Từ Quảng Nam ra Huế học cách đây cũng đã ngót nghét gần 30 năm, tôi cũng như những đứa bạn ngày đó không lạ gì câu chuyện tàu chợ, còn thân thiết nữa là…
Nghĩ về hành trình “mi mệt, tau mệt – tau mệt, mi mệt” như tiếng bánh tàu nhẫn nại nghiến vào đường ray của tàu chợ miền Trung một thời sao nhớ quá. |
Chừ điều kiện đi lại đã khác nhưng cứ mỗi lần đi đây đó, tôi lại lan man nhớ về tàu chợ. Mà cũng lạ, chỉ ở miền Trung dấu yêu của tôi mới có tàu chợ kiểu vậy để rồi ký ức đẹp đẽ ấy sẽ không xóa nhòa.
Đó là cảnh trốn vé tàu của tôi cùng hai bạn nữa từ Quảng ra Huế. Khi có người kiểm soát vé thì di chuyển từ toa này sang toa khác, cứ thế là đi hết các toa của đoàn tàu. Kinh nghiệm tôi thường đến gần toa cuối, nơi căn-tin tàu, thường làm quen các chị ở toa này, bởi đây hầu hết là phu nhân cán bộ trên tàu, khi bị soát vé các chị nói đỡ cho một tiếng thế là yên chuyện đường về còn xa. Khốn nỗi, cái bụng đói triền miên, gặp các món ăn đang nấu nướng bốc mùi quyến rũ đến khổ sở. Nhớ chuyến nhảy tàu ở ga Liên Chiểu, nơi nhiều người thường bỏ củi xuống nên tàu dằng dai chậm rãi. Đâu biết hôm đó tàu chẳng chịu như mọi lần, bí thế cũng đành phải nhảy…, lần ấy suýt nữa “thôi rồi Lượm ơi”.
Xen kẽ những chuyến nhảy tàu là những chuyến đi tàu, tức là lên ga mua một vé hẳn hoi, xuất phát… Thú thật đó mới là lúc tôi hưởng thụ đầy đủ nhất cái thú đi tàu chợ. Bốn năm học ở Huế tôi đi quá đủ những chuyến tàu chợ miền Trung, nhiều nhất là đi Quảng Trị, Đồng Hới… Nghĩ về tàu chợ trong tôi còn mãi một cảm xúc khó tả. Đó là hình ảnh những toa tàu sờn cũ, những sân ga sau những nhộn nhịp là cả khoảng trống đìu hiu, hoang hoải mờ khuất theo ánh chiều tà, những con người mưu sinh mọi nhẽ trên một toa tàu mà tôi liên tưởng mỗi toa tàu là mỗi một cuộc đời ở đó. Điều thú vị, sau này đọc báo tôi mới biết, đoạn tuyến đường sắt ký ức thời sinh viên tôi thường đi lại giữ kỷ lục về số nhà ga dọc đường. Chỉ 180km có đến 21 nhà ga (Huế - Đồng Hới).
Từ Huế ra ngoài bắc tôi nhớ lần lượt hình như đó là các nhà ga: An Hòa - Văn Xá - Hiền Sỹ - Phò Trạch (Thừa Thiên Huế), Mỹ Chánh - Quảng Trị - Diên Sanh - Đông Hà - Hà Thanh - Tiên An - Vĩnh Thụy - Sa Lung (Quảng Trị), Thượng Lâm - Mỹ Trạch - Phú Hòa - Mỹ Đức - Long Đại - Lệ Kỳ…, ra ngoài Ba Đồn có Minh Lệ, ra ngoài Tuyên Hóa có Đồng Lê… (Quảng Bình). Từ Huế về Đà Nẵng là: An Cựu - Hương Thủy - Phú Bài - Truồi - Đá Bạc - Cầu Hai - Nước Ngọt - Thừa Lưu - Lăng Cô - Hải Vân Bắc - Hải Vân Nam - Liên Chiểu - Kim Liên - Thanh Khê - Đà Nẵng. Mỗi tên ga một nỗi nhớ mơ hồ.
Đi tàu chợ thích nhất vẫn là ngồi bên cửa sổ. Tôi có thể đứng hàng giờ hoặc ngồi giờ này sang giờ khác bên cửa sổ chỉ để nhìn ra ngoài, và mặc kệ cho cảnh vật trước mắt cứ thế phóng vào tầm mắt, rồi lại trôi về phía sau. Thú nhất là có người bạn ngồi bên lai rai ly rượu với mấy món nhắm ngay trên tàu, giản đơn đôi cây chả bằng hai ngón tay, con khô mực bé tẹo, bao thuốc đầu lọc rẻ tiền là cả niềm mơ ước thần tiên… Đúng là cảnh miền Trung đất nước mình đẹp quá, nhiều nơi tàu qua vẫn còn là những vùng đất còn hoang sơ như cội nguồn đất nước ngày mới sinh sôi.
Thời sinh viên đói và lúc buồn quá tôi lại rủ thêm đứa bạn nhảy tàu…, thế là đi qua một “ải trần gian” một cách nhẹ nhõm. Lan man tàu chợ, tôi nhớ trong ga Đông Hà, Quảng Trị phía trước có quán cà phê Lệ Xuân chuyên mở những bản tình ca trước 1975 buồn và tâm trạng. Sau mấy lần đi nữa quán đổi tên nhưng nhạc thì không đổi. Lạ, ở ga người ta thường nghĩ về những chuyện chia ly, đến và đi đầy vướng víu. Và với tôi cũng vậy, những lúc như thế tôi lại suy nghĩ về hai câu thơ cuối trong bài “Những bóng người trên sân ga” của nhà thơ Nguyễn Bính viết từ những năm 1937 của thế kỷ trước: “Sao nhà ga ấy, sân ga ấy/ Chỉ để cho lòng dấu biệt ly”. Nghĩ về hành trình “mi mệt, tau mệt – tau mệt, mi mệt” như tiếng bánh tàu nhẫn nại nghiến vào đường ray của tàu chợ miền Trung một thời sao nhớ quá...
Võ Văn Trường (TNO)