Thời sự - Bình luận

Những khuất tất trong vụ hai ngư phủ bị hành hạ phải được làm rõ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 18-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã ra quyết định khởi tố để điều tra, làm rõ vụ án hành hạ người khác.

Ngư phủ bị hành hạ trên biển. Ảnh cắt từ clip
Ngư phủ bị hành hạ trên biển. Ảnh cắt từ clip
Đã quá muộn, nhưng dù sao công lý bắt đầu lên tiếng. Dư luận ủng hộ quyết định khởi tố vụ án và rất mong các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ nhiều điều còn khuất tất, bắt tất cả người liên quan, có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu sự trừng phạt.
Trong bài "Phải bắt những tên côn đồ đánh dã man hai ngư phủ về trị tội", Báo Lao Động phân tích các yếu tố của vụ việc, và cho rằng, không xử lý vụ việc sau gần 6 tháng nạn nhân đã trình báo thì Công an thị trấn Sông Đốc hoặc là thiếu năng lực hoặc là vô trách nhiệm với dân. Thậm chí, cần phải điều tra xem liệu có hành vi bao che cho những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Trước hết là Công an thị trấn Sông Đốc, dù hai nạn nhân Lê Văn Bình và Trương Văn Trung trình báo nhưng lại bỏ qua không thực hiện những thủ tục tiếp nhận và xử lý tin tố giác tội phạm. Việc đúng ra phải làm là đưa các bị hại đi giám định tỉ lệ thương tật để làm căn cứ xử lý các nghi can theo quy định pháp luật.
Theo quy định, cơ quan công an có thể điều tra thêm để xác định có hành vi hành hạ người khác hay không. Với tội này, dù bị hại không đề nghị xử lý hình sự thì cơ quan công an vẫn khởi tố nếu có dấu hiệu.
Từ đó đến nay đã gần 6 tháng, nếu có thực hiện giám định thương tật thì cũng không còn phản ánh đúng bản chất như khi nạn nhân vừa bị hành hạ, đánh đập.
Tiếp theo là chủ ghe Phạm Thị Hà, tại sao lại lấy lý do không gọi tàu vào bờ?
Theo thông tin ban đầu, trên ghe có 7 thuyền viên do Nguyễn Công Toàn (34 tuổi, tên thường gọi là To, con ruột bà Hà) làm tài công. Và chính Toàn là người tham gia hành hung dã man hai nạn nhân Trương Văn Trung và Lê Văn Bình.
Bà Phạm Thị Hà không gọi tàu vào có phải là cố tình che giấu hành vi phạm tội của con bà không?
Báo Lao Động ngày 19.11 có bài "Vụ ngư phủ bị hành hạ: Người nhận hộ tiền bồi thường biến mất", đưa thông tin có người tên L, nhận là cha nuôi của nạn nhân Trung cho biết, đã đưa anh Trung đi chụp X-quang, trị bệnh.
Kết quả thăm khám cho thấy, anh Trung bị gãy xương sườn, rách tai nặng, gãy răng và có nhiều vết thương trên người. Hơn 2 tháng, ông L là người đưa anh Trung đi điều trị và yêu cầu chủ ghe bồi thường.
Có điều, chủ ghe lại không đưa tiền cho nạn nhân Trung, mà đưa cho ai đó không biết, đến nay anh Trung vẫn chưa nhận được số tiền 150 triệu đồng như bà Hà nói.
Quá nhiều điều khuất tất.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nhung-khuat-tat-trong-vu-hai-ngu-phu-bi-hanh-ha-phai-duoc-lam-ro-1118539.ldo

Có thể bạn quan tâm