Báo xuân

"Nhớ đồng đội tôi khóc mãi, khóc mãi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Đak Pơ, Báo Gia Lai có bài viết “Miền đất cũ và bao điều ước mới” dài 4 kỳ (baogialai.com.vn), đã được độc giả gần xa chú ý. Đặc biệt là các cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở vùng đất này trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cùng với đó là sự vào cuộc của lãnh đạo huyện trong việc “tăng tốc” với các việc làm nhằm đề nghị và đã được UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai xây dựng công trình Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Đak Pơ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Huyện Đak Pơ trước khi chưa thành lập vốn thuộc huyện An Khê (nay là thị xã An Khê) và một phần thuộc huyện Kông Chro. Vùng đất này suốt trong hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ là trọng điểm đánh phá của chúng, bởi nó có con đường chiến lược-quốc lộ 19 chạy qua và nơi đây như là điểm yết hầu của con đường, nằm giữa hai con đèo An Khê, là cửa ngõ của cả Tây Nguyên và đèo Mang Yang, một “gạch nối” của bình nguyên An Khê và cao nguyên Trung phần, cho nên nơi đây được cả hai phía ta và địch coi là điểm quan trọng nên liên tục xảy ra các trận đụng độ.
 

Ảnh: K.N.B

Trong chống Pháp điển hình là trận phục kích có một không hai ở miền Nam vào những ngày cuối cùng tháo chạy của quân đội Pháp-trận Đak Pơ, một trận đánh lừng lẫy với chiến công oanh liệt của quân chủ lực-e96 và các đơn vị phối hợp, với một Binh đoàn thiện chiến-GIM 100 của Pháp khi chúng rút khỏi An Khê để về Pleiku vào hạ tuần tháng 6-1954. Trận đánh có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Thời chống Mỹ, Đak Pơ vẫn giữ vị trí không kém trước đó, đặc biệt khi quân đội Mỹ chiếm An Khê, lấy đó làm địa bàn đóng quân cho Sư đoàn Không vận số 1, cả vùng Đông Trường Sơn này trở thành chiến sự vô cùng ác liệt, hàng trăm trận đánh mỗi năm của quân dân ta với quân Mỹ-Ngụy diễn ra và ngay dưới chân đèo Mang Yang, Hà Tam là con đường hành lang Bắc-Nam (thời ấy gọi là đường hành lang Trung ương), hàng đêm diễn ra các lượt qua lại của các đơn vị quân-dân-chính đảng vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược, lương thảo, thương-bệnh binh… của ta.

Điều này tuy là bí mật nhưng không thể nằm ngoài tầm kiểm soát của địch nên suốt ngày đêm chúng lùng sục, phục kích; xe tăng cày xéo, pháo hạng nặng dội xuống hàng ngày, máy bay oanh tạc liên miên. Những trận đánh như vậy sự tổn thương của cả hai bên là điều không thể tránh khỏi. Chưa có con số thống kê nào được coi là chính xác, nhưng sự hy sinh của đồng chí, đồng bào ở nơi này là không nhỏ. Đến nay dù chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được điều mong mỏi, việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ chưa làm tròn, một nơi trang nghiêm để thờ cúng hương hồn của liệt sĩ vẫn là điều ước nguyện của bao người.

Sửa chữa đường ở Đak Pơ. Ảnh: Bích Hà


Sau các bài báo có liên quan về trận Đak Pơ trên các phương tiện truyền thông, các cựu chiến binh (CCB), gia đình của họ, thân nhân liệt sĩ, độc giả gần xa đã có hàng trăm comment phản hồi với những lời trách móc và những ước ao cháy lòng về chuyện đền ơn đáp nghĩa của hậu thế cho những người ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn… đó là việc xây dựng một ngôi đền để tưởng niệm 147 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 24-6-1954 và các liệt sĩ khác đã chiến đấu và hy sinh trong các cuộc kháng chiến ở mảnh đất Đak Pơ. Trong bài viết này, xin được trích một số ý kiến của bạn đọc thay lời tôi muốn nói.

Một cựu chiến binh (đang ở thị xã An Khê) tâm sự: “Sáng nay (13-10) vừa nhận hung tin: Cựu chiến binh Trung đoàn 96, nguyên Đại tá, Sư trưởng Sư 2 Mai Tiến Mỹ đã vĩnh biệt chúng ta. Cách đây 10 hôm, Đại tá Mỹ có chạy sang nhà tôi chơi, nhìn có vẻ hớn hở, phấn khởi hơn xưa, trao cho tôi 4 bài báo Gia Lai photocopy do chị BH viết. Tôi ngồi đọc mãi từng số, còn anh Mỹ ngồi uống trà, có vẻ rất đắc chí...  Rồi bác tâm sự… “Thế là nhà báo Gia Lai họ kêu gọi Nhà nước lo cho 147 anh em liệt sĩ mình rồi, đây là mong ước duy nhất của mình và anh em e96; trong suốt cuộc đời làm cách mạng, nhớ về đồng chí đồng đội đã khuất, nhưng không biết làm sao được. Giờ anh em mình bắt đầu có niềm tin vững chắc về sự chăm lo của địa phương”.

Quốc lộ 19 đoạn qua địa phận huyện Đak Pơ. Ảnh: Bích Hà


Rồi, bác Mỹ nói sắp tới gọi mấy CCB e96 ở gần khu vực miền Trung, đến gặp Tổng Biên tập để anh em CCB có lời cảm ơn chân thành gửi đến Báo Gia Lai, nhờ kêu gọi mọi người, mọi ngành, mọi cấp cùng chăm lo cho các anh hùng liệt sĩ e96, chí ít cũng xây cho được cái đền thờ, nếu chưa tìm kiếm được hài cốt để quy tập, thì phần nào cũng làm yên lòng thân nhân liệt sĩ và đồng bào đồng chí... Ước nguyện ấy chưa thành mà sáng nay Đại tá Mai Tiến Mỹ đã vội vã ra đi. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tá Mai Tiến Mỹ và vài dòng xin gửi đến Báo Gia Lai...”.

Người viết bài này không cầm được nước mắt khi đọc những dòng tâm sự nêu trên. Còn một CCB thời chống Mỹ là Đại tá đang ở Thanh Hóa thì viết: “Cái gì thì cái chứ việc chăm lo tìm và quy tập hài cốt, xây nơi thờ cúng các liệt sĩ thì ta phải vào cuộc ngay, không được chậm trễ… đây là việc đại sự các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai ơi!”.

Và đây là lời tâm sự của một CCB ở Thái Bình: “Với tôi, Gia Lai là quê hương thứ 2 của mình. Bởi, từ ngày 12-12-1967 tôi đã cầm súng đánh Mỹ ngay tại chiến trường này. Ngày ấy ác liệt lắm, sau ngày giải phóng tôi chuyển về Bắc, do điều kiện không cho phép tôi tiếp tục ở lại với đồng bào Gia Lai. Sau, chỉ được vào thăm Gia Lai một lần vào năm 2008, đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh (gần Bộ Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên) viếng đồng đội và cho đến nay chưa được trở lại, có thể không bao giờ được trở lại thăm mảnh đất này nữa. Dù rất xa, nhưng qua báo, đài tôi thường xuyên tìm về Gia Lai, thấy phát triển đáng mừng, kinh tế đi lên. Ngẫm qua 4 kỳ báo của BH đăng trên báo Gia Lai, tôi kính mong các nhà lãnh đạo tỉnh Gia Lai hãy bằng tấm lòng của mình với Đảng, với dân ra sức chăm lo cho các liệt sĩ... Nếu ai đã là người cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, hoặc là ai có cha, anh là liệt sĩ thì mới thấu hiểu những vấn đề này”.
 

Ảnh: K.N.B

Một CCB Trung đoàn 95 mong muốn: “Nếu được Đảng bộ Gia Lai xây nhà tưởng niệm để thờ cúng các anh hùng liệt sĩ tại Đak Pơ thì điều này vô cùng có ý nghĩa. Bởi, không những 147 liệt sĩ trận Đak Pơ hồi chống Pháp, mà còn thờ cúng và có nơi tá túc cho hàng bao liệt sĩ khác. Trong đó có đồng đội 95 của tôi đã ngã xuống nơi này… Tôi bây giờ gần đất xa trời, không đi lại và làm gì được nữa. Về quê sinh 2 con đều bị di chứng chất độc da cam, đau lòng lắm. Chân đèo Mang Yang địch rải nhiều thuốc khai hoang, lúc này d1 của tôi đang chặn đánh địch ngay dưới chân đèo này. Nhớ đồng đội tôi khóc mãi, khóc mãi...”.

Một bạn nữ giáo viên ở Thái Bình cũng thốt lên: “Nói đến Đak Pơ, An Khê làm lòng tôi đau nhói. Mảnh đất này cha tôi đã hy sinh tại đây khi tôi chưa kịp thấy mặt người, chỉ nhìn qua di ảnh; tôi cùng mẹ và anh trai vào đây nhờ sự chỉ giúp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai, nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt! Buồn lắm mấy bác lãnh đạo ạ. Như vậy ngoài 147 liệt sĩ trong trận Đak Pơ ngày 24-6-1954, theo tôi sẽ còn hàng trăm liệt sĩ nữa, vậy mà chính quyền cũng ít chăm lo  (?). Qua một bác cựu chiến binh Trung đoàn 95 của cha tôi kể thì bộ đội ta hy sinh tại đây nhiều lắm. Vì lúc này bọn Mỹ và Đại Hàn mạnh và chúng ác lắm. Cha tôi hy sinh tháng 3-1972, tại khúc quanh co đường 19 gần chân đèo Mang Yang”.   

Cũng không thể nói gì thêm ngoài các trích dẫn dù là ít ỏi so với những tâm sự của nhiều độc giả gởi đến Báo Gia Lai sau khi họ đọc bài viết về Đak Pơ-trận Đak Pơ năm xưa (tháng 6-2014 tới đây tròn 60 năm) cho bài viết lần này của tôi nữa. Một mùa Xuân lại về, một cái Tết nữa đã đến, bao gia đình ấm êm trong hạnh phúc khi đất nước yên bình và man mác buồn khi còn biết bao đồng chí, đồng bào mình ngã xuống trong các cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước mà giờ đây còn nằm lại trên các chiến trường.

Những người trong cuộc và các thế hệ tiếp sau cũng đã cố gắng hết mình để đền ơn đáp nghĩa, cho dù vậy vẫn còn đâu đấy điều chưa thể vẹn tròn sau trước, cũng bởi nhiều lý do. Và mong sao cho những điều ước của các CCB nói trên sớm thành hiện thực trong mùa Xuân này!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm