(GLO)- Ở nơi nào những địa danh cũng chứa đựng những giá trị văn hóa say đắm lòng người, nhưng không ở đâu có những địa danh độc đáo, bí ẩn và mê hoặc như Quảng Ngãi.
Chỉ cần nghe tên một lần cũng có thể nhớ mãi bởi kết cấu lạ lẫm của các cụm từ địa danh này. Có đến 12 cụm từ như thế: Thiên Ấn niêm hà (ấn trời trên sông), Long Đầu hý thủy (đầu rồng giỡn nước), Thiên Bút phê vân (bút trời vẽ mây), An Hải sa bàn (mâm cát An Hải), La Hà thạch trận (trận đá La Hà), Thạch Bích tà dương (bóng chiều Thạch Bích), Hà Nhai vãn độ (bến chiều Hà Nhai), Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi), Liên Trì dục nguyệt (ao sen trăng tắm), Vân Phong túc vũ (mưa đêm núi Vân), Vu Sơn lộc trường (bãi nai núi Vu), Thạch Ky điếu tẩu (ông câu ghềnh đá).
Một góc biển ở Ba Tân Gân nhìn ra đảo Lý Sơn. Ảnh: T.Đ |
Người Quảng Ngãi gọi chung là những nơi này là “Cẩm Thành thập nhị cảnh”. Tương truyền từ thời thi sĩ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi (1750), ông đã vịnh “thập cảnh” Quảng Ngãi, tao nhân mặc khách đời sau vịnh thêm 2 cảnh đẹp nữa hình thành nên 12 cảnh từng được văn nhân thi sĩ xưa nay hết lời khen ngợi.
Đến Quảng Ngãi, đoạn dọc sông Trà, nhìn về phía Bắc dòng sông Trà Khúc sẽ thấy một ngọn núi cân đối hình thang giống như cái ấn (con dấu xưa). Từ phía bên này sông nhìn qua, núi Ấn in hình xuống dòng sông giống như trời đóng dấu lên mặt sông nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời trên sông). Phía sau lưng, lọt thỏm trong lòng TP. Quảng Ngãi là Thiên Bút phê vân. Núi không cao nhưng nằm một mình thoáng đãng như một ngọn bút vẽ vào mây trời, đứng trên đỉnh có thể phóng tầm mắt hào phóng đến tận sơn cùng thủy tận.
Dọc phía Tây, tả ngạn sông Trà Khúc là dãy núi Long Đầu Sơn quăng mình qua những cánh đồng, men theo dòng sông uốn khúc chạy dài đến biển. Dòng sông và núi tạo cặp đôi tình tứ vươn mình ra biển, phía đảo Lý Sơn nhìn ra Hoàng Sa. Hình ảnh này như đầu rồng đùa giỡn nước nên được người xưa tặng cho mỹ từ Long Đầu hý thủy.
Đi một vòng từ núi xuống biển, du khách sẽ mê mẩn với cảnh bóng chiều Thạch Bích (Thạch Bích tà dương), bến chiều Hà Nhai, lạc vào La Hà thạch trận, mâm cát khổng lồ An Hải. Trải nghiệm chút suy tư trần thế thì đến Thạch Ky điếu tẩu để làm ông câu gành đá mà ngẫm sự đời. Du khách cảm nhận sự gội rửa trần tục trong những đêm trăng lóng lánh tắm dưới hồ sen, con người và thiên nhiên hòa quyện lẫn nhau ở Liên Trì dục nguyệt. Phiêu diêu cõi thiên bồng rồi trở về trần thế quạnh quẽ Cổ Lũy cô thôn, nơi đây du khách không thể cưỡng lại với món don quyến rũ, một đặc sản chỉ có ở Quảng Ngãi.
Kết thúc cuộc hành trình thú vị, húp một tô don, du khách sẽ cảm nhận sự dễ chịu lan tỏa trong tận giấc mơ. Mơ về những đêm trăng sáng, đàn nai quần tụ nô đùa, gặm lộc non, dưới chân núi thấp thoáng mấy bóng tiều phu về muộn. Cảnh trí nên thơ tựa như bức tranh sơn thủy ở Vu Sơn lộc trường (bãi nai núi Vu).
Trường Đăng