Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ Chử Anh Đào…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thoắt cái đã giỗ đầu nhà giáo, nhà văn Chử Anh Đào (Chử Lương Đào). Năm ngoái tầm này, trời cũng xám xịt những đám mây sũng nước...
Sự ra đi của Chử Anh Đào đã được báo trước nhiều năm, vì ông mắc chứng ung thư vòm họng. Biết mình sẽ không còn sống lâu nhưng điều đáng nể là ông luôn vui vẻ, lạc quan đến tận những ngày cuối cùng. Trừ những khi đi xạ trị, mọi thói quen cũ vẫn được ông giữ.
Chử Anh Đào biết Hán Nôm, đọc nhiều sách xưa nên dường như thích kiểu cách “giang hồ hảo hán”, đã nói là làm, đã chơi thì phải đến nơi đến chốn, rượu uống lưng chai thì không chịu được. Có rất nhiều buổi sáng ở Pleiku, khi bạn bè, đồng nghiệp râm ran bên ly cà phê thì ông lặng lẽ rút thuốc lá ra hút rồi nhẹ nhàng và có phần ngại ngần nhưng cương quyết “yêu sách” với chủ quán, rằng: Một cà phê chai nhé! Không chỉ có từ mới “cà phê chai”-tức bia Sài Gòn đóng chai-do Chử Anh Đào sáng tạo ra, thời Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai còn đông vui, một số anh em trẻ yêu quý ông vẫn thường nhại lời dân gian khi nói về tiền bối của mình: Gần mực thì đen, gần Đào thì… uống. Những năm cuối đời, Chử Anh Đào hay tụ tập với bạn bè ở một quán cà phê bình dân gần nhà. Tại đó, ông luôn xởi lởi nhưng giữ nghiêm nguyên tắc ai uống bao nhiêu, cứ tự nhiên, còn mình thì 2 chai là tiêu chuẩn bất di bất dịch.  
Cố nhà văn Chử Anh Đào (bìa phải) và tác giả bài viết. Ảnh: Bạch Ngọc
Cố nhà văn Chử Anh Đào (bìa phải) và tác giả bài viết. Ảnh: Bạch Ngọc
Chử Anh Đào uống rượu nhiều, bao gồm cả số lượng và số lần nên say là việc không có gì lạ. Dù vậy, ông thường chỉ uống với những người thân thiết, những người mà theo ông là “chơi được”. Quan trọng hơn, khi còn là giáo viên trường sư phạm, dù có yêu quý, nể nang bạn bè đến mấy, hễ đã có lịch giảng dạy hay cuộc họp sau đó, ông đều dứt khoát thoái thác. Không chỉ có ông tự nói mà chính nhiều học trò của Chử Anh Đào cũng đã hơn một lần xác nhận: Thầy lên lớp luôn đúng giờ, mực thước.
Chử Anh Đào hoàn thành luận văn thạc sĩ về thơ chữ Hán của Nguyễn Du ở Trường Đại học Sư phạm Vinh thời đất nước ta còn bao cấp. Đây có thể là nguyên cớ khiến ông học thêm để rồi sau này có lúc từng đứng trên bục, giảng cho một số lớp ở bậc thấp hơn đại học về Hán Nôm. Ông rất chí thú với việc lan truyền bộ môn mình tâm đắc cho người khác. Vừa để làm tư liệu giảng dạy vừa luyện chữ, ông đã nhiều lần chép lại nguyên bản các tác phẩm lừng danh như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, một số bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du và Hồ Chí Minh. Trên tường nhà, dưới tấm kính để trên mặt bàn nơi Chử Anh Đào thường ngồi tiếp khách thỉnh thoảng lại có thêm những văn bản mới được ông trang trọng lưu giữ rồi lại cho đi là vì vậy.
Nhưng không chỉ có thế, nhiều năm liền trước khi mất, hễ đến tháng giáp Tết Nguyên đán, Chử Anh Đào lại sắm giấy bút chuyên dụng để chuẩn bị công việc “cho chữ” của mình. Sự “cho chữ” của ông cũng khác người. Tức là tự ông cho chứ không đợi người xin như thông lệ. Chơi với nhau, ông hiểu bạn bè, anh em quanh mình, ai cần chữ gì, muốn chữ gì. Chử Anh Đào nắn nót viết các đại tự, thêm đôi dòng lạc khoản, xong đâu đó rồi thì để đấy. Nếu bạn bè đến nhà chơi, ông sẽ trân trọng tặng. Nếu khách được cho chữ chưa đến, ông sẽ chạy xe máy đến nhà từng người để trao và giải thích vì sao lại tặng chữ ấy, chữ ấy từ đâu ra, nó phù hợp với người được gửi gắm ra sao…
Sinh năm 1957 tại Phú Thọ, 20 tuổi đã gắn bó với Gia Lai cho đến ngày trở về với đất, Chử Anh Đào là một trong những người có đời sống sôi nổi và có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp văn học, giáo dục địa phương. Thời gian trôi qua thật nhanh, nhưng tôi tin chắc trong lòng bạn bè và đồng nghiệp, hình ảnh ông vẫn còn sâu đậm với biết bao kỷ niệm thân thương.
NGUYỄN QUANG TUỆ
 

Có thể bạn quan tâm