Phóng sự - Ký sự

Những con đường kể chuyện lòng dân - Bài 1: Đường dài theo mùa lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Đồng bằng sông Cửu Long ước tính có khoảng 5.300km kênh rạch. Sau hàng chục năm ròng rã xây dựng, đến nay bao nhiêu kênh rạch là bấy nhiêu con đường nối liền. Những con đường đó có thể rộng 3,5m, cũng có thể hẹp chỉ 1,5m, nhưng sẽ vững bền theo năm tháng vì đường “thuận theo lòng dân, từ lòng dân mà ra”…

“Xây dựng giao thông nông thôn ở ĐBSCL, cụ thể là làm những con đường, phải qua mấy mùa mưa - nắng mới hoàn thành. Tiến độ không theo kế hoạch, mà theo… mùa lúa. Đa phần bà con không có sẵn tiền, nên giống như mua phân bón, thuốc trừ sâu, bà con nợ luôn phần tiền đóng góp làm đường tới khi thu hoạch lúa sẽ trả”, ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ.

Làm đường trả… góp!

Thầy Nguyễn Văn Tiến (62 tuổi, ngụ xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Mong Thọ A, kể, trước khi làm đường, trẻ em nông thôn đi học chủ yếu bằng xuồng. Trường Tiểu học Mong Thọ A có 2 điểm lẻ, mỗi điểm cách nhau 5-6km. Mùa khô thì học trò “cuốc bộ” tới lớp, còn mùa mưa thì phải đi xuồng. Bữa nào có ba mẹ ở nhà thì tự đưa con đi học, nhưng thường là phụ huynh bận đi làm nên giao luôn việc đưa đón con em cho… thầy cô giáo.

“Tuy đưa đón học trò vất vả, nhưng được cái là ít có trẻ em bỏ học giữa chừng. Có lẽ gia đình các em thấy các thầy cô cực khổ quá nên cũng ráng cho con cái được đi học”, thầy Tiến nói vui.

Con đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở xã Mong Thọ A (huyện Châu Thành, Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Con đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở xã Mong Thọ A (huyện Châu Thành, Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Bà Trần Thanh Thủy (57 tuổi, xã Mong Thọ A) chia sẻ, làm đường là mong mỏi của bà con, nhưng tiền đâu để làm thì không ai biết. Khoảng năm 2015, chính quyền xã Mong Thọ A vận động bà con làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ban đầu làm đường liên ấp, lấy “nền” từ con đường mòn sình đất lầy lội có sẵn, đào đất dưới kênh đắp cho cao lên rồi đổ bê tông.

“Đường rộng 1,5m vừa đủ 2 xe đạp qua mặt. Chỗ nào chưa đủ 1,5m thì bà con nới hàng rào trước nhà dời vô, hiến thêm đất cho đủ. Nhà nào có tiền thì góp nhiều, nghèo quá thì chịu góp công. Vật tư thì lãnh đạo ấp, xã đứng ra bảo lãnh vựa vật liệu bán thiếu, tới mùa lúa bà con trả dần. Ấp tui làm có 3 cây số đường mà mất hơn 2 năm mới xong”, bà Thủy kể.

Chỉ con đường bê tông thẳng tắp trước cửa nhà, ông Thái Văn Bảnh (65 tuổi, ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nói, đường này trước đây nhỏ hẹp lắm, chỉ là lối đi liên ấp để ra quốc lộ 54, hay để các thương lái chạy xe gắn máy vô thu mua trái cây của bà con trong vùng. Mùa khô còn được vậy, chứ mùa mưa đường sình lầy lội chỉ còn cách chạy vỏ lãi dưới kênh.

Theo ông Bảnh, làm đường là chuyện lớn lao vì tốn kém, nhưng có đường thì trẻ em đi học dễ dàng hơn, cây trái được đưa ra chợ thuận tiện hơn. Đêm hôm nhà nào có người ốm đau bệnh tật chở đi bệnh viện cũng nhanh hơn.

“Bước đầu cũng tốn kém nhưng mình được cái lợi về sau. Giờ bà con có bị bệnh, xe cấp cứu vô được tận nơi để đón, rất thuận tiện… Cho nên mới thấy, mình hy sinh lợi nhỏ trước mắt mà được cái hậu, lợi ích chung không chỉ cho xã hội mà cho cả gia đình mình quá lớn nên tiếc gì một chút đất mà mình không hiến để đóng góp cho quê hương xứ sở”, ông Bảnh tâm sự.

Ông Võ Minh Luận (63 tuổi, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), là cựu chiến binh, cũng là đảng viên gương mẫu của địa phương, cho biết, khi tiếp nhận thông tin địa phương triển khai mở rộng tuyến đường qua khu dân cư, ông bàn bạc với gia đình, tự nguyện hiến đất để làm đường. Sau khi đo đạc, ông Luận hiến tổng cộng 500m² đất ruộng và 350m² đất thổ cư, tính giá trị cũng tiền tỷ.

“Thôi đừng tính giá trị đất, nếu tính có khi làm lòng người chao đảo… Nếu mà tính vậy mình không làm được đâu, mình làm đường mình đi chứ ai đi mà tính…”, ông Luận cười nói khi chúng tôi hỏi về giá đất đã hiến để làm đường.

Nếu các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… có phong trào làm đường giao thông nông thôn khá sớm, thì tỉnh cuối trời phương Nam là Cà Mau lại khởi động muộn hơn.

Trồng hoa tạo cảnh quan ven đường ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC PHÚC

Trồng hoa tạo cảnh quan ven đường ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ông Tám Đàn (Lê Văn Đàn, ngụ xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho hay: “Chính quyền địa phương đã họp dân và dự kiến trong năm nay sẽ xây dựng tuyến đường bê tông Bào Vuông ngang 3m. Vì vậy, chúng tôi cần phải chuẩn bị mặt bằng nền đất rộng 5m. Bà con tranh thủ mùa khô thuê xe cuốc múc đồng loạt. Riêng tôi thuê xáng múc, thuê đổ bê tông chống sạt lở hết 10 triệu đồng. Khi múc xong, tôi mất hơn 5 ngày công ban đất cho bằng phẳng và phơi cho mau khô để sau này làm đường cho dễ”.

Đường nối tương lai

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần khẳng định, quan điểm hiện đại là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đạt ba mục tiêu: “Nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”.

Để đạt được điều này thì việc làm đường giao thông nông thôn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa là rất quan trọng. Khi hạ tầng giao thông thuận lợi thì việc làm ăn, đi lại, cuộc sống của bà con thay đổi rất nhiều.

Ông Dương Văn Hùng (cựu chiến binh 67 tuổi, ngụ xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Đi trên những con đường bê tông bằng phẳng, chạy xe 50-60km/giờ như ngày nay, ít ai có thể hình dung đầy đủ giá trị to lớn mà đường sá đem lại cho thôn quê. Giá trị của nó lớn lắm, cứ hình dung, thời nay mà chèo xuồng, chạy vỏ lãi dưới kinh thì bao giờ nông thôn mới hội nhập. Phải có đường mới được. Hai bên bờ kênh xáng này thôi, một bên đường rộng, một bên đường hẹp đã khác xa nhau. Bên đường rộng phát triển hơn, xe du lịch, xe tải chạy vô ra rần rần, cũng có nghĩa là hàng hóa lưu thông thông suốt, người dân có điều kiện kinh tế nhiều hơn”.

“Làm đường nói khó vậy chứ còn dễ hơn làm cầu. Kênh rạch chằng chịt, không có cầu thì đường không thông. Tỉnh nào cũng phải phát động phong trào xóa cầu khỉ. Kinh phí xây cầu nhà nước bỏ ra phần lớn, còn lại vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân tài trợ. Nếu bây giờ mà ngồi thống kê lại, cả vùng ĐBSCL có lẽ đã xây dựng được hàng trăm ngàn cây cầu nông thôn rồi cũng nên”

Ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).

Theo Bộ NN-PTNT, trong hơn 10 năm qua, tổng số vốn đầu tư cho giao thông nông thôn tại ĐBSCL đạt gần 49.000 tỷ đồng, xây dựng mới được 13.562km đường giao thông các loại, bao gồm: đường huyện khoảng 1.151km; đường xã khoảng 10.269km; đường liên ấp khoảng 2.142km. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng mới được 5.369 cây cầu và nhiều công trình cống ngăn mặn…

Con số thống kê thì khô khan, nhưng nó thể hiện cả một quá trình đổi thay của vùng đất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Từng con đường, cây cầu ôm trọn đồng lúa, vườn cây, ao cá, nối liền ước mơ đổi đời của gần 20 triệu nông dân vùng ĐBSCL.

Đường là điểm tựa, là động lực để nông thôn phát triển, nâng cao đời sống người nông dân. Phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đường giao thông nông thôn đã thành công vượt mức kỳ vọng. Tiếp nối sau đó là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, mở ra một thời kỳ mới phát triển nông nghiệp - nông thôn ĐBSCL hiện đại hơn, bền vững hơn.

Có thể bạn quan tâm