Kinh tế

Nhiều câu hỏi, một câu trả lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một điều rất đặc biệt của Việt Nam hiện nay là xuất khẩu rau-hoa-quả đã vượt qua dầu thô và gạo. Đó chính là tín hiệu báo trước một cuộc “cách mạng xanh” đang âm thầm diễn ra tại Việt Nam.

Dĩ nhiên, khi những sản phẩm của cuộc “cách mạng xanh” này được xuất khẩu thì yêu cầu đầu tiên là sản phẩm phải đạt chuẩn sạch. Đó là câu trả lời tiên quyết giúp cho sản phẩm rau-hoa-quả Việt Nam có thể đi qua những “hàng rào kỹ thuật” vốn rất khắt khe ở những quốc gia phát triển. Câu trả lời đó là: Không sạch thì không xuất khẩu được và sẽ tiến tới không bán trong nước được.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra khi trồng rau sạch, nào là phải vượt qua thói quen dùng hóa chất đã ăn sâu trong quy trình trồng rau, nào là phải bỏ công sức nhiều hơn khi trồng rau sạch so với trồng rau không sạch trên cùng một diện tích, nào là vốn đầu tư để trồng rau sạch thì cao hơn nhiều lần, yêu cầu kỹ thuật cũng cao hơn và cuối cùng là tìm đầu ra trong nước. Làm sao để người tiêu dùng quen với rau sạch, làm sao để họ phân biệt đâu là rau sạch, đâu là rau không sạch, và khi họ chọn mua rau sạch đồng nghĩa với việc phải mua với mức giá cao hơn rau không sạch vẫn bán trên thị trường. Rất nhiều câu hỏi cần có câu trả lời.

Qua thực tế trồng và tiêu thụ rau sạch ở Gia Lai, câu trả lời là thế này: Muốn trồng rau sạch với diện tích lớn, muốn tiêu thụ rau sạch với khối lượng lớn thì ngoài những doanh nghiệp kinh doanh rau sạch kỹ thuật cao, rất cần những hộ trồng rau sạch liên kết lại trong những hợp tác xã trồng và cung ứng rau sạch. Chỉ liên kết trong các hợp tác xã mới có thể tập trung vốn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trồng rau sạch, mới mua được giống rau sạch, mới quy hoạch được đất sạch, mới tạo được những nguồn phân bón vi sinh có số lượng lớn. Và quan trọng là tìm được đầu ra bền vững cho rau sạch, kể cả cho xuất khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc, nơi bán sang Việt Nam đủ loại hóa chất phục vụ việc trồng rau nhưng vẫn yêu cầu mua các loại rau sạch không hóa chất từ Việt Nam. Đó là một nghịch lý mà người sản xuất rau sạch ở Việt Nam phải vượt qua: Dám nói không với các loại hóa chất từ Trung Quốc thì mới có thể bán các loại rau sang thị trường này và đó là sản phẩm rau sạch.

Nếu Việt Nam quy hoạch và xác định được mức phấn đấu tới năm 2025 có thể xuất khẩu rau-hoa-quả đạt doanh số 10-15 tỷ USD (vượt nhiều lần so với doanh số xuất khẩu dầu thô và gạo) thì từng địa phương trong cả nước phải là những trung tâm sản xuất rau-hoa-quả sạch, trong đó có Gia Lai. Việt Nam phải có những kế hoạch cụ thể ở tầm vĩ mô về sản xuất rau-hoa-quả sạch và phải kiên trì với định hướng này, bởi không có con đường nào khác nếu muốn hội nhập với thế giới thương mại. Những hiệp ước thương mại mà Việt Nam đã và sẽ ký với thế giới đều có những điều khoản quy định ngặt nghèo về vệ sinh thực phẩm, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu ra thế giới.

Vì thế, việc tìm tới những mô hình sản xuất rau-hoa-quả sạch thành công ở địa phương mình và nhân rộng ra, dựa trên tổ chức các hợp tác xã và doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, là việc làm cấp bách. Những thành công đã xuất hiện ở diện khá rộng, tương lai tươi sáng trong việc xuất khẩu rau-hoa-quả đã mở ra, chỉ cần nhạy bén đón lấy cơ hội và kiên quyết áp dụng đúng quy trình sản xuất sạch, kéo theo những thành công trong tiêu thụ nội địa. Thói quen dùng thực phẩm sạch, rau-hoa-quả sạch sẽ là chủ đạo. Thị trường sẽ quyết định thói quen tiêu dùng mới này. Có như vậy, nước ta mới có thể thoát khỏi nguy cơ bị đầu độc bởi các loại hóa chất độc hại từ nước ngoài.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm