Phóng sự - Ký sự

Những ngôi làng thách thức sạt lở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sạt lở núi, vùi nhà làm chết người đã trở thành thảm họa, đe dọa hàng triệu dân miền núi, biên giới nói chung, hàng vạn hộ dân miền núi Quảng Nam nói riêng. Giữa tháng 10-2017, lũ quét, lở núi, sập nhà, vùi chết 18 người tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tang thương chưa vơi, thì giữa tháng 11-2017, mưa lớn sau hoàn lưu bão số 12 đã liên tiếp gây sạt núi, đè sập nhà và vùi chết 20 người tại 2 huyện Nam và Bắc Trà My, Quảng Nam. Trong khi đó, riêng với huyện biên giới Tây Giang - nơi thường xuyên xảy ra sạt núi trước đây - thì hơn 10 năm nay không có người chết vì lũ lụt, mất nhà do sạt lở núi. Hơn 90% ngôi làng mới ở đây đã bình yên qua mỗi mùa bão lũ, thách thức với sạt lở…

Sạt núi đã trở thành thảm họa

Tôi bỏ dở sự kiện APEC với nhiều hoạt động quan trọng để ngược lên Bắc Trà My giữa tháng 11, bởi hung tin sạt núi, vùi nhà, làm chết hàng chục người dân.

 

Những ngôi làng bố trí tái định cư tập trung trên những ngọn đồi bát úp ở huyện Tây Giang an toàn tuyệt đối trước lũ lụt và thách thức với sạt lở núi.
Những ngôi làng bố trí tái định cư tập trung trên những ngọn đồi bát úp ở huyện Tây Giang an toàn tuyệt đối trước lũ lụt và thách thức với sạt lở núi.

Quốc lộ 1A vẫn còn chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà vẫn ngâm chìm trong cuồng lũ đỏ quạch. Vòng lên đường cao tốc mới tiếp cận được đường lên Trà My. Nhưng, suốt dọc tuyến, nhiều lần chúng tôi phải dừng chờ cả tiếng đồng hồ, chờ xe ủi thông đường.

Sạt lở khắp nơi, ngành giao thông Quảng Nam đã bố trí cả chục xe múc nằm tại chỗ để đảm bảo lưu thông với miền núi. Nhìn những quả đồi dựng đứng ven đường đã đổ ập xuống vực, hàng ngàn mét khối đất đá chất ngổn ngang ai nấy đều rùng mình khi liên tưởng đến những ngôi nhà bị vùi sau lở đất. Vẫn biết ở vùng cao, phần lớn nhà dân đều gần núi, nhưng cũng phải nói là nhiều người còn chủ quan, chỉ vì được ở mặt tiền, thuận lợi giao thương, đi lại mà cố xây nhà sát vách núi dựng đứng ngay sau lưng. Đến khi bị sạt lở, sập nhà thì ân hận không còn kịp. Khi nhà dân bị núi đè, người chết thì cũng bộc lộ công tác quản lý nhà nước còn quá lỏng lẻo. Không chỉ thiếu khoa học trong khâu quy hoạch, mà việc cấp phép xây dựng cũng biểu hiện thiếu trách nhiệm. Đến khi hậu quả xảy ra nặng nề sau thiên tai thì chỉ người dân gánh chịu. Lẽ ra, những nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao như thế thì không bố trí, cấp phép xây dựng. Thậm chí xử lý hành chính, cưỡng chế, không cho thi công để đảm bảo an toàn cho dân.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - ông Trần Anh Tuấn - cho biết: Khi mưa to, cảnh báo lũ quét, sạt lở núi, chính quyền đã cương quyết sơ tán dân. Đặc biệt, tại vùng thấp trũng, ven sông suối, sát chân núi...  đã triển khai công tác di dời quyết liệt. Tại xã Trà Bui, chính quyền đã gần như cưỡng chế để di dời 70 người dân trong 10 ngôi nhà gần sông. Quả đúng như điều lo sợ, vừa sơ tán 70 người này đến nơi ở an toàn thì trong đêm 6.11, sạt núi đã xóa cùng lúc 10 căn nhà đó. Có rất nhiều khu vực xung yếu đã xảy ra cảnh tương tự. Tuy vậy, chính quyền cũng chỉ tập trung sơ tán dân ở vùng sâu vùng xa, vùng có nguy cơ cao. Không ngờ hàng loạt tai nạn sạt núi thương tâm lại xảy ra ngay giữa thị trấn.


Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết, công tác quy hoạch, sắp xếp lại dân cư là thực hiện thường niên. Tuy nhiên, việc di dời dân cũng mang tính động viên là chính. Phần lớn người dân tự tìm chỗ ở mới, chính quyền hỗ trợ để họ di dời. Tái định cư theo hình thức xen kẽ, phân tán. Bởi vậy, nếu bảo đã yên tâm với vấn nạn sạt núi hay chưa, người dân đã được an toàn hay chưa... thì cả chính quyền và nhân dân đều không dám trả lời chắc.

Nếu trước đây, sạt núi, tắc đường, hoặc thi thoảng có một vài trường hợp nhà dân bị sạt lở, vùi nhà, chết người là trường hợp hy hữu, thì những mùa đông gần đây, tại các huyện Nam, Bắc Trà My đã xảy ra phổ biến, hàng loạt, thậm chí có thể gọi là thảm họa bởi số nhà bị núi vùi đã lên con số gần cả trăm nhà, hàng chục người chết.

Làng trên ngọn đồi bát úp

 

Sạt lở núi, vùi nhà, làm chết người đã xảy ra hàng loạt, đang thành thảm họa ở huyện Nam và Bắc Trà My, Quảng Nam.
Sạt lở núi, vùi nhà, làm chết người đã xảy ra hàng loạt, đang thành thảm họa ở huyện Nam và Bắc Trà My, Quảng Nam.

Trong khi vấn nạn sạt núi, vùi lấp nhà xảy ra dồn dập, thành thảm họa như vậy ở các huyện Trà My, Phước Sơn thì huyện biên giới Tây Giang lại bình yên đến kỳ lạ. Ở Tây Giang, mưa vẫn lớn, lũ cứ to, đó đây vẫn xảy ra sạt núi, tắc đường... nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ nhà dân nào bị núi sạt, vùi lấp, gây thương vong cho người dân.

Chúng tôi ngược lên Tây Giang giữa mùa nước lũ. Con sông A Vương quạch đỏ phù sa, cuồng cuộn dữ dội đổ về xuôi. Thế nhưng các làng bản Cơ Tu vẫn ấm êm.

Gặp nhau vội vàng bên bờ tây con sông Lăng, Thôn trưởng Bling Phát nói ngắn gọn: “Nếu các anh muốn đến làng Pơ Rning để thăm chơi, uống rượu sâm ba kích thì vào, còn tìm hiểu về tình hình lũ lụt, sạt lở thì không cần đâu. Hơn mười năm nay, kể từ khi di dời về làng mới, Pơ Rning không có nhà nào bị ảnh hưởng gì cả”.

Con sông Lăng chảy từ biên giới Lào về đất Việt là một trong những nhánh lớn của dòng A Vương, thường gây sạt lở, trôi nhà dân, thì nay ít được nhắc đến. Làng Tà Ry vốn “nổi tiếng” bởi năm nào cũng bị mất đi vài mạng dân, vài nhà bị sạt lở vùi lấp, hoặc xuống sông nhưng bây giờ không còn nữa. Người dân thuộc làng Tà Ry ở ven sông Lăng đã di dời hoàn toàn về Pơ Rning, quần tụ trên một ngọn đồi bát úp.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch huyện Tây Giang - cho biết, cho đến thời điểm này của mùa mưa, Tây Giang vẫn bình an, chưa người nào bị nạn vì lũ lụt, sạt lở núi. Chưa thể khẳng định chắc 100% dân chúng sẽ an toàn trong mùa mưa lũ, song có thể nói ngay, 74 trong số 95 thôn, làng đã hoàn tất việc sắp xếp lại dân cư thì hoàn toàn yên tâm.

Theo ông Linh, đến năm 2003, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam mới được tái lập. 100% thôn bản, làng xã đều nằm ven sông, suối, tận giữa rừng sâu, vùng biên giới. Chỉ mưa to là sạt núi, tắc đường, cả bản làng bị cô lập. Riêng mỗi mùa mưa bão, ở Tây Giang đều có hung tin sạt núi, vùi nhà, người trôi....

Nhưng cũng chính vì môi trường sống không an toàn, thiên tai luôn rình rập, nên khi có chủ trương sắp xếp lại dân cư, bố trí các khu làng tập trung ổn định, an toàn, thì người dân đều đồng lòng, chính quyền thực hiện thuận lợi. Cho đến nay, huyện đã tái định cư tuyệt đối được 74 trong tổng số 95 làng thuộc 10 xã. Việc tái định cư này được khảo sát rất công phu, thiết kế khoa học và phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào nên không chỉ an toàn mà còn bền vững.

Theo ông Linh, huyện đã dày công khảo sát, tìm những ngọn đồi hình bát úp, sau đấy cho sang ủi, tạo mặt bằng trên đình, bố trí làng ngay trên cao để tránh xa sông suối, vách núi. Tre được trồng thành lũy quanh làng vừa chống sạt lở ta luy âm, vừa tạo cảnh quan. Làng mới cũng thuận lợi giao thông, gần nơi sản xuất. Chính quyền cũng chọn nơi có nguy cơ hoặc đang bị sạt lở nặng để làm trước, chọn nơi già làng có tiếng nói uy tín để thuyết phục... Khi hình thành được những làm mẫu an toàn như vậy, việc thuyết phục các làng còn lại để người dân tình nguyện di dời đến nơi ở mới sẽ  thuận tiện. “Cũng chính vì tái định cư tập trung như vậy, ngân sách tiết kiệm được rất nhiều khi đầu tư cho hạ tầng như giao thông, y tế, trường học, các thiết chế văn hóa, Gươil...” Ông Linh cho biết thêm.

Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang - nêu quan điểm: Khi người dân bỏ tục du canh du cư, có được nơi ở ổn định, an toàn, chính quyền mới bố trí, cấp sổ đỏ đất sản xuất, đất rừng ổn định được cho họ. Khi quản lý chặt chẽ được nhân khẩu, đất đai, thì chính quyền có thể làm trung gian để cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đứng ra thuê đất của dân mà sản xuất, kinh doanh. Người dân cũng yên tâm cho thuê đất, rừng. Nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn tốt, sẽ thuê lại người dân chăm sóc, trồng rừng trên chính mảnh đất của họ. Như vậy, người dân được hưởng lợi 2 lần trên mảnh đất của mình. Ngược lại, doanh nghiệp cũng yên tâm mà đầu tư.

Khi người dân được an cư, chính quyền mới “rảnh tay”, nghĩ đến các chiến lược phát triển kinh tế, tìm hướng để làm du lịch, dịch vụ, phát huy lợi thế thiên nhiên miền núi. Bởi vậy, việc sắp xếp lại mặt bằng, bố trí tái định cư tập trung cho dân không chỉ đạt được mục tiêu trước mắt là tránh thảm họa lũ lụt, sạt lở núi, chết người... mà còn là hướng phản triển bền vững cho miền núi, cần triển khai, nhân rộng mô hình này cho toàn quốc.

Thanh Hải/laodong

Có thể bạn quan tâm