Báo xuân

Những mùa Xuân im lặng kéo qua đời…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhỏ tí, tôi gắn với mùa Xuân xứ Bắc. Sinh và sống ở Thanh Hóa nhưng suốt tuổi thơ ấn tượng với tôi là những cái Tết ở Ninh Bình, quê ngoại tôi. Thường thì mùng 2 Tết anh em tôi cùng mẹ ra ga về Ninh Bình ăn Tết. Lạnh tê tái. Mưa dầm lép nhép. Những chuyến tàu chợ lê thê vắng ngắt vì Tết. Thường thì tôi được giao ôm một bọc ni lông xộp xoạp, cái miếng ni lông để quàng đi mưa mà bây giờ đã hoàn toàn vắng bóng. Trong ấy là… chè xanh xứ Thanh. Quà Tết của mẹ tôi đấy.

Về đấy thì tôi không có bạn chơi đáo chơi bi và cả bắn súng. Cậu tôi đẻ nguyên năm đứa con gái, vậy nên cái mà tôi mang về để khoe với chúng là khẩu súng bắn diêm tôi tự làm lấy. Hồi ấy mẹ tôi là Phó Giám đốc Nhà máy Diêm Thanh Hóa nên chúng tôi có rất nhiều thuốc diêm phế thải. Lấy cái van xe đạp cột vào khẩu súng lục gỗ tự đẽo, kiếm cái nan hoa hoặc cái đinh làm kim hỏa, chế ra cái cò để bóp phát thì cái kim hỏa lao vào cái van xe đạp đã nạp đầy thuốc diêm. Tất nhiên là mẹ cấm nhưng sau có một chú kỹ thuật can thiệp bằng cách bảo nếu chỉ nạp chừng ấy thuốc thì an toàn nên mẹ lơ cho chơi. Mấy đứa em gái con cậu nhìn thấy tôi có khẩu “súng lục” nhét ở túi quần sau thì mắt tròn mắt dẹt, phục sát đất… Nhưng đến giờ trong tôi, cái mùa Xuân Ninh Bình nó cứ ngờm ngợp xanh của rau diếp, cải bắp, su hào, và vẫn nhớ, cỗ Tết thời ấy ở quê ngoại chí ít phải có 4 món: giò nem bung mọc, ngoài ra là su hào xào, hành hoa luộc…

Thanh Hóa hồi ấy rất nghèo. Cán bộ công nhân nhà máy thì còn đỡ vì nhà bếp thế nào cũng thịt lợn, bữa liên hoan cuối năm hàng trăm công nhân thường có tiết canh, lòng và… cháo. Còn thịt để chia nhau. Mẹ tôi được các cô chú nhà bếp ưu tiên-giờ có thể gọi là tham nhũng-ấy là được lấy toàn bộ tiêu chuẩn thịt bằng… mỡ. Về rán lên, đổ vào chai, tóp thì cất rất kỹ để thi thoảng lấy ra điểm xuyết vào rau muống xào, còn mỡ, chỉ được nhúng đũa vào rồi rút ra mỗi khi sử dụng.

 

Lửa, rượu cần, chiêng, xoang… những thành tố không thể thiếu trong một lễ hội Tây Nguyên.

Bà con nông dân thì hồ hởi chờ… tát ao. Những nhà có điều kiện thì đụng lợn. Nhưng cũng không dễ để vác ông lợn trong chuồng ra thịt, bởi phải xin phép rất nhiêu khê. Đụng lợn không vui bằng tát ao, bởi nó không phổ quát. Trẻ con lăm lăm trên bờ, nghe lệnh là a la xô nhào xuống mót cá. Mà lạnh tái tê. Những thân hình còm nhom bết bùn, răng môi lập cập, thế mà cứ đen ngòm cả ao hò hét như vỡ trận. Cỗ Tết thế nào cũng có món cá kho riềng. Đấy là món chủ lực, ngon nhất. Những đứa trẻ con nông thôn lứa chúng tôi chỉ mong Tết để được ăn cơm trắng với cá kho, ăn kỳ no mà không phải… trông nồi…

Sau giải phóng thì tôi theo ba mẹ về quê, ở một ngôi làng rất đẹp sau lưng là phá trước mặt là sông, cách Huế chừng bốn cây số. Chỉ cách một con đèo Hải Vân, trong khi Huế lạnh tái tê thì Đà Nẵng chang chang nắng. Tết Huế trong tôi là mùa chia ly. Học đại học, cứ chuẩn bị Tết thì những đứa ở Huế chuẩn bị tâm thế tiễn bạn ở các tỉnh về quê. Chúng tôi liên hoan cuối năm, rồi kéo ra bến xe ngồi suốt đêm xếp hàng mua vé cho bạn. Vé xe hồi ấy là cuộc chiến đấu ngoan cường, khéo léo và bền bỉ. Sinh viên nghèo, không biết chiến đấu thì lấy sức trẻ mà thi, ấy là ôm chiếu ra trải ngay trước cửa phòng vé, ngay trong cái ô bằng sắt người ta hàn cứng thành hàng trước phòng vé để bắt buộc mọi người xếp hàng, nằm ngồi ngổn ngang ở đấy chờ nhân viên bán vé mở cửa...

Bao giờ cũng thế, chia tay bạn bè xong thì trở về… trống rỗng. Lạ thế. Mưa và lạnh. Gió cứ hun hút. Tết hồi ấy cũng rất nghèo. Nhà tôi có phiếu phân phối lương thực thực phẩm và cả chất đốt nữa, Tết xếp hàng mua thịt nếp đậu các loại. Chiều ba mươi là vui nhất vì các cô, dượng em ba tôi, cháu chắt xúm về nhà cậu, tưng bừng. Nhưng cũng chỉ buổi chiều ấy, nhà tôi còn lại 4 người, ba mẹ và 2 anh em tôi, Tết lừ lừ trôi qua…

Tôi thèm cái nắng gió phương Nam biết bao và đấy là lý do vừa ra trường là tôi đã xung phong lên Tây Nguyên.

Anh bạn nhà thơ Phạm Đức Long trong một đêm 30 rất buồn ở Pleiku đã làm bài thơ “Khoảng trời lá thông” có một câu mà tôi nhớ mãi “Có mùa xuân im lặng kéo qua đời”. Đi rồi mới nhớ những cái Tết, những mùa Xuân Huế. Ai đó nói đúng, Huế như một cô gái đỏng đảnh, dễ thương nhưng rất khó chịu. Nó khiến các chàng trai khi ở gần thì muốn… thoát, nhưng khi đi xa thì da diết nhớ về. Điều ấy chứng minh bằng chi tiết, người Huế dù có đi khắp mọi phương trời kiếm ăn, nhưng ít nhất một năm một lần, đặc biệt là Tết, lũ lượt kéo về quê. Ngày xưa là lếch nhếch xe đò tàu chợ, ba bốn ngày đường mới về đến nhà, giờ thì máy bay, xe riêng hoặc vài ba nhà thuê một chuyến ô tô về quê, nó khiến sự trầm mặc vốn có của Huế như bừng thức trong những ngày Tết. Huế là đất rất bảo thủ, nhưng giờ, sự bung tỏa của những người con xa quê dịp Tết trở về đã khiến Huế như vừa thay áo mới. Các phong cách văn hóa được đưa về, tất nhiên có cả tích cực và tiêu cực, khiến Tết Huế như tươi tắn hơn, rực rỡ hơn, náo động hơn và có vẻ cũng xô bồ hơn…

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Tết ở Pleiku cũng rất buồn. Phần lớn những người ăn Tết ở đây là xa quê, cái tâm trạng vọng cố hương nó khiến con người như cứ thiếu vắng nỗi gì, vui là vui vậy gọi là, chứ không bền chắc. Người tinh ý vẫn nhận ra nỗi thắc thỏm, xa vắng, chênh vênh trên gương mặt từng người…

Nhưng đấy là ở thành phố, cái thời cả nước cùng khổ. Xuống làng, mọi chuyện khác ngay.

May mắn là, đến giờ, dẫu vẫn gọi là ăn Tết nhưng cái sự ăn đã nhường cho sự chơi. Thời đói khổ cả đất nước tất bật lo miếng ăn, càng Tết lại càng lo, hay nói đúng nhất, ai cũng mong Tết, nhưng Tết lại khiến cho con người khổ nhất, lo lắng vì nó nhất. Cả năm cứ ngong ngóng đến Tết, làm được gì cũng chỉ để dành cho Tết, Tết xong lại… lo Tết...

Mùa Ning Nơng đang được khởi động.

Hàng trăm ghè rượu được chuẩn bị dựng san sát trên sàn, sát vách. Men thì như nhau, đồng bào làm từ một loại lá, nhưng chất liệu thì khác. Ngon nhất là rượu được làm từ hạt gao, nó tương tự như hạt kê của người Kinh. Còn phần lớn thì rượu cần được làm từ củ mì. Và tùy theo khẩu vị từng vùng mà bà con hoặc cho chuối chín vào cho ngọt, cho ớt vào cho cay, cho lá teng neng cho đắng…

Lúa chín tới được suốt bằng tay về để giã cốm. Ngày làm cốm cả làng cứ thơm lừng lên, những cánh tay trần con gái đảo cốm trong bập bùng lửa như vũ nữ đang múa khiến đầu óc có “chậm hiểu” đến mấy cũng vẫn cứ phải liên tưởng đến một cái gì đấy vừa vời xa bí ẩn lại vừa phồn thực thân quen. Mắt người như lên men. Nam thanh nữ tú dập dìu. Làng tươi như mười tám. Người Kinh có cúng cơm mới thì đồng bào cũng có, nhưng nó được tổ chức lớn hơn, trở thành tết trọng của người Tây Nguyên, Tết này sau Tết người Kinh chừng 1 tháng…

Cái phần lễ ấy, già làng lo, còn phần hội là của thanh niên.

Thì là váy áo cả năm cất trong gùi được mang ra. Thêm những phụ kiện xanh đỏ lên trán, vào cổ tay. Có khi là một cái lông chim lên đầu chàng trai. Những bài xoang nằm trong bụng tự thuở lọt lòng. Nhưng chiêng thì phải chuẩn bị. Mời người lên dây chiêng, rồi trước cả tháng, là tập cho đều.

Lửa, rượu cần, chiêng, xoang… những thành tố không thể thiếu trong một lễ hội Tây Nguyên. Những cô gái đẹp nhất, những chàng trai ưu tú nhất, được chọn vào đội chiêng và đội xoang. Những đôi mắt thăm thẳm, những bắp chân rạch váy khoe sự mịn màng của sắc nâu hồi hộp, những bộ ngực mưng mở như muốn thoát ra sau lần áo ló, và vai trần tròn lẳn ẩn hiện nhịp nhàng với bàn chân nhấp nhô trên cỏ. Cỏ mùa xuân xanh đến biếc trời, đến ngơ ngẩn mây, nó làm nên những taman dài rộng nhìn đã muốn lăn quay ra ngửa mặt trên thảm cỏ ấy nhìn mây bay nghe gió thổi ngắm những bông dã quỳ cuối mùa khô xác tạo nên những hình kỷ hà rất đẹp đan trong chiều như tóc rối nhưng không màng lược gương bởi sự tự tin không thể đảo ngược…

Tôi đã rất nhiều lần ngợp trong những vòng xoang vòng chiêng ấy. Không phải để xem, không phải để dự, để ngắm… mà để tan ra trong ấy. Hội lễ tự thân nó không phải là diễn, mà nó là nhu cầu của từng người, là cách để con người hòa vào nhau, hòa vào thiên nhiên, hòa vào cuộc đời với một tâm thế và đức tin trong trẻo, không vụ lợi, hết mình. Bây giờ có vẻ như người ta đang làm cho các lễ hội bị biến tướng đi, làm cho nó nhuốm màu tục lụy. Nếu lúc nào đấy, thấy có gì gợn trong lòng, hãy về một làng Tây Nguyên, mùa ning nơng, bạn sẽ nhận được sự trong veo, tinh khiết của sự trong veo tinh khiết bằng một niềm tin bất diệt vào cái đẹp của cuộc sống mà vì nó con người tồn tại…

Tết này, vì một lý do đặc biệt, tôi lại ăn Tết tại TP. Hồ Chí Minh, lại được khám phá cái Tết phương Nam. Những cú di chuyển đúng vào dịp Tết vừa thú vị lại vừa nao nao. Lại nhớ cái thời sinh viên ở thập kỷ 70 của thế kỷ trước, lớp tôi có một đứa, cứ Tết là ôm mấy ổ bánh mì leo lên tàu, chạy từ Bắc vào Nam rồi ngược lại. Giao thừa, nhà tàu mời tất cả hành khách có mặt trên tàu dồn về 1 toa đón Giao thừa. Nó kể, có năm cả đoàn tàu có mỗi nó là khách lúc Giao thừa, tàu vẫn chạy xình xình, bên ngoài trời đen như mực tàu, nó rưng rưng cầm ly rượu hương chanh nhà tàu mời mắt nhoa nhóa nước…

Gần ra trường mới biết, nó là con liệt sĩ, nhà chả còn ai, Tết về nhà chỉ thui thủi một mình, nó đã chọn tàu khách xuyên Việt làm nơi đón Tết…

Tùy bút của Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm