, để nắm thóc ấy vụ sau thành thúng thóc mới là người biết vận dụng giữa việc Đạo việc Đời. Vì tôi nhớ câu : Đạo Khả Đạo Phi Thường Đạo".
Ngày mới về thầy Hoan xây vườn tháp với 3 ngôi tháp tổ để tri ân các thế hệ nhà sư đi trước đã cống hiến chọn đời mình cho ngôi chùa này. Vì mình là thế hệ đi sau thì phải có trách nhiệm . vì tôi thiết nghĩ "Sống về mồ về mả, không ai sống ề cả bát cơm".
Năm 2004, nhà chùa xây lại toàn bộ tường bao 3 mặt tính theo mét dài là 500m dài kiên cố. Năm 2005, xây 3 ngôi Tháp tổ . Năm 2008, xây dựng lại ngôi nhà thờ Tổ chữ Nhị với diện tích 600m2. Năm 2018, xây dựng lại ngôi chính điện rộng 554m2 với 3 gian hậu cung, 2 nếp tiền đường mỗi nếp 5 gian với kiến trúc bê tông giả cổ rất rộng và đảm bảo kỹ, mỹ, thuật. Ai bước chân vào nếu không để ý kỹ cứ ngỡ đây là ngôi chùa làm toàn bằng gỗ thật. Điều đặc biệt là toàn bộ hệ thống tượng, câu đối, của võng đều được làm theo lối cổ.
Không gian chùa cũng là yếu tố quan trọng giáo dục tình yêu thiên nhiên, thu hút nhiều người đến với không gian tâm linh văn hóa của địa phương. Năm 2017 sư thầy đã phối hợp sản xuất bộ phim truyền hình để ca ngợi truyền thống quê hương và con người Đồng Dụ qua bộ phim "NHỮNG CÁNH HOA TÌNH YÊU" và được phát sóng trên truyền hình.
Sau nhiều lần tu sửa, chùa Phúc Linh từ một ngôi chùa cổ bị phá hỏng gần như phế tích đã được tôn tạo khang trang. Ảnh: TBH |
Nhiều phim, phóng sự đã quay công phu về chùa, đình và làng Đồng Dụ, quay từ mùa thu sang mùa xuân, vào tới hạ chí. Mùa đào nở rộ, dân thôn bứng đào đi bán cả miền Bắc để phục vụ bà con vui xuân đón tết.
Những cảnh bà con cắt, ghép mắt, chăm sóc, cây hoa đào đều được ghi hình như một thú chơi tao nhã, như nét son truyền thống. Đây cũng như một nghề mưu sinh trải qua nhiều đời và hiện nay đang giúp cuộc sống nơi đây trở nên trù phú. Có nhiều cây hoa đào được ghép màu hoa, chăm sóc kỳ công, bán "buôn" đã lên tới 200 triệu đồng.
Được biết, hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư, xây dựng, tu sửa chùa. Ảnh: TBH |
Sau khi tu sửa, tôn tạo không gian chùa Phúc Linh, trồng nhiều cây xanh, đại đức Thích Bản Hoan dành nhiều tâm sức cho các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông tâm đắc với lễ dâng hoa đào tế trời đất. Ngày Tết, đêm Giao thừa, có tới 800 người cùng "dâng hoa đào".
Ngoài những công việc trên, hàng năm sư thầy tổ chức Đêm Hội Trăng Rằm cho các cháu trong và ngoài làng được vui chơi, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dàn dựng công phu.
Thầy Thích Bản Hoan còn được nhiều người biết đến với vai trò là một người dẫn chương trình trong một số sự kiện lớn. Ảnh: TBH |
Theo thầy Thích Bản Hoan, trước hết phải có Tâm và cùng với sự kính già, yêu trẻ, lại có chút năng khiếu nghệ thuật và tổ chức nên thầy muốn để lại ký ức tuổi thơ cho các thế hệ mầm non và thanh niên.
Một góc chùa Phúc Linh vào ban đêm. Ảnh: TBH |
Chùa Phúc Linh - Đồng Dụ vốn có từ đời vua Lê Trung Tông (1548-1556), tọa lạc trên gò đất cao của làng Đồng Dụ, bị thời gian và chiến tranh làm cho hư nát toàn bộ. Cho nên dân làng phải di rời toàn bộ tượng Phật vào ngôi đền gần đó để thờ chung. Đã có thời gian không ngắn, Trường cấp 3 huyện An Dương sơ tán về ngôi chùa này để dạy và học. Vườn chùa rộng hơn 3 mẫu đất xanh rợp bóng cây. Nhiều người rất nhớ vẻ đẹp của cây Bồ hòn cổ thụ tỏa bóng trong khuôn viên chùa. Thời trước, dân làng thường ra lấy quả về giặt quần áo (thay cho xà phòng hiện nay). Giếng chùa nước luôn trong mát và nhân dân thường ra gánh nước về ăn. Tháng 9 năm 2001, Thành hội Phật giáo Hải Phòng thể theo nguyện vọng dân làng đã thỉnh Đại đức Thích Bản Hoan về trụ trì xây lại chùa Phúc Linh. Năm 2008 thầy cùng dân làng dựng lại ngôi nhà Tổ rộng 600m2 và sau đó dựng lại ngôi chính điện rộng 554m2 với hai tiền bái và một hậu cung. Số tiền xây sửa chùa đến nay, ước tính hàng chục chục tỷ đồng. |
Theo Lam Anh - Văn Hoàng (Dân Việt)