Báo xuân

Nhớ cái Tết đầu sau Hiệp định Paris

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối tháng 1-1973, mặc dù Tết Nguyên đán Quý Sửu đã cận kề nhưng tình hình chiến sự tại mặt trận đường 19 Tây vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Cả ta và địch đều quyết tâm giành thêm đất, thêm dân, mở rộng vùng kiểm soát trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực.

Bằng sự cố gắng vượt bậc, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 17 đến 27-1-1973), các đơn vị của Sư đoàn 320 đã quét sạch quân địch, làm chủ đường 19 từ Đức Cơ đến làng Yít và đường 14 từ Phú Mỹ đến Mỹ Thạch, mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở phía Tây Nam Gia Lai, nối thông với hành lang vận tải chiến lược ở phía Tây.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ảnh tư liệu).

Vào lúc 17 giờ ngày 27-1-1973, sau khi tham gia tiến công đánh chiếm căn cứ 30, Đại đội 1 súng máy cao xạ 12,7 mm (Tiểu đoàn 16) tiếp tục cùng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) phát triển tiến công xuống làng Yít tiếp giáp với đồn Tầm (nay thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) lập tuyến chốt chặn đường 19. Cùng thời điểm đó, theo giờ Việt Nam, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết nhưng thời điểm có hiệu lực là 0 giờ ngày 27 và thời điểm ngừng bắn lại vào 8 giờ hôm sau (28-1-1973, tức 29 Tết Quý Sửu). Chúng tôi hiểu rằng, kẻ thù rất cay cú trước những thất bại liên tiếp vừa qua, nhất định chúng sẽ tiếp tục tấn công hòng vớt vát củng cố lại thế trận trước giờ ngừng bắn.

Đúng như nhận định của chúng tôi, địch đã điều Tiểu đoàn 62 Biệt động quân và một chi đoàn xe tăng của Thiết đoàn 21 thiết giáp đến tăng cường cho khu vực đồn Tầm. Đến khoảng hơn 17 giờ, địch bắt đầu tấn công. Mở đầu, chúng cho các trận địa pháo ở Thanh Bình, Thanh An bắn cấp tập vào tuyến chốt chặn của ta. Chúng còn dùng cả súng phun lửa bắn vào khu vực trận địa của chúng tôi làm cháy rụi cây cối và những nhà dân còn sót lại. Sau đợt pháo, địch cho bộ binh có xe tăng yểm hộ tiến vào. Nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta, một xe tăng M41 bị thiêu cháy, hàng chục tên địch bị diệt, địch phải cay cú rút khỏi trận địa. Tối đó, bộ phận tuyên truyền đấu tranh chính trị gồm một số cán bộ của Trung đoàn 48 và huyện 5 vừa được thành lập cũng vào triển khai công sự gần trận địa chốt của chúng tôi để chuẩn bị tác chiến sau giờ ngừng bắn.

Sáng 28-1, mặt trời vừa nhô lên, địch đã cho pháo bắn liên tục hàng giờ liền vào trận địa ta. Tiếng pháo vừa dứt, chúng tôi đã thấy 4 xe tăng M41 cùng bộ binh địch triển khai đội hình 2 bên đường 19 tiến vào hướng trận địa chốt của Đại đội 1 và Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1), vừa đi chúng vừa bắn như vãi đạn sang 2 bên. Nhưng vừa lọt vào vùng kiểm soát của ta, một chiếc xe tăng đã bị trúng mìn bốc cháy, một chiếc khác bị đạn B41 của chiến sĩ ta nổ tung. Cùng lúc, bọn bộ binh địch cũng bị các cỡ súng của ta bắn dữ dội vào đội hình, hàng chục tên trúng đạn ngã vật.

Thấy vậy, chiếc xe tăng còn lại vội vã quay đầu chạy về phía sau. Bọn bộ binh địch không còn biết bấu víu vào đâu vội nằm rạp xuống đất giơ súng bắn loạn xạ lên trời. Một lúc sau, địch buộc phải lui quân về vị trí cũ. Không gian trở lại yên tĩnh. Chúng tôi tranh thủ củng cố lại trận địa chờ địch đến. Bỗng ở phía trước, tiếng súng tiểu liên AR15 nổ liên hồi xen lẫn tiếng reo hò huyên náo. Thì ra đã đến giờ ngừng bắn, binh lính địch bắn súng ăn mừng và reo vang vì họ nghĩ không phải chiến đấu nữa. Tiếng súng ngớt, binh lính địch trèo hết lên thành công sự cầm súng giơ lên trời tiếp tục kêu lên: “Hòa bình rồi. Sống rồi, anh em ơi!” Một lúc sau, từ bên phía địch bật lên tiếng cọt kẹt, rồi tiếng loa công suất lớn phát ra những lời lẽ tô vẽ cho cái gọi là “chính nghĩa quốc gia” cùng những lời ca vàng vọt, ủy mị. Đáp lại, tổ công tác của ta cũng dùng loa tuyên truyền về các điều khoản thi hành Hiệp định Paris và các bài ca cách mạng.

Ngay sau đó, chúng tôi được chỉ huy đại đội đến từng hầm pháo phổ biến về ý nghĩa thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris, về thái độ ngoan cố của chính quyền Sài Gòn không chấp nhận hòa giải hòa hợp dân tộc, và sẽ chống phá đến cùng. Vì vậy, mỗi chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của địch và phải thực hiện tốt phương châm hiện nay là: Nếu địch tiến công lấn chiếm vùng giải phóng thì ta kiên quyết phản công giữ đất, bảo vệ dân, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh binh vận, kêu gọi binh lính địch quay súng trở về với nhân dân.

Ngày hôm sau (29-1, tức 30 Tết), từ sáng đến chiều, địch không có hoạt động gì đáng kể nhưng chúng tôi vẫn cảnh giác và luôn ở tư thế chiến đấu. Tối hôm đó, đơn vị tổ chức ăn Tết Quý Sửu. Bữa cơm Tất niên có thêm món chuối rừng ninh xương và thịt kho. Mỗi chúng tôi còn được Bác Tôn gửi tặng một điếu thuốc lá Điện Biên và 2 chiếc kẹo Hải Hà. Anh em trong khẩu đội vừa ngồi xuống quanh công sự để ăn cơm thì thấy tiếng chân người chạy rình rịch và tiếng hô của bộ đội ta: “Bắt lấy nó, không được bắn!”. Chúng tôi vội nhào ra thì thấy 2 bóng người chạy tới, cùng đường chúng phải dừng lại và giơ tay lắp bắp xin hàng. Trước cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 1, 2 tên tù binh Huỳnh Văn Nhỡ và Võ Thạch-lính của Tiểu đoàn 62 biệt động quân-đã thú nhận, lợi dụng trời tối và lúc bộ đội ta ăn cơm, chúng được lệnh mò sang gài mìn để sát hại bộ đội ta. Khi được hỏi: “Các anh có biết gì về Hiệp định Paris không?”, Thạch tỏ ra bối rối, thưa: “Dạ. Tôi có được nghe nói sắp có hòa bình, còn Hiệp định Paris thì hoàn toàn không biết”.

Sau Tết Quý Sửu, theo đề nghị của ta, địch đồng ý cùng ta làm Nhà hòa hợp để trao đổi việc thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris. Nhà hòa hợp được dựng lên ở khu đất bằng phẳng giữa tuyến chốt của ta và địch 200 m. Khi Nhà hòa hợp đi vào hoạt động, chúng tôi được lệnh rút về phía sau 500 m, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo vệ Đoàn hòa giải hòa hợp dân tộc của ta đấu tranh với địch ở Nhà hòa hợp. Song với bản chất hiếu chiến, chỉ sau lệnh ngừng bắn một thời gian ngắn, địch đã cho quân lấn chiếm ở đường 14, 21 và đường 5B; đến đầu tháng 3 thì chúng vi phạm trên đường 19. Khoảng 9 giờ ngày 4-3-1973, sau cuộc gặp gỡ của 2 bên ở Nhà hòa hợp không thành, đoàn ta vừa về tới vị trí thì địch cho 2 đại đội cùng 7 xe tăng ngang nhiên theo đường 19 tiến vào vùng đất của ta. Lập tức chúng bị trừng trị, 2 xe tăng M48 bị bắn cháy tại chỗ, quân địch phải tháo chạy tán loạn, bỏ lại nhiều xác chết của đồng bọn.

Mấy ngày sau, được ta cho phép, một trung đội lính của Tiểu đoàn 62 Biệt động quân do Trung úy Triêm chỉ huy mang cờ Hồng thập tự sang đất ta xin thu nhặt xác đồng bọn. Thấy xác chết lâu ngày trương phềnh, mùi hôi thối nồng nặc, bọn nhặt xác làm qua quýt. Đồng chí Toản-cán bộ binh vận của Trung đoàn 48, người đại diện phía ta, tấn công luôn: “Đây là xác người của các anh mà các anh làm ăn thế à!”. Trung úy Triêm liền túm cổ áo từng tên lính giúi xuống bắt làm và tuôn ra những lời tục tĩu rồi lảng ra xa. Mấy chiến sĩ làm nhiệm vụ giám sát ở đấy liền nói luôn: “Các anh thấy không, đi lấn chiếm phải chết uổng mạng mà còn bị đối xử tàn tệ như thế đấy”. Một tên lính ngẩng lên lấm lét nhìn Trung úy Triêm rồi nói nhỏ: “Thực tình tụi em không muốn thế, chỉ mong sớm được về với ông bà già và vợ con thôi. Nhưng cấp trên ra lệnh thì phải đi, không đi không được. Ngay việc này, tụi em phải làm cực nhọc là thế nhưng Trung úy Triêm-sĩ quan tâm lý chiến, ổng lại được nhận tiền thưởng”.

Chúng tôi còn ở lại cùng Trung đoàn 48 bảo vệ tuyến tiếp xúc làng Yít-đồn Tầm cho đến hết mùa khô rồi bàn giao cho đơn vị bạn để nhận nhiệm vụ mới. Như vậy, trọn cả Tết Nguyên đán và mùa Xuân Quý Sửu, chúng tôi liên tục phải đương đầu với địch. Nhưng sự gian khổ, hy sinh đó của chúng tôi đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn chuẩn bị địa bàn tác chiến để rồi cùng quân và dân Tây Nguyên mở màn cho toàn miền bước vào mùa Xuân 1975 toàn thắng.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm