(GLO)- Cuối năm nay cả nước được tắm trong một cơn lạnh chưa từng có. Ở Gia Lai thường thì sau Noel là hết lạnh, thế mà đến ngày ông Công ông Táo vẫn thon thót rét, người nào người nấy ra đường vẫn tùm hụp đủ loại áo sống len dạ, dù trời vẫn nắng, nắng đến vàng cả những cơn gió bất kham vần vũ, những cơn gió tiếp thêm cái lạnh cắt vào da thịt, nắng đến trong veo cái nhìn của cô gái kín mít từ đầu đến chân chỉ còn mỗi đôi mắt long lanh như... nắng. Người thành phố còn đỡ, về các làng vùng xa, cái lạnh càng cắt ruột, dù năm nay, các chế độ chính sách đối với người nghèo, người khó khăn có vẻ dồi dào hơn. Ngoài Nhà nước thì các cá nhân, doanh nghiệp, tập thể làm từ thiện… nhiều hơn, đông hơn và thiết thực hơn với những món quà ý nghĩa.
Những ngày cuối năm dạo chợ thấy hàng hóa có vẻ tiêu thụ được ít, người bán hàng ngồi xuýt xoa vì lạnh và cũng xuýt xoa vì những đống hàng còn tồn. Còn dăm ba ngày nữa, tốc độ sắm Tết có được đẩy lên?
Đường Nguyễn Tất Thành trong những ngày cuối năm. Ảnh: Hồng Thi |
Cuối năm tất bật thế, nhưng cứ rảnh chút nào lại thoảng một nỗi buồn vô cớ. Cứ xa xăm, cứ mong mỏng chứ không có gì định hình rõ rệt. Lâng lâng như một hớp rượu quê uống ở một chiều cuối năm nào đó, mà lại cứ mù mịt trong những chuỗi nhập men ký ức khiến ta chập chờn trong những nỗi niềm không cắt nghĩa được, cái nỗi niềm của cuối năm xa vắng. Người Việt ta có tập tục cứ Tết là sum họp và người Việt hiện tại thì lại có xu hướng đi làm ăn xa. Vì thế mà cuối năm, cái nỗi nhớ nhà, cố hương nó cứ cuộn lên, cứ nhoi nhói trong tâm thức mỗi người, kể cả những người không phải xa quê. Bởi người không xa quê thì lại nhớ người xa quê. Những người bà con anh em đang lận đận phương trời xa, cũng đang ngóng về quê nhà.
Tết (tiết) âm lịch của ta thực ra chỉ có 3 ngày, nguyên đán tức sự khởi đầu của buổi sáng sớm. Các cụ xưa hay nói “Ba ngày tết’, là nói số 3 cụ thể chứ không phải số nhiều định lượng, nên mới có lịch cụ thể: Mùng một tết cha, mùng 2 tết mẹ mùng 3 tết thầy. Tết năm nay được nghỉ đến 9 ngày chứ không 3 ngày như trước. Và bây giờ người ta cũng không còn phải thon thót lo cân thịt nồi bánh như trước. Bây giờ mối lo không cụ thể vào nồi gạo ví tiền, mà mối lo là làm sao tiêu cho hết 9 ngày nghỉ. Những nhà có điều kiện, nhất là ở thành phố thì bàn chuyện đi chơi, cũng là một cách tạo ra bận rộn như ngày xưa lo đụng heo tát ao, nhưng nó sang hơn, sự bận rộn tao nhã hơn dù mồ hôi thì mặn như nhau và đồng tiền thì cũng từ hầu bao mình mà ra, trừ các bác được biếu hoặc tiền ở đâu tự nhiên nó vào không biết.
Ảnh: Văn Ngọc |
Người dân Tây Nguyên hiện nay cũng đã quen với Tết Nguyên đán của người Kinh. Dù không trở thành Tết trọng thì những ngày cuối năm này, họ cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền, họ cũng tự tổ chức Tết với phong tục mới, bên cạnh những Tết truyền thống của họ như cơm mới chẳng hạn. Sự giao hòa văn hóa dẫn đến có thêm những phong tục sinh sôi trong cộng đồng. Tuy vậy cũng cần cảnh giác với những sự có thể vô tình hay cố ý áp đặt văn hóa một cách khiên cưỡng, khiến cho có sự tổn thương hay ngộ nhận trong quá trình tiếp nhận và ứng xử văn hóa.
Nội dung Tết thay đổi thì kết cấu xã hội gia đình cũng phải thay đổi cho phù hợp. Xã hội phải lo chỗ chơi cho dân để họ tiêu hết ngày và cả tiêu hết… tiền, phải lo phương tiện đi lại để không ùn đường không tắc đường, để dân không phải vạ vật ở các bến tàu bến xe. Gia đình thì phải chấp nhận có khi Tết con nó không về, bởi nó đi du lịch khắp nước hoặc nước ngoài. Trước chỉ mong Tết để về với cha mẹ, với quê hương, giờ chưa chắc. Có khi chỉ một cú điện thoại lúc giao thừa, nhưng lúc ấy lại hay nghẽn mạng. Trước mong con về nhưng cũng thon thót lo cái ăn cho nó trong 3 ngày Tết, rồi còn tiền xe cho nó. Giờ thì con cái đi làm gửi tiền về, Tết thì… điện thoại. Thôn quê cứ vò võ nhớ, vò võ buồn, vò võ chờ đợi…
Cái tục thăm nhau ngày Tết cũng thay đổi để thích nghi. Người ta dành tất cả ngày Tết để đi thăm nhau, nhà nào cũng phải một hai ly, đến mệt phờ, đến buồn ngủ. Sau nhiều cơ quan có sáng kiến, ngày cuối cùng của năm, trước khi nghỉ Tết, cả cơ quan gặp mặt một cuộc, thủ trưởng lì xì xong tuyên bố: Thôi để dành thời gian… chơi! Thế mà kinh nghiệm này hay phết. Nhưng ở nông thôn thì cái tục thăm nhau vẫn giữ nguyên và nó là sợi dây kéo tình làng nghĩa xóm, ràng buộc con người trong những mối quan hệ tốt đẹp vốn dĩ làm nên văn hóa Việt từ ngàn đời nay…
Những ngày cuối năm đến là lạ. Nó cứ nửa bận rộn nửa nhàn rỗi để rồi con người lạc vào mê trận của những hoài niệm, dẫu đó là những hoài niệm buồn. Và vì thế mà cuối năm con người hay buồn, mỗi người có một cái cớ để buồn, từ anh nông dân đến chị tiểu thương cho đến nhiều lớp người khác. Nỗi buồn man mác ấy chưng cất nên một không khí Tết Việt để rồi vỡ òa niềm vui khi giao thừa tới. Trịnh trọng và thiêng liêng, cái thời khắc duy nhất của năm khiến con người thành tâm nhất để mà kính cẩn trước đất trời, trước ông bà tổ tiên, trước cái tinh khôi của một năm mới sẽ mở ra từ thời khắc này. Trong khói hương thoang thoảng, những ngày cuối năm khép lại.
Hoàng Hương Giang