Phóng sự - Ký sự

Những bác sĩ 115 trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một buổi sáng ở Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng chi nhánh quận Hải Châu, các y - bác sĩ đang bàn giao ca.

Bỗng điện thoại trong văn phòng gấp gáp: MRCC2 thông báo có một ca tai nạn trên biển cần tư vấn gấp.

MRCC2 là Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2. Nhiều năm nay, MRCC2 luôn gắn bó với 115 Đà Nẵng: mỗi khi ngư dân gặp nạn ngoài khơi hoặc tàu hàng nước ngoài cần cứu hộ, êkip bác sĩ luôn có mặt, đạp sóng ra khơi cứu người.

 

Bác sĩ trong
Bác sĩ trong "biệt đội 115" Đà Nẵng cấp cứu một ngư dân trên biển.

Vượt sóng đêm cứu "kép"

Lần này, bệnh nhân là thuyền viên Huỳnh Văn Linh (45 tuổi), đang hành nghề đánh bắt trên vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Linh bị ngã từ trên giàn cao xuống khi đang làm việc, giập ngực, hôn mê.

Khi tiếp nhận tư vấn ca bệnh, bác sĩ Đào Đức Hùng và êkip trực của 115 chi nhánh quận Hải Châu hội chẩn và nhận định: phải cấp cứu ngay bởi tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm.

Ngay khi có tư vấn từ kíp hội chẩn từ xa, MRCC2 quyết định điều động tàu Sar 412 lên đường cứu nạn đồng thời yêu cầu tàu QNa 90974 TS chạy về phía bờ biển Đà Nẵng. Bác sĩ Hùng đích thân ra khơi cấp cứu cho người gặp nạn.

Tàu SAR 412 vừa ra khỏi mũi Sơn Trà, bác sĩ Hùng chỉ kịp nhắn tin cho vợ báo đi Hoàng Sa rồi lên giường... nằm, chờ những con sóng mùa biển động quăng quật.

Anh cười hiền: "Chuyến đi biển nào tôi cũng say sóng nằm liệt. Tôi chỉ uống sữa và uống thuốc, nằm cầm chừng. Khi nào tàu cá tiếp cận tàu cứu hộ, tôi mới xuống canô qua thăm khám và cho cáng đưa nạn nhân về thuyền cứu nạn quay vô bờ".

Chuyến đi ấy, bác sĩ Hùng và thủy thủ đoàn MRCC2 không chỉ cứu một mình thuyền viên Linh. Khi tàu ra được vài chục hải lý tiếp tục nhận được thông tin thuyền viên tên Đặng Ngọc Vũ (41 tuổi) ở một tàu cá khác đang gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa.

Trước tình huống khẩn cấp này, MRCC2 đã lệnh cho SAR 412 cứu nạn đồng thời hai thuyền viên.

Khi SAR 412 đến được khu vực tọa độ của các tàu bị nạn thì đã tối mịt. Trong đêm tối, bác sĩ Hùng xuống canô cứu nạn, di chuyển đến từng tàu cá có người bị nạn, băng bó, cứu thương và làm tất cả những điều cần thiết, chạy đua với thời gian...

Lúc trở về tàu đã 23h đêm. Sau khi các nạn nhân nằm ổn định trên tàu, bác sĩ Hùng tiêm thuốc, truyền dịch rồi... lăn ra nằm cùng bệnh nhân vì kiệt sức.

Tốt nghiệp trường y cách đây gần 10 năm cũng là lúc bác sĩ Hùng gắn với việc tháp tùng những chuyến ra khơi cứu người. Trong kỷ niệm nghề của mình, anh nói có lần sau khi ra khơi về đã thổ huyết, nhưng chưa bao giờ anh từ chối nhiệm vụ.

Bù lại, bác sĩ Hùng tự hào: "Mấy ai được nhìn ngắm ráng chiều hoàng hôn trên vùng biển Hoàng Sa như tôi".

 

 

Những hi sinh thầm lặng

Tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, ngoài bác sĩ Hùng còn có gần 20 bác sĩ cũng luôn túc trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu trên biển. Trong đó thường xuyên nhất có 10 người, gọi là "biệt đội Hoàng Sa".

Bác sĩ Nguyễn Cứ, phó phòng hành chính tổng hợp Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, kể: năm 2007, khi MRCC2 có mặt tại thành phố cũng là lúc chuyến đi biển đầu tiên của ông bắt đầu.

"Tôi vẫn nhớ chuyến cấp cứu đầu tiên ấy mãi đến bây giờ vì nó quá đặc biệt. Lần đầu tiên ra biển nhưng tôi phải trèo lên tàu bằng thang dây cao gần 20m. Chỉ riêng điều ấy đủ là một thử thách với bác sĩ" - bác sĩ Cứ kể.

Đó là chuyến đi cứu thuyền trưởng một tàu hàng Ấn Độ. Vị này trong tình trạng theo dõi nhồi máu cơ tim khi tàu cách Đà Nẵng chừng 75 hải lý. Khi tàu đến nơi là lúc trời chiều, con tàu hàng cao chót vót so với chiếc xuồng cao su.

Để tiếp cận được nạn nhân, một thang dây dài hơn 20m được thả xuống, các bác sĩ trèo lên, rồi bó bệnh nhân vào băng ca, dòng dây đưa xuống tàu cứu hộ.

Bác sĩ Cứ giải thích: trường hợp xấu, băng ca có đệm cao su có thể... nổi trên biển! Bác sĩ Cứ chính là người được ngắm Hoàng Sa cả trong hoàng hôn lẫn bình minh nhiều nhất với gần 20 chuyến ra khơi.

Còn với bác sĩ Huỳnh Đức Thành, những chuyến đi qua đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) luôn là những kỷ niệm khó quên.

Trong một lần cứu ngư dân trên tàu câu mực cách Đà Nẵng hơn 350 hải lý, chuyến đi của tàu kéo dài gần hai ngày và qua vùng đảo bị Trung Quốc chiếm đóng.

Khi tới đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục áp sát tạo áp lực. Thuyền trưởng phải thông báo đây là tàu cứu nạn ngư dân, mọi chuyện mới suôn sẻ.

Chuyến đi ấy là chuyến đi biển cứu hộ dài nhất của bác sĩ Thành: vừa đi vừa về mất bốn ngày.

Lần đó, sau khi xử lý và cho bệnh nhân thở oxy cũng là lúc các nhân viên trên tàu cứu hộ chuẩn bị cho bác sĩ Thành một chiếc giường vì anh lả dần.

"Tổng cộng bốn ngày nhưng tôi chỉ ăn một bữa và cầm cự bằng sữa" - anh Thành cười.

Bác sĩ Thành cho biết nhóm bác sĩ trong "biệt đội" ai cũng chuẩn bị sẵn cho mình vài bộ áo quần và thuốc bổ, bởi nhiều lúc việc ra khơi vội đến mức không kịp nhắn tin cho gia đình.

Cứ thế, những chuyến ra khơi chực chờ mỗi khi có đồng bào gặp nạn…

 

Người đồng hành tin cậy

Tàu SAR 412 và xuồng cứu nạn đưa bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng tiếp cận tàu ngư dân gặp nạn.
Tàu SAR 412 và xuồng cứu nạn đưa bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng tiếp cận tàu ngư dân gặp nạn.
Suốt hơn 10 năm đồng hành cùng MRCC2 ra khơi cứu người, các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã thực hiện gần 100 chuyến đi biển.

Ông Bùi Tân Nguyên, giám đốc MRCC2, chia sẻ: "Không được đào tạo để đi biển, nhưng các bác sĩ đều... nếm trải tất cả hương vị của biển. Có những chuyến đi tôi thấy các anh ấy nôn ra mật xanh mật vàng vì sóng, nhưng hễ thấy tàu cá có ngư dân bị nạn là các anh gượng dậy ngay".

Ông nói: "Trong sóng gió, các anh là người đồng hành tin cậy trong các hoạt động thực thi nhiệm vụ cứu người trên biển của chúng tôi".

Trường Trung/tuoitre

Có thể bạn quan tâm