Phóng sự - Ký sự

Những người vượt qua bóng tối số phận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù bị số phận lấy đi đôi mắt nhưng họ không thiếu bản lĩnh và nghị lực. Với những người khiếm thị mà chúng tôi đã gặp, ánh sáng không bao giờ khép lại khi bản thân họ biết vượt lên chính mình.
1. Trong căn nhà nhỏ giữa lòng Phố núi Pleiku, chị Đoàn Thị Điệp (SN 1983, tổ 4, phường Thắng Lợi) đang có những tháng ngày ngập tràn tiếng cười cùng chồng và 3 con nhỏ. Chứng kiến cuộc sống của chị, ít ai biết rằng người phụ nữ mù ấy đã trải qua những năm tháng thanh xuân đầy biến cố và bi thương.  
Chị Điệp quê ở Nam Định. Thuở nhỏ, Điệp rất lanh lợi, thông minh với đôi mắt long lanh sáng. Năm 18 tuổi, khi bao ước mơ và hoài bão về một tương lai tươi đẹp đang chờ đón thì tin xấu ập tới với cô gái trẻ. Ngày hay tin mình đậu vào Trường Đại học Tây Nguyên cũng là lúc chị nhận ra đôi mắt mình đang mờ dần. Bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh và không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng. “Đó có lẽ là cú sốc lớn nhất của gia đình và bản thân tôi. Một cô gái 18 tuổi đầy sức sống bỗng hay tin mình sẽ bị mù suốt đời, tôi tưởng chừng gục ngã. Cũng từ thời điểm ấy, tôi nhận ra mình phải mạnh mẽ hơn để bắt đầu bước vào một hành trình mới”-chị Điệp nhắc về biến cố năm nào.
Không thể tiếp tục theo học đại học, chị Điệp chuyển sang học trung cấp du lịch tại Trường Cao đẳng Nghiệp vụ du lịch Hà Nội cho gần nhà. Chị bảo rằng, tuy sống trong bóng tối nhưng bản thân luôn khát khao có tri thức. Sự học sẽ giúp chị quên đi nỗi đau và bất hạnh của đời mình. Mang trong mình quyết tâm lớn và quên đi những mặc cảm của bản thân, chị bắt đầu theo học chữ nổi tại Hội Người mù tỉnh Nam Định. Thế nhưng, học tập với một người khiếm thị vốn là một thách thức, từ việc tiếp thu kiến thức cho đến ghi nhớ bài vở và những kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày đều phải cần một “nghị lực thép”. Ngày qua ngày, chị nỗ lực tập viết chữ nổi, tập lắng nghe, tập định hướng di chuyển và tập làm tất cả những việc mà một người “bị cướp đi ánh sáng” cần phải làm.
Chị Đoàn Thị Điệp chia sẻ, việc học sẽ giúp chị quên đi nỗi đau và bất hạnh của đời mình. Ảnh: Trần Dung
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp du lịch, chị Điệp tiếp tục theo học khóa xoa bóp bấm huyệt do Hội Người mù tỉnh Gia Lai tổ chức. Tại đây, chị đã gặp và nên duyên với anh Nguyễn Văn Trình cũng là người khiếm thị. Anh chị đến với nhau trong sự lo ngại của gia đình, bởi cả hai đều không lành lặn để có thể xây đắp hạnh phúc vẹn tròn. Anh Trình xúc động kể: “Sau bao khó khăn, trở ngại, mãi đến năm 2012, chúng tôi mới can đảm kết hôn với nhau. Chính nghị lực mạnh mẽ và sự nhu mì, hiền dịu của Điệp đã làm tôi vững tin hơn rất nhiều. Lấy nhau về, chúng tôi mở một cơ sở xoa bóp bấm huyệt. Không ngờ, chỉ trong thời gian ngắn, cơ sở đã thu hút được rất nhiều khách hàng. Chúng tôi tuyển 5 người khiếm thị để mở rộng cơ sở. Cuộc sống dần mỉm cười với những con người bất hạnh như chúng tôi”.
Hạnh phúc ấy của anh chị càng lớn hơn khi 3 đứa con xinh xắn, khỏe mạnh lần lượt chào đời. Năm 2019, để sum họp với người thân, vợ chồng chị Điệp quyết định chuyển vào Gia Lai sinh sống. Với sự nhanh nhẹn, thông minh vốn có, chị Điệp đã nhanh chóng liên hệ và tham gia Hội Người mù tỉnh Gia Lai. Sau đó, chị cùng chồng bắt tay vào việc xây dựng cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại nơi ở mới. Chị Điệp chia sẻ: “Khi mọi thứ đã đi vào hoạt động ổn định, tôi bắt đầu nghĩ tới việc tiếp tục học hành vì đó là niềm đam mê không ngừng nghỉ của tôi. Được chồng và gia đình ủng hộ, tôi đăng ký theo học lớp trung cấp y học cổ truyền của Trường Cao đẳng Y Dược Thăng Long (Hà Nội). Song song với đó, tôi còn tham gia các lớp học ngắn hạn về tin học và nghiệp vụ quản lý. Tôi ấp ủ giấc mơ về việc mở một phòng khám y học học cổ truyền và tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị như bản thân mình. Điều may mắn của tôi là dù mẹ đi học xa nhà nhưng các con vẫn ngoan ngoãn và chồng hết mực yêu thương, ủng hộ”. 
Hành trình “vượt qua bóng tối” của chị Điệp đã và đang dần tỏa sáng. Với nụ cười tươi cùng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy dứt khoát, chị Điệp tạo cho người đối diện cảm giác về một người phụ nữ ấm áp, chân thành và bản lĩnh. Chị rất khiêm tốn dù bản thân là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho mọi người về nghị lực sống cũng như khả năng hòa nhập cộng đồng.
2. Số phận và cuộc đời của anh Trương Văn Nghĩa đã khiến bao người ở thôn Đồng Tâm (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) không khỏi cảm phục. Bị mù bẩm sinh, hơn 45 năm qua, anh đã phải sống trong bóng tối. Nhưng với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.
Tiếp chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, anh Nghĩa nhanh nhẹn kéo chiếc ghế gỗ cho khách ngồi và pha thêm bình trà nóng để bắt đầu trò chuyện. Dường như biết chúng tôi đang tò mò quan sát những cử chỉ, hành động của mình, anh cười hiền nói: “Những việc này tôi quen tay rồi. Dù không nhìn thấy nhưng tôi lại may mắn có được sức khỏe và cảm nhận nhạy bén với vạn vật xung quanh”. Anh Nghĩa bảo, ai sinh ra trên đời cũng gắn với một số phận, phải biết cách học tập để thay đổi, biến khiếm khuyết của mình thành sức mạnh và động lực sống. Hãy biết mỉm cười, biết san sẻ, sống và làm việc bằng thái độ tích cực, lạc quan nhất.
Anh Trương Văn Nghĩa cùng vợ chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Trần Dung
Chính thái độ sống tích cực ấy đã giúp anh Nghĩa trở thành một chàng trai bản lĩnh. Dù từ nhỏ, anh chỉ quanh quẩn ở nhà với bố mẹ nhưng không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Năm 23 tuổi, anh bén duyên với chị Trần Thị Chải, một người hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Anh Nghĩa đã lấy sự tự tin, hài hước và tinh thần lạc quan của mình để chinh phục chị. Anh nhớ lại: “Vượt qua những mặc cảm của bản thân cùng với tình yêu chân thành, tôi khiến cô ấy mở lòng đón nhận cuộc hôn nhân này. Chính sự cảm thông của vợ đã giúp tôi có thêm động lực sống và làm việc có ích để xây dựng hạnh phúc gia đình”.
Những năm mới lấy nhau, do con còn nhỏ nên anh Nghĩa ở nhà chăm con, trồng rau, chăn nuôi, còn chị Chải cáng đáng công việc đồng áng. Rồi tai ương lại ập tới, cậu con trai đầu lòng bị chứng bại não bẩm sinh. Cuộc sống gia đình anh chị trở nên gian nan, vất vả hơn gấp bội. Vậy mà trong căn nhà nhỏ ấy chưa bao giờ thiếu tiếng cười và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ với khó khăn.
Nhìn anh Trương Văn Nghĩa hăng say làm việc, không ai nghĩ hơn 45 năm qua, anh chỉ sống trong bóng tối. Ảnh: Trần Dung
Ngoài việc chăn nuôi, làm rẫy và chăm sóc con cái, anh Nghĩa còn mở thêm cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại nhà. Nhìn anh làm việc hăng say và thành thạo, không ai nghĩ hơn 45 năm qua, anh chỉ sống trong bóng tối. Chính tình yêu của vợ con đã giúp anh nỗ lực vượt khó để xây dựng kinh tế gia đình ngày càng phát triển. “Dù không được ngắm nhìn gương mặt các con thơ nhưng tôi cảm nhận thấy chúng là những đứa trẻ giàu tình thương như mẹ và có tinh thần lạc quan, nghị lực sống như bố. Với tôi, cuộc sống như vậy đã là hạnh phúc viên mãn”-anh Nghĩa mỉm cười bộc bạch.
...Đối với một người bình thường thì những thành quả này có thể không lớn. Nhưng với những người khiếm thị như chị Điệp, anh Nghĩa thì đó là cả một kỳ tích rất đáng trân trọng. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Văn Hùng: “Họ là những người không đầu hàng số phận, luôn nỗ lực vươn lên không chỉ cho riêng bản thân mà còn truyền cảm hứng đến những số phận kém may mắn khác. Họ đã chiến thắng hoàn cảnh nghiệt ngã bằng nghị lực, sự bền bỉ và tinh thần lạc quan để có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa như bao người”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm