Nhận được sự đồng tình, phối hợp của các cơ quan, đơn vị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với một số địa phương khác trong cả nước, Gia Lai đã và đang tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành giờ, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Có thể nói, đây là một trong những động thái “rắn” của tỉnh Gia Lai trong việc kiểm soát nạn “ăn cắp” giờ làm của cán bộ, công chức, viên chức vốn đang là vấn đề khá phổ biến trong các cơ quan, đơn vị hiện nay.

Kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc tại Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai. Ảnh: Hải Lê
Kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc tại Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai. Ảnh: Hải Lê

Thực hiện Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc và chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật hành chính” và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh (tại Văn bản số 858/UBND-NC ngày 27-3-2013) về việc giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, sau khi thống nhất với lãnh đạo Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Thanh tra tỉnh tại cuộc họp được tổ chức vào ngày 26-4, Sở Nội vụ Gia Lai đã ban hành Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh.

Theo đó, mỗi tháng, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất ít nhất từ 1 đến 2 lần trong phạm vi giờ hành chính tại trong và ngoài bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào (bao gồm cả phạm vi các quán cà phê, ăn sáng, nhà hàng…). Khi phát hiện công chức vi phạm về giờ làm việc, đoàn kiểm tra lập biên bản và thông báo gửi về cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm để xử lý theo quy định; đồng thời các cơ quan báo, đài sẽ đăng tải thông tin rộng rãi về người vi phạm để giáo dục và chấn chỉnh kịp thời.

Đây chính là động thái mạnh nhằm bảo đảm thực hiện chặt chẽ việc quản lý lao động, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc có năng suất và chất lượng hiệu quả cao; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự giác và có ý thức, trách nhiệm, bảo đảm thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được Nhà nước, cơ quan, đơn vị, địa phương giao, đáp ứng các công việc có liên quan đến tổ chức và công dân.
 

Quán cà phê vốn rất “hút” khách là cán bộ, công chức viên chức nay vắng hoe. Ảnh: Hải Lê
Quán cà phê vốn rất “hút” khách là cán bộ, công chức viên chức nay vắng hoe. Ảnh: Hải Lê

Thực tế qua hai đợt kiểm tra vừa qua (vào ngày 14-5 và 17-5) cũng như qua công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương này trong thời gian trước đó đã phần nào tạo ra những tác dụng tích cực, góp phần rất lớn vào việc kiểm soát nạn “ăn cắp” giờ làm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh hiện nay.

Vào ngày 14-5, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc tại 2 sở là Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua kiểm tra 2 đơn vị cho thấy, nhìn chung, việc chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đã đảm bảo. Có 35 trường hợp cán bộ, công nhân viên chức vắng mặt nhưng đều có lý do chính đáng: Đi học, công tác, nghỉ phép, nghỉ chế độ thai sản… Các trường hợp nghỉ vắng mặt đều đã có giấy tờ, văn bản chứng minh.

Tại buổi kiểm tra thứ hai vào ngày 17-5, đoàn tiến hành kiểm tra tại hàng chục quán ăn sáng, cà phê trên địa bàn TP Pleiku. Tại đợt kiểm tra này, nhìn chung có thể thấy, tại các quán ăn sáng, giải khát, cà phê… cảnh đông đúc, nhộn nhịp trước nay đã “xì hơi” đi rất nhiều. Các chủ quán đều than phiền, doanh thu của họ giảm… 40-60% so với ngày thường. Có chủ còn “căng” đến mức: “Cứ thế này chắc em dẹp tiệm quá mấy anh!”. Lật ngược trở lại vấn đề, rõ ràng, cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta lâu nay chính là lực lượng hùng hậu góp mặt tại các quán ăn sáng, cà phê… và nạn “ăn cắp” giờ làm tất nhiên sẽ diễn ra song song với điều này.

Qua kiểm tra đoàn phát hiện một số nơi có dấu hiệu của cán bộ, công chức, viên chức tụ tập cà phê, ăn sáng: ô tô, xe máy biển xanh đậu trước quán phở, cà phê vẫn có khá nhiều, đặc biệt là tại tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Du… Tuy nhiên, qua hai đợt kiểm tra, chưa có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nào bị lập biên bản xử lý.
 

Một chiếc xe máy biển số xanh dựng trước quán cà phê Tenis trên đường Võ Thị sáu-Lê Hồng Phong-TP. Pleiku trong giờ hành chính. Ảnh: Hải Lê
Một chiếc xe máy biển số xanh dựng trước quán cà phê Tenis trên đường Võ Thị Sáu-Lê Hồng Phong-TP. Pleiku trong giờ hành chính. Ảnh: Hải Lê

Ông Huỳnh Thế Mạnh-Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhận định: “Đây là lần ra quân đầu tiên tỉnh kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, đoàn đã nhận được sự phối hợp hưởng ứng, tạo điều kiện từ phía các cơ quan, đơn vị cũng như toàn thể cán bộ, công chức. Có thể đánh giá rằng, sau những động thái “rắn”, việc “ăn cắp” giờ làm của cán bộ, công chức, viên chức để la cà nhậu nhẹt, ăn sáng, uống cà phê… đã được hạn chế khá nhiều”.

Cán bộ, công chức, viên chức-không xét đến khả năng chuyên môn thì họ là những đối tượng lao động được đào tạo và rèn luyện bài bản về ý thức và kỷ luật lao động. Việc vi phạm quy định về giờ làm việc để tụ tập ăn sáng, cà phê, nhậu nhẹt… là việc khó có thể chấp nhận và phải ráo riết tìm các biện pháp khống chế và xử lý như hiện nay ngẫm càng thấy đáng buồn hơn.

Thiết nghĩ, hiệu quả của việc chấp hành giờ, thời gian làm việc chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như mỗi cơ quan, đơn vị tự ý thức chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về thời gian làm việc cũng như các quy định khác. Đây là yếu tố quan trọng để đưa việc tuân thủ nghiêm quy định giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thành một nền nếp, cũng đồng thời là để tránh lối hoạt động theo kiểu dấy lên như phong trào rồi dần xẹp xuống và rồi đâu lại hoàn đó.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm