Bởi mỗi lần tham gia giải cứu, những người lính giáp mặt với kẻ buôn người, chúng manh động, sẵn sàng xả súng bất cứ lúc nào.
Trực tiếp vào hang cọp
Gắn bó nhiều năm với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, Trung tá Phan Văn Yên - Phó trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hằn in những ký ức buốt nhói về các nạn nhân của tội phạm mua bán người được giải cứu về Việt Nam. “Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh và bị lừa đảo khác nhau, nhưng họ chung nỗi đau về thể xác, tinh thần khi bị đánh đập, bị ép làm việc, giam giữ”, Trung tá Yên nói. Lấy trong tủ ra những lá đơn kêu cứu, thư cảm ơn của các nạn nhân gửi Bộ đội Biên phòng, Trung tá Yên chia sẻ, còn nhiều người vẫn đang chịu cảnh ép buộc lao động nơi xứ người chờ giải cứu. Trong số những nạn nhân được Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ giải cứu vừa qua, có những trường hợp bị lừa bán qua nước ngoài khi còn nhỏ, chỉ mới 12, 13 tuổi. Và khi được giải cứu trở về, những cô bé ngày ấy đã trưởng thành, nhưng tâm lý bị tổn thương nặng nề, thể xác bị hành hạ để lại những vết sẹo trên cơ thể.
Trung tá Phan Văn Yên - Phó trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh |
Trung tá Yên có một quá trình dài làm việc tại Cửa khẩu Cầu Treo, giáp ranh với biên giới Lào, là người hiểu rõ từng địa hình, khu vực, đây cũng là điều kiện “mở đường” trong việc tham gia đánh án và giải cứu nạn nhân trong đường dây mua bán người thời gian qua. Khoác trên vai màu áo người lính, Trung tá Yên nói, mỗi lần nhận lá đơn cầu cứu cả các nạn nhân, người lính biên phòng phải vắt óc, căng mình để tính phương án. Giải cứu người rất cấp bách, song điều cốt lõi nhất là “giải cứu làm sao để nạn nhân được an toàn”. Đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ khi tham gia trong chuyên án.
Những lá thư cảm ơn của nạn nhân gửi đến Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh |
“Căng thẳng, áp lực lắm. Chỉ lo sơ suất, tính mạng của các nạn nhân bị đe doạ”, Trung tá Yên cho hay. Ở đây không chỉ là ma túy, mà nhiều công ty lừa đảo lập nên những công ty “ảo” như tư vấn xuất khẩu lao động, giải trí, làm đẹp… nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Được xem như là người có bản lĩnh, tinh thần thép, song khi tiếp cận các nạn nhân, nghe câu chuyện, xem hình ảnh bị bạo lực Trung tá Yên rợn người. “Ở đây, những nạn nhân bị ép làm việc. Có những em về đến cửa khẩu Cầu Treo là òa khóc, nhìn trên tay, chân đầy sẹo, là hiểu những nỗi đau mà các em đã trải qua khổ sở thế nào”, Trung tá Yên cho biết.
Điều hành hoạt động trong khu Bokeo có nhiều đối tượng cộm cán, bị truy nã về tội phạm nguy hiểm, chúng luôn có súng, dao kề bên người. Nơi nhóm buôn người hoạt động bí mật, bên trong xây kiên cố, người “không phận sự”, không tự ý vào được bên trong. Mặt khác, khu Bokeo có chế tài hoạt động riêng, ngành chức năng muốn vào kiểm tra cũng khó. “Ở đây có khoảng 100 toà nhà, vì thế để xác định vị trí các nạn nhân đang ở là rất khó. Vì thế những người tham gia trong chuyên án sử dụng nghiệp vụ riêng để vào bên trong, vừa giải cứu, nhưng phải đảm bảo an toàn cho các nạn nhân”, Trung tá Yên chia sẻ.
Lộ diện
Những kẻ buôn người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ |
Khi chuyên án đưa ra, những người lính trinh sát tham gia phải là người nhanh nhạy, giỏi nghiệp vụ và bản lĩnh. Có đầy đủ những yếu tố đó, việc giải cứu nạn nhân mới đảm bảo được an toàn. Theo lời kể của cán bộ biên phòng, mỗi khi có đơn cầu cứu, được lệnh chỉ đạo từ cấp trên, những người lính bên kia biên giới bắt đầu hỗ trợ cùng công an Lào, lân la vào bên trong với một vỏ bọc khác để tiếp cận, lên phương án cứu người. Những lần vào hang ổ hoạt động của nhóm buôn người, những người lính phải chuẩn bị tư tưởng, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống. Bởi những lần chạm mặt với các đối tượng buôn người, người chiến sĩ phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trực tiếp tham gia 2 lần giải cứu người trong chuyên án, Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng - cán bộ Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Có những cuộc giải cứu kéo dài cả tháng trời. Dù lo lắng, nóng ruột nhưng không thể vội vàng. Mỗi lần giải cứu thành công, chúng tôi mới bớt đi gánh nặng trong lòng”. Nhìn lại những lá thư cảm ơn mà các nạn nhân gửi đến Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Thiếu tá Hùng vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi bên kia biên giới, vẫn còn rất nhiều nạn nhân chưa thể giải cứu được. “Những nạn nhân được giải cứu về nước họ thay đổi cuộc đời mới. Cũng có những người giải cứu được nửa đường, khi sắp về đến Việt Nam thì bị bắt giữ lại, đến nay vẫn chưa thể liên lạc được”, Thiếu tá Hùng cho biết.
Vào tháng 5 vừa qua, sau gần 1 tháng điều tra, Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Công an Hà Tĩnh cùng ngành chức năng phá thành công chuyên án mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt giữ 4 đối tượng. Ngành chức năng xác định, Lê Xuân Thành (SN 1989); Lê Anh Tuấn (SN 1990), trú xã Kỳ Lợi; Dương Anh Điện (SN 1986), trú phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Lê Thanh Trầm (SN 1978, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là những đối tượng cầm đầu đường dây. Việc bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây đã giải cứu thành công 36 công dân Việt Nam từ Đặc khu kinh tế Bokeo ở Tam giác vàng (Lào) về nước an toàn.
Công an Hà Tĩnh cho biết, từ cuối năm 2023, Lê Xuân Thành và Lê Anh Tuấn sang Lào làm việc cho một tổ chức tội phạm người Trung Quốc tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc tỉnh Bokeo - Lào với nhiệm vụ thông qua mạng xã hội lừa đảo người Việt Nam đầu tư vào các app lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 11/2023 đến 4/2024, Thành và Tuấn được giao nhiệm vụ quản lý, tìm kiếm người từ Việt Nam đưa sang hoạt động nên chúng đã thông qua mạng xã hội tuyển dụng người sang Thái Lan lao động “việc nhẹ lương cao”. Với phương thức, thủ đoạn đó Thành và Tuấn đã đưa 22 người Hà Tĩnh qua cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đến Đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc tỉnh Bokeo, Lào giao cho các đối tượng Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, từ năm 2023 đến nay, lực lượng này đã phối hợp với Công an Hà Tĩnh, ngành chức năng Lào tổ chức giải cứu 93 nạn nhân. Trong số đó, từ đầu năm 2024 đến nay, giải cứu 75 người từ Đặc khu Kinh tế Bokeo (Lào) về. Đây là con số lớn nhất từ nhiều năm qua trong đường dây lừa đảo, buôn người qua khu vực biên giới Hà Tĩnh.