Phóng sự - Ký sự

Những làng chài bên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Sau những chuyến đi biển, những người vợ lại ở nhà vá lưới để chuẩn bị cho chuyến biển sau.

Sau những chuyến đi biển, những người vợ lại ở nhà vá lưới để chuẩn bị cho chuyến biển sau.

1/ Khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới bắt đầu rọi sáng, các làng chài ven biển cũng bắt đầu nhộn nhịp với phiên chợ buổi sớm. Ở một đất nước nhiệt đới với bờ biển dài như Việt Nam, chợ cá làng chài không chỉ đơn thuần là nơi giao dịch mua bán mà còn là nơi thể hiện văn hóa, lối sống, tập quán của lao động nghề biển với sắc thái riêng của vùng miền. Từ những ngư dân bận rộn với công việc trên biển mênh mông đến những gia đình chờ đợi trên bờ, tất cả tạo nên một bức tranh sống động đầy mầu sắc của cuộc sống làng chài. Ở đó, các cảng cá nhỏ nằm rải rác dọc theo bờ biển được hình thành tự nhiên theo thời gian, như một sự chọn lựa khéo léo của ngư dân trong việc tìm kiếm nơi cập tàu an toàn. Đây cũng là nơi để họ trở về sau mỗi chuyến đi biển, mang theo những mẻ hải sản tươi ngon để đưa vào chợ cá. Từ đó hải sản mới lan tỏa đi khắp các chợ đô thị, thâm nhập vào trong đất liền.

Ở miền biển, những người vợ của ngư dân hiếm khi được theo chồng ra biển. Đây là một tập quán có từ nhiều đời nay và không ai muốn thay đổi. Buổi sáng khi chợ cá mở cửa, họ đứng trên bờ cát, nhìn những chiếc thúng chai đang xoay vào bờ, rồi đón lấy những mớ cá, tôm, mực còn tươi roi rói vừa vớt lên khỏi mặt nước. Chỉ cần nhìn thoáng qua những sản vật từ biển, họ đã biết có thể bán hải sản ở đâu, bán cho ai và bán được bao nhiêu tiền. Vì thế, những mẻ cá, ghẹ, ốc, sò được bán sang tay rất nhanh. Hàng vừa xuống bờ đã đặt lên cân, sau đó trút vào sọt rồi lên đường về các chợ huyện, chợ tỉnh. Nếu may mắn bắt được cá chình biển lớn, mực nang, cá giò, cá mú bông, cá mú đỏ…, các chủ tàu giữ hải sản sống trong các xô nước biển sạch sẽ để bán được giá cao hơn cho các nhà hàng. Dẫu vậy, dù những thương phẩm từ biển có nhỏ hay to, ít hay nhiều, họ đều phấn khởi sau mỗi chuyến đi. Những ngư phủ chất phác ấy sau khi đưa mớ chiến lợi phẩm đánh bắt được trong đêm cho vợ, lại đón nhận những can dầu, lưới đã vá và nhu yếu phẩm từ tay vợ để mang trở ra tàu lớn, chuẩn bị cho lần đi biển tiếp theo.

Ngư dân Nguyễn Thành (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) cho biết, cuộc sống của ngư dân chủ yếu dựa vào việc khai thác hải sản, mỗi ngày ra khơi vào ban đêm và trở về vào buổi sáng để bán hải sản tại chợ cá. Tuy nhiên, cuộc sống trên biển không phải lúc nào cũng dễ dàng khi thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, từ việc giữ gìn an toàn khi ra khơi đến việc bảo đảm thu nhập đủ sống. Một trong những vấn đề lớn nhất mà ngư dân miền trung gặp phải hiện nay là việc mất ngư trường do các hoạt động khai thác trái phép. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập mà còn đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành ngư nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động chống khai thác trái phép IUU hiện nay, các ngành chức năng liên tục đi kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nên chúng tôi cũng nhận thức được vấn đề, do đó luôn tuân thủ chấp hành mọi quy định của Nhà nước về hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển.

Một số địa phương ven biển tại Bình Định đã chuyển hướng sang phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng.

Một số địa phương ven biển tại Bình Định đã chuyển hướng sang phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng.

2/ Tại Bình Định, các vùng du lịch trọng điểm đều có chợ hải sản như Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Xuân Thạnh (Mỹ An, huyện Phù Mỹ)… và hàng loạt chợ cá khác của các làng chài lâu đời mang nét chấm phá đặc biệt. Mấy năm gần đây, nhiều dự án phát triển kinh tế về địa phương đã làm đổi thay diện mạo làng chài ở Bình Định. Một số hộ dân quay sang làm du lịch, mở quán kinh doanh mang lại thu nhập cao hơn là đi biển, vừa vất vả mà lại bấp bênh. Nhưng ngư dân sang ngang làm du lịch còn nhiều chỗ chưa được, hơn nữa làm du lịch cũng không dễ bởi chỉ có thời điểm, lúc đông lúc vắng chứ không phải lúc nào cũng thuận. Những lúc như thế, họ lại sắm sửa ngư cụ ra biển, vớt được thứ gì thì vớt. Biển tuy khắc nghiệt nhưng không tuyệt đường mưu sinh của ngư dân. Người làng chài cứ thế một tay trên bờ, một tay dưới biển. Hết mùa du lịch thì lại đến mùa biển, cứ vậy xoay vần.

Mỹ An, một xã miền biển thuộc huyện Phù Mỹ, Bình Định nổi tiếng với nghề chế biến cá cơm và là nơi xuất khẩu đặc sản này nhiều nhất tỉnh. Bãi biển Mỹ An nằm giữa hai bãi biển Mỹ Thắng và Mỹ Thọ, cách sân bay Phù Cát khoảng 45 km, mất khoảng một giờ di chuyển bằng ô-tô. Từ đầu năm 2022, khi thông tin về dự án đường ven biển ĐT.639 ở Bình Định được công bố, vùng biển này bắt đầu được nhiều người chú ý. Được biết, dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối toàn tuyến đường ven biển kéo dài tới TP Quy Nhơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch tại Bình Định. Tuy nhiên, đến nay, lượng khách du lịch đến bãi biển Mỹ An chưa nhiều. Điều này cho thấy cần có những chiến lược và hoạt động nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội tại đây. Một trong những hướng đi đó là phát triển du lịch cộng đồng, với việc tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và thú vị cho du khách cũng đồng nghĩa sẽ tạo ra nguồn thu nhập cho địa phương. Để làm điều đó, các hoạt động vui chơi giải trí và tham quan tại bãi biển Mỹ An cần được nâng cấp thêm để đáp ứng nhu cầu du khách, để du khách tham gia vào cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương, từ việc tham gia vào quá trình chế biến cá cơm đến việc tận hưởng những món ăn đặc sản.

Anh Nguyễn Văn Giáp, một người dân bản địa đã chia sẻ về những điều thú vị tại bãi biển Mỹ An, một điểm du lịch còn hoang sơ mà ít người biết đến. Anh cho biết, bãi biển Mỹ An được chia thành hai bãi chính: bãi trước và bãi sau, phân chia bởi ranh giới ghềnh đá Xuân Thạnh. Bãi trước nằm ở phía bắc ghềnh đá, là một bãi cát dài, trắng, mịn, thoai thoải, với nước biển xanh, sạch, đón nắng quanh năm. Đây là nơi lý tưởng cho các hoạt động tắm biển, chơi mô-tô nước, kéo phao chuối, đồng thời cũng là nơi tập kết tàu thuyền đánh bắt hải sản và là điểm họp chợ của người dân địa phương. Bãi sau nằm ở phía nam, có nhiều ghềnh đá, đá tảng lạ mắt, khung cảnh hoang sơ, thoáng đãng, thích hợp để chụp ảnh, cắm trại, đốt lửa, ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển. Tại đây, một số hộ dân địa phương đã mở các dịch vụ nhỏ lẻ, hỗ trợ du khách khi đến tắm biển và cắm trại chỉ với giá vài chục nghìn đồng nên thu hút một số du khách trong và ngoài tỉnh.

3/ Với tiềm năng và lợi thế về danh lam thắng cảnh, nét văn hóa riêng ở địa phương, nhiều làng chài đã trở thành nơi thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm góp phần phát triển và bảo tồn văn hóa ở địa phương theo hướng bền vững. Để thúc đẩy tiềm năng bản địa, ngành Du lịch tỉnh Bình Định đã phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng ở các làng chài ven biển. Với Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đến năm 2025”, những làng chài này sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho cư dân bản địa. Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh Bình Định đã chuyển hướng sang phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, để phát triển bền vững, cần có định hướng lâu dài với tầm nhìn xa để cân bằng các yếu tố kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế cho ngư dân. Cùng với đó, cần đặt người dân vào vị trí là người chủ động, liên kết để phát triển du lịch; chính quyền địa phương giữ vai trò quản lý nhà nước, khi đó du lịch cộng đồng mới thật sự mang yếu tố cộng đồng đúng nghĩa. Hiện ngành Du lịch Bình Định đang triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết mở rộng thị trường khách du lịch, chú trọng thị trường nội địa. Bên cạnh tổ chức tốt các sự kiện, ngành Du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; xây dựng một hình ảnh Bình Định thân thương mến khách để thu hút du khách trong, ngoài nước.

Với sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, cùng với việc tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của mình, các làng chài ven biển Bình Định hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn. Từ đó mang lại trải nghiệm đúng nghĩa của du lịch cộng đồng trong hoạt động lưu trú, sinh hoạt và tham gia với các hoạt động kinh tế của người dân ở làng chài.

Có thể bạn quan tâm