Hai nam bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới đang được các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực cứu chữa.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngày 9-10 cho biết trung tâm vừa tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam, 39 tuổi, trú tại Hà Nội. Bệnh nhân có ý định tự tử nên đã uống 4 viên thuốc chuột Storm. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật. Được biết, bệnh nhân này có tiền sử rối loạn tâm thần.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam, 59 tuổi, trú tại Hưng Yên. Bệnh nhân cho biết uống 6 gói thuốc bột nhưng nhầm tưởng những gói bột này là ngũ cốc. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc ở ngày thứ 3 sau khi đã được điều trị ở tuyến dưới. Khi nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc.
Nam bệnh nhân uống nhầm thuốc diệt chuột đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai |
Theo bác sĩ Nguyên, những năm gần đây, Trung tâm tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Nếu các thuốc diệt chuột thế hệ cũ gây sốc, co giật thì các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu. Những chất này gây độc diễn biến âm thầm và trong 3 ngày đầu, các dấu hiệu đều hoàn toàn bình thường nhưng sau thời điểm này xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết ở răng, mũi, da, tiêu hóa...
"Có những bệnh nhân uống vì lý do tự tử được gia đình phát hiện sớm nên tiên lượng tốt. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân ngại không nói; sử dụng lẫn với thức ăn, thức uống, tiếp xúc trực tiếp qua da dẫn tới nhiễm độc mà không biết. Chỉ đến khi bị chảy máu, ngã... mới vào viện hay các bác sĩ có thể nhầm sang những bệnh khác"- bác sĩ Nguyên thông tin.
Sản phẩm thuốc diệt chuột được bán trên thị trường - Ảnh: B.Tuân |
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện có người uống phải thuốc diệt chuột, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những người xung quanh nên mang theo viên thuốc hoặc vỏ thuốc để có thể nhanh chóng xác định loại thuốc mà người bệnh uống nhầm. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế sớm trước 6 giờ, khi đó các bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như: Rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài... nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm độc và tử vong cho người bệnh.
D.Thu (NLĐO)