(GLO)- Những năm trước đây, nhóm anh em chúng tôi được phân công đi tìm tư liệu phục vụ cho việc hình thành cuốn “Lịch sử Báo chí Cách mạng Gia Lai từ 1945-2010”. Cuộc “mò kim đáy biển” vô cùng gian nan, anh em phải đi từ Bắc chí Nam, khắp các vùng miền để tìm lại những nhân chứng, dấu vết còn lại từ 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước có liên quan đến Gia Lai cũng như Tây Nguyên. Trong lĩnh vực báo chí, tuyên truyền thời ấy, chúng tôi may mắn tìm được 2 người trực tiếp viết chữ ngược trên đá để in ra những tờ báo đầu tiên trong điều kiện thiếu thốn trăm bề.
Cuối năm 2012, chúng tôi lặn lội về thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tìm gặp được ông Nguyễn Thái Thưởng, năm đó đã ngoài 80 tuổi nhưng tinh thần còn minh mẫn, trí nhớ khá tốt. Vui vẻ tiếp chúng tôi như những người thân thuộc, ông bắt đầu hồi tưởng lại một thời kỳ làm cách mạng ở Gia Lai.
Làm báo thời chống Pháp
Ông Thưởng kể: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi từ Cheo Reo lên Pleiku làm việc tại Văn phòng Chi đội 5 (Chi đội Tây Sơn). Đến tháng 10-1945, anh Phan Thêm-phái viên Xứ ủy Trung kỳ về làm Bí thư Tỉnh ủy và giữ tôi lại giúp việc ở Văn phòng Việt Minh tỉnh Gia Lai. Cuối tháng 6-1946, giặc Pháp tái chiếm thị xã Pleiku, toàn bộ quân-dân-chính phải tạm thời lui về đóng tại Vĩnh Thạnh và Bình Khê (tỉnh Bình Định).
Tại đây, anh Phan Thêm, Phan Bá và các anh trong Tỉnh ủy bàn nhau ra tờ báo để tuyên truyền phục vụ cho kháng chiến ở địa phương. Đầu tháng 8-1946, anh Phan Bá (Võ Đông Giang), Tỉnh ủy viên, đưa tôi ra Chợ Chùa, Quảng Ngãi học cách in litho. Cả anh và tôi đều tìm hiểu, thực hành cách in litho tại chỗ. Sau một tuần miệt mài học và làm thử thấy tương đối được, hai anh em trở về Vĩnh Thạnh với một bảng đá hoa cẩm thạch trắng (34x46 cm), 2 thỏi mực charbonnaise, mấy hộp mực in litho và một số dụng cụ cần thiết cho in ấn, như ngòi viết, rouleau (con lăn) cao su, keo dán… Nhóm in litho được hình thành ban đầu gồm 3 người: anh Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Hồng Lạc và tôi. Trong nhóm, tôi là người viết chữ đẹp hơn và đã học in trước nên được phân làm trưởng nhóm, có nhiệm vụ hướng dẫn lại 2 anh và trực tiếp viết chữ ngược. Để thuần thục việc in ấn trên đá, chúng tôi được giao in một số truyền đơn, áp phích và in lại một số bài của báo Cứu Quốc, Sự Thật, Quyết Thắng phục vụ công tác tuyên truyền trong vùng địch hậu. Bản thân tôi phải nỗ lực tập viết chữ ngược (cả chữ thường và chữ hoa) để khi bước vào làm báo tránh được sai sót.
Ông Nguyễn Thái Thưởng (bìa phải) trò chuyện với tác giả (áo ca rô). Ảnh: Quốc Ninh |
Công đoạn in litho rất cầu kỳ, tỉ mỉ, còn gọi là in bảng đá có lẽ là kỹ thuật in cổ xưa nhất của loài người, hoàn toàn thủ công. Ông Thưởng cho biết, đầu tiên người thợ in phải dùng một hòn đá nhám, phẳng, đổ nước mài lên mặt của bảng đá cho sạch các nét cũ nhưng không được làm trầy xước mặt đá, để khô rồi dùng thước kẻ, bút chì kẻ ô trên mặt đá. Khi thao tác, người thợ không chạm tay hoặc để mồ hôi rơi vào mặt đá để tránh gây nhòe khi in. Sau đó, lấy một ít mực charbonnaise hòa với nước cho vào nắp kim loại, đem đun sôi cho mực tan ra. Bấy giờ, người viết dùng bút sắt viết chữ ngược lên bảng đá (nếu có hình vẽ, dùng giấy carbon để vẽ trên bảng đá rồi tô lại bằng mực). Đây là công đoạn phải tập trung cao độ. Viết (vẽ) xong trên bảng đá thì dùng keo dán loãng đổ lên toàn bộ bảng đá, dùng ngón tay trỏ thấm mực litho thoa nhẹ lên phần đã viết (vẽ). Lúc này, mực litho mới bám vào chỗ có nét mực charbonnaise, gọi là “lên cốt”. Đến đây, tốp thợ in phải quan sát trên mặt đá, nếu chỗ nào có vết nhòe bẩn do sơ ý chạm tay vào thì có thể dùng lưỡi dao lam để cạo sạch; có lúc phải sửa và viết lại một phần bị bôi bẩn. Đến công đoạn in, dùng vải thấm nước đường pha loãng xoa ướt đều mặt đá, xong dùng rouleau lăn mực litho lên.
Ông Thưởng nhớ lại: Khi việc tập in litho của chúng tôi đã tương đối nhuần nhuyễn và công cụ, vật tư để bắt tay vào in ấn cũng được trang bị đầy đủ, đến giữa tháng 9-1946, trên đất Vĩnh Thạnh (Bình Định), chúng tôi được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ in tờ Thông tin Gia Lai đầu tiên, dưới danh nghĩa là tiếng nói của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Hành chính tỉnh Gia Lai. Số báo này in 2 trang, khổ A3 với bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9”. Tờ báo đầu tiên của tỉnh được in thành công và phát hành rộng rãi trong cán bộ, nhân dân. Chúng tôi và các đồng chí lãnh đạo vô cùng hoan hỉ. Từ đây, công việc in và xuất bản báo được tiến hành thường xuyên, có tháng ra 2 đến 3 số Thông tin Gia Lai.
Đến tháng 3-1947, Tỉnh ủy quyết định cho xuất bản tờ báo Sáng với danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai để tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Công việc in ấn ngày càng bận rộn và vất vả nhưng chúng tôi đều vui vẻ, tận tình với “xưởng in” litho của mình. Dù có lúc bị địch khủng bố, càn quét, phải dời “xưởng in” đi nhiều nơi để đảm bảo an toàn nhưng chúng tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó. Đến cuối năm 1947, do tình hình có sự biến chuyển, lãnh đạo tỉnh bấy giờ cho đình bản tờ báo Sáng và tờ Thông tin Gia Lai để cùng phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung đoàn 210 cho ra đời tờ Nỗ Lực. “Xưởng in” và anh em làm nhiệm vụ in ấn được lệnh chuyển giao kỹ thuật, vật tư và huấn luyện cách viết chữ ngược trên đá cho các đồng chí bên quân đội. Chúng tôi theo cơ quan dân chính chuyển về chiến khu Đê Groi (huyện Đak Pơt, tỉnh Gia Lai) và nhận nhiệm vụ mới được phân công.
Lần đầu in ảnh Bác Hồ
Ông Nguyễn Văn Bồng còn nhắc đến những đồng đội của mình một thời trong tổ in litho ở căn cứ, như: Phạm Thanh Văn, Lê Tấn Minh, Đặng Nứ, Lê Ngọc Giàu, Đặng Công Chánh (Hiển), Trần Quang Ba… Anh em thời ấy không ai không biết bài thơ về phiến đá in (không rõ tác giả) để động viên nhau: “Mài, kỳ cọ, rửa sạch đá, phơi khô/Ta yêu đá, đá yêu ta khó nhọc/Nâng tay viết nhẹ nhàng yêu Tổ quốc/Hỡi đồng bào, lời kêu gọi Đảng ta/Diệt giặc dốt đứng lên làm cách mạng/Có cái chữ đồng bào yêu tha thiết/Trên lưng ta đá vượt mấy dặm đường/Ra tiền tuyến góp công vào kháng chiến/Nào ai biết đá làm nên lịch sử/ Đánh Tây rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng”. |
Ở TP. Pleiku, trong lớp người kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Bồng. Bây giờ, ông cũng đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng còn khá minh mẫn. Ông cho biết, khi được điều về tiếp quản “công nghệ” để tiếp tục làm báo ở vùng căn cứ cách mạng trong thời chống Mỹ, ông cũng không có gì hơn ngoài bảng đá và vài thứ vật tư như của lớp đàn anh đi trước, nhưng yêu cầu của công tác tuyên truyền lại phải sâu sát hơn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài tờ báo tiếng phổ thông, anh em còn phải in tờ báo chuyển ngữ sang tiếng Bahnar và Jrai. Thế là, một số đồng chí từ đồng bằng mới lên lại phải học tiếng địa phương để có thể viết thành thạo trên bảng đá. Sau những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến đi vào thời kỳ ác liệt, sau tờ Vững Tiến là đến báo Giải Phóng được xuất bản tăng kỳ, tăng số lượng phát hành nên nhân lực phục vụ công tác in litho cũng được tăng cường. Và việc truyền nghề in bảng đá, viết chữ ngược bằng 3 thứ tiếng (phổ thông, Bahnar, Jrai) được anh em ra sức rèn luyện với phương châm “vừa làm vừa học”, người biết trước dạy cho người đến sau. Có được tờ báo bằng tiếng dân tộc địa phương phát hành đến các buôn làng, nhân dân rất phấn khởi; những người chưa biết chữ cũng đã cố gắng học tập thông qua việc đọc báo tạo nên một phong trào học tiếng địa phương trong quần chúng và cán bộ. Đầu năm 1963, Ban Tuyên huấn (gồm cả bộ phận báo chí và tổ in litho) và Ban Binh vận dời về địa điểm mới bên kia suối Kơ Pia gần làng Tơ Lung (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) dựng lán trại và làm báo tại đây. Năm 1965, bộ phận báo chí có một số cán bộ có nghiệp vụ miền Bắc vào tăng cường nên tờ Giải Phóng từng bước thay đổi cả hình thức và nội dung nhưng vẫn còn in litho.
Ông Bồng nhắc lại một kỷ niệm khó quên trong những năm làm báo ở chiến khu Krong, đó là anh em đau đáu làm sao tìm được ảnh Bác Hồ để nghiên cứu đồ lại trên bảng đá và in trên báo phát cho đồng bào, chiến sĩ. May quá, năm đó bộ phận làm báo được một phái đoàn tặng cho ảnh chân dung Bác Hồ bằng lụa. Họ ngày đêm nghĩ ra cách đồ lại thành công trên bản in đá và tờ báo Giải Phóng kỳ ấy lần đầu tiên có in ảnh Bác trên trang nhất khiến ai cũng vui mừng. Tấm ảnh chân dung đó được cất giữ như báu vật; mỗi lần có sự kiện trọng đại lại được đưa ra để in báo.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Bồng được giao nhiệm vụ mang theo công cụ làm báo, tất nhiên là có bảng đá in và không quên ảnh Bác Hồ để theo cánh quân vào tiếp quản thị xã Pleiku. Khi cánh quân của ông vào đến cửa ngõ thị xã thì bị địch phản công dữ dội, một số bộ đội ta bị thương, hy sinh nên phải rút lui khỏi trận địa. Ông vừa mang dụng cụ in ấn vừa phải vác thêm tư trang của đồng đội bị thương nên di chuyển hết sức khó khăn. Đang chạy lúp xúp dưới làn đạn của địch, ông bỗng nghe tiếng “bốp” phía sau lưng đẩy ông ngã nhào xuống đất. Lồm cồm bò dậy và tiếp tục chạy theo đoàn quân, ra đến vùng an toàn, ông mở ba lô mình ra xem… thì ôi thôi, bảng đá in đã bị đạn bắn vỡ toác. Nhưng điều may mắn là tấm ảnh Bác nằm bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Ông Bồng thầm cảm ơn trời đất và Bác Hồ đã che chở cho mình khỏi làn tên mũi đạn. Tấm ảnh Bác Hồ đầy kỷ niệm này được ông giữ lại cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sau đó tặng cho phòng truyền thống của Báo Gia Lai. Đến năm 1973, được cấp trên trang bị máy in typo nên một số đồng chí thuộc bộ phận in litho được biên chế về xưởng in typo, những người còn lại được phân công nhiệm vụ khác. Có thể xem đây là mốc thời gian chấm dứt một thời kỳ in bảng đá với muôn vàn khó khăn nhưng đầy kỷ niệm một thời kháng chiến.
Bùi Quang Vinh
-----------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.