Phóng sự - Ký sự

Những nẻo đường... cần sa - Kỳ 3: Gặp “người Mỹ” ở Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ sau khi Thailand cho phép trồng cần sa vài tháng, tháng 12/2022, Chính phủ Lào quyết định về việc quản lý cây cần sa sử dụng trong y tế và làm hàng hóa. Tháng 2/2023, một công ty đã được ủy quyền cho ký hợp đồng tô nhượng về việc đầu tư trồng cây Pokeo sử dụng phía y học và thành hàng hóa (giai đoạn thử nghiệm) tại khu vực bản Phonhongnaphai, huyện Thoulakum, tỉnh Viêng Chăn. Một số lời kêu gọi từ phía “đối tác” đã kéo nhiều người tới gặp mặt ở thủ đô Vientian.

Ba lần hẹn gặp… “người Mỹ”

Thủ đô Vientian của nước bạn Lào đẹp và yên tĩnh. Khách sạn Xaysomboun nằm ở trung tâm thủ đô chỉ lèo tèo vài người khách ăn sáng ở trong khách sạn.

Qua nhiều lần hẹn, người cung cấp cần sa mới xuất hiện. Người đàn ông đen đúa áng gần 60 tuổi nói bập bẹ tiếng Việt pha lẫn tiếng Lào. Khi ông ta tới có mang theo một chiếc ba-lô nhỏ. Cuộc nói chuyện khá thân mật vì Lích có thời gian du học tại Việt Nam. Nghe nói chúng tôi định đi Bokeo (một tỉnh phía bắc Lào gần Trung Quốc và giáp với khu vực tam giác vàng), Lích nói “đừng lên đấy. Hàng toàn mang dưới này lên”. Rồi đưa tay với chiếc ba-lô cất đằng sau ghế. Khi mở ra thì chúng tôi mới biết đó là cần sa. Nó được bọc kín trong từng túi nylon riêng biệt.

Người phiên dịch giải thích rằng, những người ngồi trước mặt Lích không phải là người đi mua cần sa mà chỉ muốn tìm cơ hội hợp tác đầu tư. Lích trầm ngâm, rút túi ra điếu thuốc cuốn trông như thuốc lá mời người phiên dịch. Kẹo châm điếu thuốc, mùi hăng hắc của cần sa lan ra khắp phòng. “Điếu này đắt hơn điếu của em hay mua”, Kẹo phân trần thế và cố gắng giải tỏa sự hiểu lầm trong thương vụ mua bán giữa chúng tôi và Lích. “Đây có nhiều loại, loại tốt giá 1.800 USD/kg. Loại thứ 2 giá 1.200 USD”. Loại mà Kẹo hay lấy từ Lích bán cho du khách có giá 200 USD/kg. Đó là loại chất lượng thấp nhất pha lẫn cả búp, lá cần sa.

Lích hiểu ra vấn đề. Rằng chúng tôi là những nhà đầu tư từ châu Âu muốn tới để hợp tác đầu tư với cư dân bản địa. “Tôi không thể tự quyết định được. Phải gặp ông chủ”, Lích nói thế rồi đi về.

Vườn cần sa trong khu biệt thự nhà Lích.

Vườn cần sa trong khu biệt thự nhà Lích.

Hôm sau, Lích tới ăn sáng. Ông ta ít nói chứ không liến thoắng kiểu “tăng động” vì hút cần sa liên tục như Kẹo. Trong lúc ngồi nhẩn nha gặm mẩu bánh mì và mấy thứ đồ buffet, Lích không nói, không rằng, cũng chẳng buồn nhìn đến ai. Cứ yên tĩnh như đá núi. Ngồi ăn sáng, uống cà-phê cho tới 10 giờ, Lích cáo từ ra về. Kẹo chỉ giải thích rằng người có trách nhiệm hôm nay không tới.

Sáng hôm sau nữa, Lích tới khách sạn lúc 10 giờ. Lần này chúng tôi ngồi ở dưới quán cà-phê ngay cổng khách sạn Xaysomboun. Đường phố Thủ đô Vientian đẹp, yên tĩnh và sạch sẽ. Ngồi một lúc lâu mà vẫn chẳng thấy Lích có vẻ gì sốt ruột. Ông ta cứ trầm ngâm ngồi bên ly nước suối. Có bóng người đột ngột đứng cạnh Lích. Người ấy đi cửa khác của khách sạn tới chỗ chúng tôi. Chắc là sau khi đã quan sát kỹ những người khách lạ.

Lích bảo Kẹo gọi chúng tôi lên phòng khách sạn. Tại đây, người đàn ông trẻ ăn mặc sành điệu có mái tóc vuốt ngược được giới thiệu gọi tên là “người Mỹ”. Người Mỹ có ngoại hình khá bảnh bao. Bắp tay gồ lên sau chiếc áo hàng hiệu cho biết anh ta cũng “có nghề”. “Anh này là “người Mỹ”. Còn đây là mấy anh bạn từ Ukraine sang”, Lích mở lời sau nhiều ngày yên lặng.

“Người Mỹ” nói tiếng thổ ngữ, pha lẫn tiếng Anh. Anh ta thay đổi ngôn ngữ liên tục mỗi lúc bí từ. “Tôi biết 5 thứ tiếng. Tiếng Anh, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ…”. “Người Mỹ” là người gốc Lào. Có lẽ sau 3 ngày ngồi nghe chúng tôi “nổ” về những cơ hội làm ăn, Lích đã kể lại cho “người Mỹ”. “Ở đây, chúng tôi có thể đáp ứng cho các anh khoảng một tấn cần sa. Không cần phải trồng. Chỉ cần lấy hàng và trả tiền”. Người Mỹ vào việc luôn như thế. “Giá mỗi tấn cần sa tại đây là một triệu đô-la Mỹ”.

Tôi ngoảnh lại nhìn Kẹo. Câu chuyện đã nói với Lích và Kẹo không hẳn là như vậy. “Chúng tôi chỉ muốn thuê lại đất, để có thể đầu tư giống, con người và các loại thuốc bảo vệ thực vật”. Kẹo lật đật giải thích với “người Mỹ”. “Hoặc là nếu có hàng, các anh có thể cung cấp cho chúng tôi ở đâu? Tất nhiên là ngoài biên giới”.

“Người Mỹ” trả lời không cần suy nghĩ: “Nếu đưa hàng sang biên giới cũng có thể làm. Sang nước khác, chỉ mất 5 triệu kíp/kg. Nhưng sang Việt Nam thì phải trả tiền trước 100% giá trị lô hàng. Nếu mất hàng, chúng tôi chịu mất người và đền lại 30% tiền”. Anh ta cũng nói thêm về những “cánh cửa” để có thể đi về Việt Nam, nó đâu đó ở những con đường mòn biên giới phía bắc. “Người Mỹ” khoát tay, chiếc áo vô tình bị kéo lên lộ ra loang lổ những hình xăm nhiều mầu ở phía thắt lưng của anh ta. “Có thể đưa qua khu vực Sầm Nưa, Sốp Bau hay Hủa Phăn… Hoặc các anh có thể sang Thailand, hoặc Campuchia, đi bên đó dễ hơn”.

Nói về phương thức hợp tác đầu tư, “người Mỹ” trầm hẳn xuống. Anh ta không muốn nhắc tới khu vực trồng cây cần sa mà chỉ nói rằng, hiện tại thích hợp nhất để trồng cần sa tại đây là vùng Laksao, nó nằm ở Muang Mangkeoth, thuộc tỉnh Bolykhamxay. Đây là vùng đất nằm bên sườn tây của dãy Trường Sơn. Vùng này có độ cao hơn các vùng khác, khí hậu mát mẻ. Qua lời “người Mỹ”, thì hiện tại đây là vùng đang trồng loại cây này nhiều nhất và tốt nhất.

Cuộc nói chuyện kết thúc mà không có lời cam kết nào được đưa ra.

Khi ra về, Lích lưu lại sau và nói với chúng tôi “Mai tôi sẽ đưa các anh vào vườn. Đây mới chỉ là một đối tác”.

Ngày 28/12/2022, Bộ Y tế nước CHDCND Lào đã có quyết định về việc quản lý cây cần sa sử dụng trong y tế và làm hàng hóa. Qua đó, Quyết định số 3789 của bộ này đã quy định nguyên tắc, quy định biện pháp về việc quản lý cây cần sa sử dụng trong y tế và làm hàng hóa nhằm tiến hành công việc trên đúng và phù hợp với nguyên tắc quản lý trong khu vực và trên thế giới. Trong đó cũng giải thích quản lý cây cần sa sử dụng trong y tế và làm hàng hóa là nghiên cứu, xem xét, cấp phép, theo dõi, kiểm tra, đánh giá và báo cáo công việc về cây cần sa trong việc trồng, chiết xuất, sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ, bảo quản, nghiên cứu, phân tích về khoa học.

Tiếp đó, ngày 10/2/2023, Thủ tướng nước CHDCND Lào Sonxay Siphandon có quyết định cho ký hợp đồng tô nhượng về việc đầu tư trồng cây Pokeo sử dụng phía y học và thành hàng hóa (giai đoạn thử nghiệm) tại khu vực bản Phonhongnaphai, huyện Thoulakhom, tỉnh Viêng Chăn giữa Chính phủ nước CHDCND Lào với Công ty TNHH MTV khuyến khích nông nghiệp tổng hợp MEK Lào. Qua đó giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ ký hợp đồng tô nhượng về việc đầu tư trồng thực vật Pokeo sử dụng phía y học và thành hàng hóa (giai đoạn thử nghiệm) trong diện tích 100 ha tại khu vực đã nêu trên.

Đến nhà Lích

Ngày thứ 4 tại Vientian, chúng tôi xuống nhà Lích theo lời mời của gia chủ. Lích lái xe xuống thủ đô đón khách, trên đường về tranh thủ rẽ vào chợ mua đồ nhậu. Những chợ tạm ven đường lúc nào cũng sẵn thức ăn. Đồ ăn ở bên này đơn giản, là gà luộc, thịt, cá da trơn. Rau chủ yếu là dùng ăn sống chứ không làm nhiều món.

Nhà Lích là căn biệt thự xinh xắn. Qua cánh cổng sắt kín mít, bên trong đã bắt gặp góc vườn trồng cây cần sa trong những chiếc thùng xốp lô nhô cây cao, cây thấp. “Hạt giống ở đây chúng tôi phải mua từ Mỹ, giá mỗi hạt là 100 USD. Sau hai mùa thì lại phải mua hạt giống mới vì cây cũ bị thoái hóa sẽ không cho búp nữa”.

Như vậy, Lích và người của ông ta cũng đã có thâm niên nhiều năm trồng loại cây này.

Trong bữa cơm, Lích trực tiếp lấy búp cần sa ra để xay cần tiếp khách. Những búp cần được bỏ vào máy, xay nhỏ, từ đó đùn ra một cái phễu có gắn sẵn phôi cuốn. “Vỏ cuốn và máy xay này được mua về từ Thailand”, Lích chậm rãi nói. Trong khi đó, Kẹo tranh thủ rít vài hơi và tỏ ra cực kỳ thích thú. Có khách, anh ta mới được sử dụng loại thuốc này. Thông thường, Kẹo vẫn lấy thuốc lẻ từ Lích để bán cho khách du lịch và sử dụng lại những gì khách cho (mỗi điếu Kẹo bán cho du khách với giá tương đương 150-200 nghìn đồng Việt Nam). Sau bữa ăn, Lích lấy ra một chiếc bánh mầu nâu cắt nhỏ làm sáu phần. “Mỗi người chỉ nên ăn một phần thôi kẻo sẽ bị say”. Kẹo cho biết, đấy là bánh cần sa rồi nhón tay lấy một miếng bánh. Từ khi tới, Kẹo đã đốt liên tục mấy điếu cần sa. Khi say cần, giọng anh ta líu lo như chim. Nghe còn không rõ lời.

Ngày thứ 5 ở Vientian, “người Mỹ” không xuất hiện nữa mà gửi lời qua Lích. Số lượng cần sa bao nhiêu cũng có. Ít nhất là có sẵn 1 tấn hàng. “Người ta không muốn đưa các anh vào vườn vì lý do an ninh. Việc đưa hàng sang Việt Nam cũng khó. Vì bên Việt Nam làm rất chặt”.

Có thể thấy, cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và “người Mỹ” không mang lại kết quả như anh ta kỳ vọng.

Lích, sau khi nói đi nói lại về việc “Đừng lên biên giới phía bắc, vì chúng tôi toàn gửi hàng lên đó thôi. Nếu định mua ma túy khác thì hãy lên phía bắc, khu vực Tam giác vàng, nếu mua cần sa thì chỉ cần ở lại đây. Bao nhiêu cũng có”. Thấy khách vẫn có vẻ chưa tin, Lích lấy trong tủ ra một gói nylon đã được dán kỹ, trong đó có ghi địa chỉ của một người ở tỉnh Xiêng Khoảng. Lích lấy dao rạch gói hàng ra. Bên trong là những búp cần sa đã được bọc gọn gàng để gửi đi theo đường bưu điện. Bóc lô hàng này ra, ông ta rõ ràng muốn chứng tỏ khả năng cung cấp cần sa của mình đi nhiều nơi trong nước Lào.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm