Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhạc điệu vườn xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua lập xuân mà đêm vẫn rất lạnh. Dù vậy, trăng mười sáu đã lôi tôi ra khỏi nhà để dạo bộ mấy vòng. Vườn nhà ai bóng cây quẹt lên ánh trăng những mảng loang lổ. Ngoại ô Phố núi thật yên tĩnh. Tiếng dế rinh rích đâu đây chợt ngăn dòng suy tư hiện tại, đưa tôi ngược về vùng âm thanh của vườn xuân quê hương một thuở. Những âm thanh từ ký ức hiện về ngồn ngộn trong tôi như vừa mới hôm qua.
Các khu vườn hoa hút khách đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm. Ảnh: Đức Thụy
Các khu vườn hoa hút khách đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm. Ảnh: Đức Thụy
Trong hơi xuân ấm áp, cây cỏ chuyển mình đâm chồi nảy lộc, các loài hoa rạo rực đua nhau nở. Hương thơm, màu sắc quyến rũ các loài côn trùng theo những tiết tấu của mình, tạo nên giai điệu xuân say đắm lòng người.
Có hoa là có ong! Vườn xuân rộn ràng điệu nhạc của loài ong. Dàn hợp xướng vo vo rất điêu luyện là tiếng đàn ong mật, ong ruồi say sưa lượn lờ trên mấy luống hoa cải. Tiếng ong “giẻ áo” ri rí như nốt trầm từng đàn nhỏ mươi con cần mẫn bay đi tìm mật. Nổi nhất là tiếng ong bầu bù bù, dù chỉ dăm con nhưng vẫn vang khắp cả giàn bầu, giàn mướp. Cái tên của nó gợi cho bọn trẻ chúng tôi cách giải thích rất hồn nhiên: Vì nó làm tổ trên giàn bầu, bởi thân nó giống hình trái bầu, tại nó thường cắm đầu hút mật ở hoa bầu... Nhưng tôi không thích việc nó chích vào trái bầu non nào là làm cho trái đó bủng vàng, tàn tật, không lớn được nữa hoặc ít lâu sau chỉ còn trơ cuống. Có lần tôi lấy tay đập vào một con đang cong mình chích nụ. Kết quả là nụ bầu bị dập, con ong bay mất còn tay tôi sau đó sưng như cái bụng ong...
Mùa xuân là mùa âm thanh của nhiều loài côn trùng thức dậy sau giấc ngủ đông. Cào cào, châu chấu trên bãi cỏ búng càng tách tách khi có bước chân người qua. Những con cánh cam khi trời lạnh thường tụ tập dưới các gốc cây, tiết trời ấm áp thì bay rè rè trên hàng dưa leo, hàng khổ qua vừa trổ hoa. Tiếng con bửa củi tạch tạch trong các gốc cây khô. Tiếng vù vù của những con cánh gương ngoài đầu ngõ, nơi có hàng cau đang tỏa hương dịu nhẹ. Tiếng kèn kẹt của con bù xè đục gỗ như tiếng võng đưa. Nó còn xả bột gỗ như bụi, chỉ cần một làn gió nhẹ đưa là bụi bay phủ cả một vùng. Có lần ngủ trưa trên cái chõng dưới giàn bầu, tôi đang mơ thấy mình có cái áo mới mặc Tết rất đẹp. Bỗng thấy ngàn ngạt, nhảy mũi một cái, tỉnh dậy thấy trên người chỉ còn bụi gỗ đỏ chạch.
Trong dàn âm thanh của côn trùng nơi vườn xuân tôi thích nhất là tiếng dế. Dế gắn bó sâu sắc với những cậu bé sinh ra ở nông thôn. Người lớn tuổi ở quê không ưa dế vì chúng là thủ phạm thường xuyên khiến họ mất ngủ. Thời xưa, ở nông thôn nhà tranh vách đất, nền đất nên dế đùn hang cả trong xó xỉnh góc nhà. Nửa đêm chỉ cần một hồi gáy của chàng dế nào đó đang dụ dế mái cũng đủ phá hỏng giấc mơ của nhiều người. Nhưng bọn trẻ chúng tôi thì rất thích nghe tiếng dế. Về khuya, âm thanh đó rõ mồn một và nhiều cung bậc. Khi ăn uống chúng trò chuyện chỉ ri rí nhưng gáy tiếng rất vang. Một con gáy là nhiều con gáy theo. Dế cơm có tiếng gáy rinh rích ngắn ngủn. Dế than, dế lửa giọng reng réc dài hơi hơn. Dế út tiêu tuy nhỏ con nhưng gáy liên hồi, cao lảnh lót và vang rất xa. Đứa trẻ nào có được dế tiêu để thi gáy thì rất kiêu hãnh, kiêu hãnh như tiếng gáy của nó.
Đang đắm chìm trong dòng hồi ức về tiếng côn trùng thì tiếng dế trên bãi cỏ trước mặt lại vang lên làm tôi sực tỉnh. Tiếng dế mới thân thương, gần gũi làm sao. Tôi nghe cả điệu nhạc vườn xuân tuổi thơ hòa quyện với tiếng dế hiện tại.
Tôi có đọc ở đâu đó về ý nghĩa của tiếng côn trùng trong cuộc sống con người: Dự báo thời tiết cho nông dân vào mùa; làm bạn với những người thao thức đêm khuya; góp phần làm nên điệu hồn của làng quê Việt. Với tôi, âm thanh đó nuôi dưỡng tâm hồn mình, kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối quê hương với mảnh đất mình đang sống.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm