Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, huyện Kon Plông luôn quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Kon Plông tích cực phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá thực trạng số người không biết chữ, tái mù chữ theo quy định. Căn cứ kết quả điều tra, rà soát, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện tổ chức các lớp học xóa mù chữ tại các địa phương phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS nơi đây.
Là một trong những học viên của lớp xóa mù chữ tại thôn Đăk Da, xã Đăk Ring, chị Y Glek và nhiều học viên khác trên địa bàn xã Đăk Ring tranh thủ bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý để đi học đều đặn.
Ban ngày lo việc ruộng rẫy, đêm về đi học chữ. Ảnh: Đ.V |
Chị Y Glek tâm sự: Chiều tối đi làm về tôi tranh thủ ăn cơm sớm để kịp đến lớp học xóa mù chữ do các thầy, cô giáo tổ chức. Tôi tham gia lớp xóa mù chữ từ tháng 11 năm 2022, được các thầy cô tận tình chỉ bảo, đến nay tôi đã biết đánh vần, biết viết chữ cái và biết tính toán cộng trừ đơn giản. Tôi sẽ cố gắng tham gia học tập đầy đủ để sau này có thể đọc thông, viết thạo, xem các thông tin trên mạng xã hội, biết vận dụng tính toán cơ bản để bản thân tự tin hơn khi giao tiếp xã hội.
“Tôi sẽ động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để con cái được học hành để biết tính toán làm ăn. Năm nay tôi đã gần 50 tuổi nhưng điều đó không hề có trở ngại gì khi tôi tham gia lớp học xóa mù chữ, bởi khi biết đọc, biết viết thì bản thân tôi sẽ có điều kiện tìm hiểu kiến thức từ sách báo để áp dụng vào cuộc sống”- chị Y Glek cho biết thêm.
Ông Nguyễn Minh Cường- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết: Là huyện còn gặp nhiều khó khăn với hơn 75% là người DTTS, trình độ dân trí còn thấp, những năm qua, huyện Kon Plông rất quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác xóa mù chữ ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2025, từ tháng 11/2022, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông tham mưu UBND huyện Kon Plông mở 4 lớp xóa mù chữ mức độ 1 tại 4 xã Măng Bút, Ngọc Tem, Đăk Ring và xã Hiếu với 128 người học, trong đó 100% người học là người DTTS có độ tuổi từ 20 đến 60 tuổi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người học vừa tham gia lao động sản xuất và học tập, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông chỉ đạo các đơn vị trường bố trí các lớp học tại các điểm trường thôn, tổ chức học từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần, bắt đầu vào lớp học từ 18 giờ 30 phút đến 20 giờ. Mỗi học viên tham gia lớp học được các đơn vị trường phát 1 bộ sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập và hỗ trợ người tham gia học xóa mù chữ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định.
Đêm xuống, tiết trời Kon Plông lạnh nhưng các học viên vẫn chuyên cần đến lớp. Ảnh: ĐV |
Qua theo dõi, tỷ lệ chuyên cần của các lớp học xóa mù này đạt từ 90 - 95%. Năm học 2023- 2024, huyện Kon Plông tiếp tục duy trì 4 lớp xóa mù chữ mức độ 1 đối với 128 người học theo chương trình học kỳ II và mở thêm 5 lớp với 125 học viên thuộc các các xã: Đăk Nên, Pờ Ê, Măng Cành, Đăk Tăng và thị trấn Măng Đen.
Khi màn đêm buông xuống, tiếng đọc bài của học viên lớp xóa mù chữ ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Kon Plông lại vang lên khắp nơi.
100% các học viên các lớp xóa mù chữ này đều là đồng bào DTTS- những người đã lớn tuổi và là lao động chính trong gia đình, nhưng mỗi buổi tối họ vẫn miệt mài đi “tìm con chữ”.
Mặc dù, hằng đêm các giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa trực tiếp đứng lớp giảng dạy các lớp xóa mù chữ không được hưởng bất kỳ chế độ gì, nhưng với lòng yêu nghề, sự nhiệt tình và trách nhiệm, các thầy, cô giáo ở những nơi này đang góp phần giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ, thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn và góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.