Trà Khê (Tây Trà, Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm trong vùng rừng núi giáp với tỉnh Quảng Nam, từ lâu đã được “mệnh danh” là “xã nghèo nhất nước”.
Đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước, chăn nuôi và làm rẫy. Xã có 435 hộ, với hơn 1.000 khẩu, nhưng hộ nào cũng nghèo. Số hộ nghèo trong xã chiếm tới hơn 95%. Vì thế, HS nơi đây hầu hết đều thuộc con em hộ nghèo.
Nơi ấy, con em HS của gần 440 hộ dân đều có sổ hộ nghèo này ngày ngày cần mẫn tìm cái chữ. Những người giáo viên lặng lẽ hàng chục năm dâng tuổi xuân của mình nơi hoang vắng, bởi cái nghiệp cầm phấn đã gắn họ với lũ trò nghèo ở vùng cao.
Gian nan đường tìm con chữ
Trường Tiểu học Trà Khê với 5 điểm trường nằm tản mát ở khắp nơi trong xã, để thuận tiện cho HS nơi đây dễ đến lớp trong vòng một tiếng đồng hồ. Nếu để các em từ trong làng ra điểm trường chính học, khi đường ô tô không có, thì chắc hẳn chẳng một em nào đến được trường hằng ngày.
Thầy Võ Phúc Huy, Hiệu phó trường tiểu học ngậm ngùi: “Trà Khê là xã khó khăn nhất tỉnh Quảng Ngãi, giao thông chưa có nên việc học tập của con em đồng bào nơi đây rất gian nan. Tại đây có 5 điểm trường nằm sâu trong núi rừng. Đời sống giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì lòng yêu nghề và thương trẻ nên ai cũng cố gắng trụ lại.
Để có được ngôi trường như hiện nay, các thầy cô giáo đã phải cùng người dân cõng từng viên gạch, từng bao xi măng, từng tấm ván gỗ về xây trường. Những ngày đầu, HS đi học không nhiều, không đều như bây giờ, thầy cô giáo phải thay nhau đến từng gia đình động viên các em!
Tôi theo thầy Võ Phúc Huy, Hiệu phó trường tiểu học này đến thôn Sơn, nơi thuộc diện nghèo nhất xã. Chúng tôi vào trường, sau giây phút ngỡ ngàng vì lâu lắm mới thấy ...người dưới xuôi lên đây, các giáo viên trong trường ùa ra người thì đỡ ba lô, người vỗ vai, người xách nước cho chúng tôi rửa mặt thân mật như người nhà.
Chúng tôi nhìn vào trong lớp học, trời mùa đông vùng núi cao mà có em áo mặc chưa đủ ấm, có em quần áo lấm lem bùn đất vì phải vượt cả một quãng đường xa để tới lớp trong mùa mưa này. Ngồi trong lớp học mà các em cứ co ro vì cái lạnh của vùng cao thấy mà thương quá.
Những thầy cô giáo công tác ở đây từ 5 năm trở lên sẽ được chuyển vùng, chuyển về dưới xuôi với điều kiện tốt hơn nhiều, nhưng: “Cái đất, cái tình người ở đây cứ quện lấy mình rồi. Đi thì nhớ lắm! Có thầy cô giáo ban đầu định bỏ nghề rồi vì không chịu đựng nổi với những khó khăn này, nhưng về dưới xuôi mấy bữa lại thấy khăn gói lên lại. Bảo rằng nhớ rừng, nhớ đất, nhớ người trên này quá không chịu nổi, một cô giáo đã đứng tuổi chia sẻ.
Dâng tuổi xuân nơi vùng cao
Giáo viên ở xã nghèo Trà Khê cũng vô vàn nhọc nhằn. Nhà công vụ là những phòng tạm vách lồ ô, nếu tường xây gạch thì cũng đầy loang lổ, có thể sập bất cứ lúc nào. Điểm trường thôn Sơn nghèo nhất xã này có 3 thầy và 2 cô giáo. Cả 5 giáo viên ở chung một căn phòng ọp ẹp rộng chưa tới 15m2. Chỗ nghỉ giữa thầy và cô được ngăn bởi tấm rido bằng vải.
“Ban đầu lên đây, giữa núi rừng heo hút, tôi buồn lắm! Có lần về dưới xuôi định không lên nữa, nhưng rồi lại thấy nhớ những đôi mắt đợi trông của học trò, thương người dân còn nhiều cực nhọc, tôi lại khăn gói lặn lội lên đây. Nhìn những gương mặt mong mỏi đợi trông của các em khi thấy mình trở lại mà thương trào nước mắt các anh ạ!”, thầy giáo Nguyễn Công Trí, quê miền biển nói mà đôi mắt rưng rưng.
Thông tin liên lạc, một nhu cầu thực tế mà thời nay ai cũng cần. Nhưng ở vùng núi này xem là chuyện hiếm hoi. Mỗi lần có ai đó xuống được dưới xuôi, trong ba lô bao giờ cũng là lặc lè những báo, sách, tạp chí đủ loại. Anh em có được tờ báo đọc, nhịn ăn nhịn uống đọc nát mới thôi và lại chờ báo “mới” của chuyến sau.
Đêm trên vùng sơn cước, cái lạnh và cái buồn cứ bủa vây trong cơn mưa rừng rả rích. Một thầy giáo trẻ cất lên giai điệu boléro buồn buồn từ chiếc guitar thùng đã tróc hết lớp verni bên ngoài. Anh hát những bản tình ca về quê hương, về cùng đất anh đã lớn lên, về cả miền núi rừng nơi anh đang sống và công tác. Tôi hiểu.
Những con người nơi đây phải gắng gượng lắm để vượt qua được hết nỗi buồn, sự thiếu thốn và cả những mong ước rất giản dị của mình. Bởi nếu không có được sự dũng cảm, có lẽ chẳng còn ai có thể trụ nổi được đến tận bây giờ. Tất cả họ, và tất cả những người đang dâng hiến tuổi xuân của mình nơi hoang vắng trên dải đất hình chữ S này đều xứng đáng được vinh danh.
Minh Ngọc - Vân Anh/GDTĐ