Những kiệt tác của các dân tộc vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà trình tường, hàng rào đá, ruộng bậc thang là biểu tượng cho ý chí, khối óc, bàn tay của nhiều đời đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tạo nên nhằm chế ngự thiên nhiên nơi sơn cùng thủy tận.

 

Ruộng bậc thang bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang - Ảnh: TRẦN THẾ DŨNG
Ruộng bậc thang bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang - Ảnh: TRẦN THẾ DŨNG



Men theo đường vòng cung từ Đông sang Tây Bắc miền thượng du xa xôi, bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, du khách còn được chiêm ngưỡng nét đẹp mộc mạc, hoang dã của những ngôi nhà mái ngói, vách đất màu nâu vàng nổi bật giữa hàng rào xếp toàn bằng đá tai mèo như thành lũy vững chắc...

Sống ở vùng thượng du bắc phần, nơi tứ bề đồi núi heo hút và luôn đối mặt với đầy rẫy khó khăn, người dân bản địa đã biết nương nhờ vào thiên nhiên, biến đất đồi núi thành chất liệu xây nên ngôi nhà trình tường vững chắc vừa chống lại thiên nhiên giá lạnh mùa đông vừa đề phòng thú dữ, kẻ gian. Mỗi dân tộc có sự khác biệt về thiết kế hình dạng cũng như sự bố trí bên trong mỗi căn nhà trình tường.

Chẳng hạn, người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn luôn theo khuôn mẫu nhà ba gian và cơi thêm sàn gác cho không gian thêm thoáng mát. Nhà của người Hà Nhì sống tại vùng Y Tý (Lào Cai) được thiết kế hình vuông với bốn mái hình chóp. Nhà của người Tày ở Bình Lộc (Lạng Sơn) có mặt tiền rộng rãi, cao hai tầng, thường mở ra nhiều cửa sổ... Tuy nhiên, tất cả đều dùng khuôn bằng gỗ ván có kích thước tương tự nhau để dựng tường.

Các loại đất đủ độ ẩm, không bị đá vụn, rễ cây lẫn lộn và có độ kết dính cao thường được chọn để làm nhà. Tùy diện tích ngôi nhà, riêng công đoạn nện đất trình tường phải mất ít nhất vài ba tháng. Người Mông sử dụng chất liệu hoàn toàn là đất và không có bất kỳ trụ cột nào để liên kết, trong khi nhà của người Tày thường xếp đá bốn góc như bốn cọc chịu lực. Với người Hà Nhì, trình tường có độn đá xanh vì khả năng chịu lực rất tốt.

Những ai đã có dịp ngao du vùng thượng du chắc hẳn sẽ không khỏi rung động khi tận mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang xếp tầng xếp lớp lên nhau hoặc ngoằn ngoèo như rắn lượn khắp các triền núi, kiểu canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi với bề dày hơn ba trăm năm về nước. Dù vậy, cách gieo trồng, khai khẩn mở ruộng bậc thang mỗi nơi một khác, dựa vào địa thế, thời tiết, nguồn nước...

Tại Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái), do có đồi thấp thoai thoải nằm lọt thỏm giữa ba ngọn núi Khau Song, Khau Phạ và Khau Thán, người Thái đã kiến tạo những thửa ruộng rộng rãi khắp cả thung lũng. Với Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Hoàng Su Phì (Hà Giang), nằm trên độ cao hơn 1.000m, người Mông Xanh, La Chí, Dao Đỏ và người Nùng xây dựng tầng tầng lớp lớp theo thế núi, như bậc thang lên trời...

Nhà trình tường, hàng rào đá, ruộng bậc thang là biểu tượng cho ý chí, khối óc, bàn tay của nhiều đời đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tạo nên nhằm chế ngự thiên nhiên nơi sơn cùng thủy tận. Ngày nay, những di sản văn hóa này là lợi thế để địa phương phát triển sản phẩm du lịch nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo và chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Trần Thế Dũng (TTO)

Có thể bạn quan tâm