Những ngày nhàn hạ ở Pù Luông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù nằm ngửa mặt ngắm trời mây hay cắm đầu chinh phục những con dốc trơn trượt thì những trải nghiệm Pù Luông với tôi thật sự nhàn hạ, không phải thể chất mà trong tâm trí
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm trải dài trên hai huyện Bá Thước và Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây chỉ có những căn nhà sàn lợp lá cọ, những thửa ruộng bậc thang thoai thoải, những khối núi trùng điệp mỗi sớm mai vờn đùa cùng mây trắng và cơ số hang động, thác nước hoang sơ.
Thong dong cùng suối, thác
Chúng tôi đến làng Chiềng Lau (xã Ban Công, huyện Bá Thước) lúc sáng sớm. Hiện ra trước mắt là một bức tranh quê yên bình có chiếc cầu treo bắc ngang con suối, ruộng bậc thang đã ngả vàng thơm mùi lúa chín, những ngôi nhà lá nép mình sau những rặng cây.
Việc đầu tiên làm ở Chiềng Lau là tắm thác và cắm trại trên bè tre. Ở đây không có hồ bơi vô cực, chỉ có những hồ nước giữa rừng trong vắt tận đáy. Ở những đoạn suối nhỏ tạo thành hố sục bọt tung trắng xóa; chỗ nước sâu hơn, mặt nước phẳng lì tạo thành những bồn tắm nhỏ riêng tư kín đáo; ở những chỗ có thác thì lại có dịp được massage miễn phí. Cả ngày nằm nghe tiếng thác, đói lại ăn, ăn xong lại ngửa mặt nhìn mây trời, đời thật thong dong!
 
Phòng ngủ cùng gian bếp xinh bên bờ suối
Phòng ngủ cùng gian bếp xinh bên bờ suối
Trời nhá nhem tối, chúng tôi mỗi người một việc, đứa lăng xăng dựng lều trên bè tre, đứa hì hục thổi lửa, đứa loay hoay xếp bàn ghế chuẩn bị thức ăn. Chẳng mấy chốc, chúng tôi có một gian bếp xinh trên bãi đá cuội, một chiếc phòng ngủ lung linh ở giữa con suối. Trăng thanh gió mát, bên đóm lửa bập bùng, chúng tôi mãi mê hàn huyên về những chuyến đi.
Trời dần sáng, cảnh vật rõ nét hơn, mây của trời để gió dắt đi vắt ngang lưng chừng núi, những thân cây cao thẳng tắp, lá khẽ lay chào ngày mới sang. Âm thanh cuộc sống thường nhật trở lại, người vác rựa mang gùi lên nương làm rẫy, kẻ tắm mình trong làn nước giá lạnh để mang những thân cây luồng vừa đốn hạ đem ra ngoài bán, anh chủ nhà cũng tất bật chèo bè đưa khách tham quan.
Hành xác với dốc trơn
Tạm biệt khung cảnh nên thơ hữu tình, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Pù Luông. Từ Chiềng Lau, chúng tôi bắt xe ôm đến làng Báng (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) để gặp người dẫn đường cho chuyến leo núi 2 ngày 1 đêm.
Mấy hôm trước, Pù Luông có mưa nên lũ vắt được dịp mở hội. Nhưng trong chuyến đi này, tôi thấy vắt không đáng ngại bằng những con dốc. Càng lên cao, độ ẩm tăng dần, đất trở nên mềm hơn, đường dốc trơn trượt và không có điểm tựa. Trong ký ức của tôi, đường lên núi không có đoạn đường phẳng, chỉ có những con dốc, dốc mẹ bồng dốc con cứ thế nối tiếp nhau.
Chúng tôi mất hơn 5 giờ để đến chỗ nghỉ đêm. Đó là một hang đá lớn, bên dưới kê những miếng gỗ to. Trời tối dần, anh bạn dẫn đường phải nhóm lửa thật to ở cửa hang để giữ ấm và tránh thú dữ. Trên đường đi, anh hái ít măng đắng và tìm bắt những con ốc sên để chúng tôi thưởng thức. Một đêm say sưa với đặc sản núi rừng và bia trái cây từ miền xuôi thật xứng đáng cho hành trình vất vả hôm ấy.
Đêm xuống, sương dày đặc, gió hú dữ dội hơn. Dù đã có tấm bạt giăng trước cửa hang để chắn gió, dù đã phải nhiều lần thức giấc để châm thêm củi, dù cả nhóm nằm co ro chen chúc cũng không thể chống lại cái thời tiết đêm đó - cái lạnh không thấu xương nhưng cũng đủ để nhung nhớ.
 
Đỉnh Pù Luông mờ sương
Đỉnh Pù Luông mờ sương
Hôm sau, chúng tôi mất hơn 1 giờ băng rừng để chạm tay vào cột mốc đỉnh Pù Luông ở độ cao 1.700 m. Với tôi, leo núi là một thử thách, vượt qua giới hạn bản thân cũng như thêm một lần nhìn lại sức khỏe của chính mình.
Chúng tôi đi xuống bằng lối khác ít dốc nhưng quãng đường dài và cây cối rậm rạp hơn. Vừa đi vừa rôm rả trò chuyện, tôi bỗng trượt chân tạo một đường cầu tuột rất dài hằn trên mặt đất, tuổi thơ bỗng ùa về trong tích tắc, cả nhóm được dịp cười phá lên. Đường đi xuống có vẻ dễ hơn nhưng những con dốc vẫn rất trơn, sau cú té đầu tiên, tôi không nhớ hết được đã bao lần "chụp ếch" và mấy phen trượt cầu tuột trong khu rừng này.
Sau hơn 5 giờ lê la trong rừng, chúng tôi đã ra tới con đường nhựa, tay chân đen nhẻm, quần áo lấm lem nhưng ai nấy đều hớn hở tươi cười vì một Pù Luông rất hiền hòa và gần gũi.
Bài và ảnh: TRƯƠNG LAN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm