Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Những ai không nên ăn rau muống?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong các loại rau, tôi rất thích ăn rau muống, cả nấu chín và ăn sống, tuy nhiên không rõ là có trường hợp nào cần kiêng rau muống không? (Vân An, 36 tuổi, ở Bình Dương).
Bác sĩ chuyên khoa 2, Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị khám Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, trả lời:
Trước hết xin khẳng định rau muống nói chung chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như nhiều chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, threonin, valin, leucin..., tốt cho những người kém ăn, thiếu chất đạm, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhờ tác dụng hạ đường huyết.
Theo đông y, rau muống tính hơi lạnh (tính này giảm khi nấu chín), có tính nhuận tràng nhẹ. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, rau muống được xếp vào nhóm thuốc điều trị bệnh tiêu hóa, lợi mật, điều trị vàng da và bệnh gan. Do giàu sắt, rau muống tốt cho người thiếu máu, phụ nữ mang thai.

Rau muống giàu sắt không tốt cho người bệnh sỏi thận, người uống thuốc đông y có thành phần thục địa sinh địa. Ảnh: Shutterstock
Rau muống giàu sắt không tốt cho người bệnh sỏi thận, người uống thuốc đông y có thành phần thục địa sinh địa. Ảnh: Shutterstock
Có ý kiến cho rằng ăn rau muống có gây sẹo lồi. Tuy nhiên đây là kinh nghiệm dân gian, chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều này cả, sẹo lồi hay không còn do cơ địa mỗi người. Nếu lo lắng thì có thể tránh ăn và ăn loại rau khác.
Ngoài ra có một số khuyến cáo về uống thuốc đông y nên kiêng rau muống. Tuy nhiên điều này còn tùy hướng dẫn của thầy thuốc, không phải dùng thuốc đông y nào cũng phải kiêng rau muống. Kiêng là do e ngại sự tương ố (ác chế lẫn nhau, khi phối hợp hai loại thuốc với nhau làm giảm hoặc mất đi tác dụng của vị thuốc này bởi vị thuốc còn lại), tương phản giữa các vị thuốc hay với thực phẩm mà có tác dụng không tốt.
Như vị thuốc thục địa, sinh địa thì cần phải kiêng rau muống vì trong rau muống có sắt phản ứng với thục địa và sinh địa làm chất độc có thể gây suy thận, độc hại với thận. Phần lớn các bài thuốc bắc đều có thục địa hoặc sinh địa.
Người có sỏi thận nên hạn chế rau muống vì hàm lượng oxalate cao, oxalate tích tụ gây nên sỏi.
Không nên ăn sống rau muống vì khi không được trồng theo quy trình sạch thường có nhiều ký sinh trùng như sán lá, có kim loại nặng, hóa chất có thể gây ngộ độc.
Theo Lê Cầm (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm