Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nhớ những lần dự đại hội Đảng toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa thời khắc cả nước đang hân hoan hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong lòng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai lại dâng lên bao cảm xúc. Với họ, ký ức về những lần được tham dự đại hội Đảng toàn quốc là dấu ấn không thể nào quên.

Vinh dự và tự hào

Tôi tìm gặp ông Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tại nhà riêng ở đường Tô Vĩnh Diện (TP. Pleiku). Trên bức tường nơi phòng khách, bức ảnh chụp Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X được ông treo ở vị trí trang trọng. Đây là một trong những kỷ vật liên quan đến những lần tham dự đại hội Đảng toàn quốc mà ông Ksor Phước luôn cẩn thận giữ gìn.

Ông Ksor Phước nhắc nhớ lại những lần dự Đại hội Đảng toàn quốc. Ảnh: Hồng Thi
Ông Ksor Phước nhắc nhớ lại những lần dự đại hội Đảng toàn quốc. Ảnh: Hồng Thi


Ông Ksor Phước từng tham dự 5 kỳ đại hội toàn quốc của Đảng. Kể về lần đầu tiên tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1996-2000) với cương vị là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tham dự sự kiện chính trị lớn của cả nước, tôi rất tự hào, song cũng vô cùng hồi hộp và lo lắng. Bản thân tự nhủ phải đem hết trí tuệ, trách nhiệm của mình cống hiến cho Đại hội. Năm ấy, tôi còn được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Đó thật sự là niềm vinh dự lớn với tôi”.

Tháng 4-2001, khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (nhiệm kỳ 2001-2005). Thay mặt đoàn, ông gửi đến Đại hội bài tham luận về công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với nhiều nội dung thiết thực, tâm huyết.

Một năm sau Đại hội, ông được điều động về Trung ương. Vì thế, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (nhiệm kỳ 2006-2010), ông tham dự trong vai trò là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2011-2015) và lần thứ XII (nhiệm kỳ 2016-2020), ông tham dự trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Đặc biệt, ông được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X và XI.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng cũng là mốc son đáng nhớ đối với ông Hà Sơn Nhin-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Ông kể: Ngày ấy, tôi đang là Bí thư Huyện ủy Kbang, được Đại hội Đảng bộ tỉnh tín nhiệm bầu vào đoàn đại biểu dự Đại hội Trung ương. Tôi thấy vinh dự lắm, bởi mình không chỉ đại diện cho Đảng bộ tỉnh mà còn là đại diện tiếng nói của Đảng bộ huyện Kbang-một huyện căn cứ cách mạng với khá đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, là quê hương của Anh hùng Núp. Tôi còn nhớ, trong đoàn khi đó còn có 1 đồng chí rất trẻ là Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr (huyện Chư Prông). Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho tôi hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí ấy trong suốt những ngày tham dự Đại hội.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin bên bức ảnh chụp lưu niệm với Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Hồng Thi
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin bên bức ảnh chụp lưu niệm với Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Hồng Thi


Lần thứ 2 ông Hà Sơn Nhin dự đại hội Đảng toàn quốc là vào tháng 4-2006 (Đại hội lần thứ X). Khi đó, ông là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh. Cũng tại đại hội lần này, ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Sau đó, ông còn tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và XII của Đảng.

Ngắm nghía hồi lâu bức ảnh chụp chung với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Hà Sơn Nhin bộc bạch: “Dù là lần đầu hay nhiều lần được tham dự đại hội Đảng toàn quốc, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc vinh dự, tự hào. Tôi rất vui khi mình đã đưa được tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Gia Lai đến gần hơn với Trung ương; trong đó có việc đầu tư xây dựng các tuyến đường huyết mạch và đưa tượng Bác Hồ về với đồng bào Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung”.

Bà Rơ Chăm H'Yéo-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng bồi hồi khi nhắc nhớ về những lần tham dự đại hội Đảng toàn quốc. Đã nhiều năm trôi qua, song bà vẫn còn cất giữ cẩn thận chiếc ví lưu niệm từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII mà lần đầu tiên bà tham dự. Cạnh đó là tấm phiếu thông báo vị trí ngồi tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX vẫn còn nguyên màu mực. Bà bảo, vì quý, sợ hư hỏng nên cứ để mãi trong ngăn tủ, lâu lâu nhớ lại đem ra ngắm.

Bà H'Yéo tâm sự: “Hai lần tôi dự đại hội Đảng toàn quốc là với vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đi dự Đại hội lần thứ VIII, cả đoàn phải di chuyển ra Hà Nội bằng xe ô tô mất 2 ngày 1 đêm; đến Đại hội lần thứ IX thì đi máy bay nên nhanh hơn. Một kỷ niệm “dở khóc dở cười” khiến tôi nhớ mãi, đó là lần ra Thủ đô dự Đại hội IX, các đồng chí ở Trung ương bố trí phòng nghỉ cho tôi ở chung với anh Nguyễn Vỹ Hà-Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi nhận phòng trước, còn anh Nguyễn Vỹ Hà từ TP. Hồ Chí Minh bay ra trễ hơn. Hỏi ra thì mới vỡ lẽ do các đồng chí ấy nhìn tên tôi cứ nghĩ là đại biểu nam. Vậy là cả đoàn lại được một phen cười vui đáng nhớ”.

 Kỷ vật từ những lần tham dự Đại hội Đảng toàn quốc luôn được bà Rơ Chăm H'Yéo cất giữ cẩn thận. Ảnh: Ảnh: Hồng Thi
Kỷ vật từ những lần tham dự Đại hội Đảng toàn quốc luôn được bà Rơ Chăm H'Yéo cất giữ cẩn thận. Ảnh: Hồng Thi


Gửi gắm nhiều kỳ vọng

Trong ký ức của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các kỳ đại hội Đảng toàn quốc mà họ từng tham dự đều được tổ chức rất chặt chẽ, kỷ cương và diễn ra rất dân chủ, trách nhiệm từ việc góp ý nội dung các văn kiện, bầu cử đến biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội. “Có những đồng chí dù không nằm trong danh sách giới thiệu ban đầu của Ban Chấp hành khóa trước, tự ứng cử tại đại hội hoặc được đại hội giới thiệu bổ sung, sau đó vẫn trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Điều này thể hiện tinh thần dân chủ tại đại hội rất cao”-ông Ksor Phước nhận định.

Cũng theo các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, từng kỳ đại hội đều có sự đổi mới về quy trình, đề ra những vấn đề lớn và nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình đất nước trong từng giai đoạn khác nhau. Nếu Đại hội VIII xác định tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội thì Đại hội IX đã vạch ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 để đưa nước ta vượt qua thử thách tiến vào thiên niên kỷ mới.

Đến Đại hội X, mục tiêu được đặt ra là đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đại hội XI thông qua dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và tiếp tục vạch ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Nhìn lại thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới, Đại hội XII tiếp tục xác định các giải pháp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới nhằm nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn Chủ tịch phiên họp trù bị Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn Chủ tịch phiên họp trù bị Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN


Dõi theo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Ksor Phước đặt nhiều kỳ vọng. Ông mong rằng Đại hội XIII tiếp tục quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc” vì Đảng trong dân, vì dân và cùng dân mới có thể tạo thành một sức mạnh to lớn giúp đi đến mọi thắng lợi. Cùng với đó, cần tiếp tục quyết liệt trong đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên; hình thành cơ chế về giám sát quyền lực, nhất là giám sát quyền lực cao nhất trong Đảng nhằm hạn chế tối đa dấu hiệu bè phái, cục bộ địa phương...

Ông Ksor Phước cũng hy vọng, Đại hội XIII tiếp tục đề ra những quyết sách lớn, đúng đắn và phù hợp để phát triển đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. “Vừa qua, Trung ương đã thông qua dự thảo Báo cáo chính trị xác định lộ trình thời gian đến năm 2045-tròn 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nước ta phải đạt được các mốc thành tựu lớn. Nhìn lại thực tiễn hiện nay, phải khẳng định rằng đất nước đang có bước phát triển rất tốt, dần rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn mới, Đại hội XIII phải xác định lộ trình cụ thể và giải pháp thực hiện, thậm chí nên có những cuộc cách mạng trong phát triển kinh tế-xã hội để bứt phá vươn lên”-ông Phước đề xuất.

Đồng quan điểm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin cho rằng, bản thân vô cùng phấn khởi trước những kết quả mà đất nước ta đã đạt được trong 5 năm qua. Ông kỳ vọng, Đại hội XIII tiếp tục phát huy tinh thần đó, đề ra những sách lược, chiến lược và nghị quyết đúng đắn để xây dựng đất nước, quan tâm hơn nữa đến đời sống của Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Riêng bà Rơ Chăm H'Yéo thì mong muốn Đại hội XIII nêu cao tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu tham dự trên tất cả các nội dung chính; đồng thời, sáng suốt bầu ra Ban Chấp hành khóa mới thật sự trong sạch, trí tuệ, có bản lĩnh chiến đấu cao để “chèo lái con thuyền đất nước vững bước ra khơi trong thời đại mới”.
 

 HỒNG THI
 

Có thể bạn quan tâm