Kinh tế

Nhóm chung sở thích trồng cà phê xã A Dơk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lựa chọn những lợi thế của địa phương, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, các nhóm chung sở thích (CIG) thuộc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh đã giúp người dân nâng cao nhận thức, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập trên diện tích đất của mình. Trong đó, nhóm chung sở thích trồng cà phê của xã A Dơk (huyện Đak Đoa) là một trong những điển hình sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị liên kết phát triển bền vững.

 Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê. Ảnh: N.D
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê. Ảnh: N.D

Xã A Dơk có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với các xã khác trên địa bàn huyện Đak Đoa. Năm 2011, cùng với các xã: Kon Gang, Trang, Ia Pết, Hà Đông, xã A Dơk được chọn tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) với mục tiêu giúp người dân nơi đây tiếp cận phương thức sản xuất mới: sản xuất theo chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, tìm đầu ra ổn định sản phẩm.    

Xác định cây cà phê là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, Ban Phát triển xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân học tập, ứng dụng vào sản xuất. Nhiều nông dân đã mạnh dạn tham gia các nhóm chung sở thích trồng cà phê phát triển thành chuỗi liên kết. Trong đó, dự án hỗ trợ tìm các đầu mối cung cấp phân bón và vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi giúp người dân chăm sóc và bón phân đúng thời điểm. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá cao hơn giá thị trường, đồng thời giúp các nhóm từng bước xây dựng thương hiệu cà phê theo tiêu chuẩn “4C”.

Anh Du (thành viên nhóm chung sở thích trồng cà phê làng Biă II) cho biết: “Nhóm trồng cà phê của làng gồm 20 hộ, có diện tích cà phê liền kề nhau 7,6 ha. Nhóm được hỗ trợ 120 triệu đồng giúp các thành viên lựa chọn mua phân bón và các loại vật tư khác với giá ưu đãi, sau đó cấp phát theo diện tích từng hộ. Đây là cách làm thuận lợi cho việc chăm sóc cây cà phê kịp thời vụ. Hàng tháng, nhóm đều tổ chức họp để trao đổi kinh nghiệm và học tập cách làm hay, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để sản xuất đạt năng suất cao, đảm bảo chất lượng cho đơn vị thu mua. Nói chung, việc tham gia nhóm chung sở thích rất tốt và hiệu quả”.

Nét nổi bật trong hoạt động của các nhóm chung sở thích trồng cà phê xã A Dơk là hàng tháng các thành viên trong nhóm đều đóng góp vào quỹ một số tiền nhỏ, tích lũy cho các hộ nghèo trong nhóm vay. Cuối năm, sau khi bán sản phẩm, các hộ này mới trả lại cho nhóm. “Đây là một trong những cách làm hay và mới của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh giúp hộ nghèo yên tâm sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã góp được khoảng 8 triệu đồng cho 4 hộ nghèo nhất trong nhóm vay để sản xuất và đã trả lại số tiền này cho các thành viên khác vay tiếp”-ông Bưm (nhóm trưởng nhóm chung sở thích làng Piơng) cho biết.

Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Phát triển xã A Dơk Lê Trọng Đoàn cho hay: Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn thực hiện trên địa bàn xã được người dân rất ủng hộ tham gia nuôi heo, bò… Đặc biệt, nhóm chung sở thích trồng cà phê phát huy hiệu quả rất tốt, sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định… Có thể nói, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, năng suất cây cà phê được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân…

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm