Phóng sự - Ký sự

Những nốt trầm nơi đại ngàn - kỳ cuối: Cách nào chặt vòi bạch tuộc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lợi dụng sự thật thà, chất phác của người dân tộc thiểu số, nhiều người đã cho họ vay gạo, muối, phân bón, tiền… để rồi một ngày con nợ mất khả năng trả sẽ bị các nậu cho vay cấn trừ bằng đất ở. Thực trạng nhói lòng ấy đã tồn tại nhiều năm, dai dẳng như đỉa hút máu người nghèo ở rất nhiều bản làng Tây Nguyên.

Mất đất vì… túi muối, bao gạo

Đường về huyện Ia Pa, Gia Lai thênh thang qua ruộng đồng bạt ngàn. Cũng như bao địa phương khác, lâu nay, Ia Pa luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao giáo dục, đời sống của bà con. Tuy vậy, len lỏi trong nhiều thôn làng vấn nạn “tín dụng đen nông thôn” đang “hút máu” người dân.

Chồng bà Nay Hyơk chăm sóc đàn lợn để bán lấy tiền chuộc ruộng.

Chồng bà Nay Hyơk chăm sóc đàn lợn để bán lấy tiền chuộc ruộng.

Đông anh em, bố mất sớm, chị Ksor H’Mi (41 tuổi, dân tộc Jrai, trú xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) lúc lấy chồng chỉ có mấy sào đất lúa. Một trận đau ốm gia đình phải vay mượn tiền khắp nơi. Vừa khỏi bệnh lại quay ra làm thuê trả nợ. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị H’Mi và người chồng giờ là hai người con gái. Con gái đầu của chị học rất giỏi và đang chuẩn bị thi vào đại học.

Căn nhà vỏn vẹn vài chục mét vuông được thưng bằng tôn là nơi trú mưa, tránh nắng của gia đình nghèo. Trong nhà chẳng có gì giá trị ngoài những quyển sách được xếp cẩn thận một góc của cô con gái. Giờ đây, chị lo nhất là căn bệnh u mạch máu của con gái. Có hôm nửa đêm chị H’Mi phải chạy vạy đi vay tiền khắp làng để đưa con đi viện.

Ở góc bếp, chị H’Mi bộc bạch, lẽ ra gia đình cũng không rơi vào hoàn cảnh này nếu còn 3 sào ruộng. Nhiều năm trước bố mẹ ruột chị H’Mi lấy đầu tư phân, mượn tiền, giống lúa của mí V Bỗng một ngày, mí V. báo tổng nợ cả gốc lẫn lãi 40 triệu đồng. “Họ báo bao nhiêu thì mình phải chịu thôi vì bố mất rồi mà. Mí V nói khi nào có tiền thì chuộc lại đất. Giờ đây miếng đất ấy đã được bà V cho người khác thuê lại”, chị H’Mi ngậm ngùi.

Chị Ksor Hmi quanh năm phải đi làm thuê kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

Chị Ksor Hmi quanh năm phải đi làm thuê kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

Chị than thở: “Mí V vào đây 30 năm rồi, bà giàu, nhiều đất lắm. Có lần mình xin cho hai vợ chồng làm thuê trên đất vốn của mình nhưng họ nói làm lỗ nữa lại không có gì trả”. Giờ đây, ước mơ của chị H’Mi và chồng là ông trời đừng bắt đau ốm gì, để đều đặn đi làm thuê có tiền cho con ăn học.

Đến căn nhà nhỏ cấp bốn chẳng có cổng, cửa, bà Nay Hyơk (52 tuổi, xã Ia Trôk) và chồng đang cặm cụi cho lợn ăn. Đàn lợn chính là hy vọng trả hết 100 triệu đồng mà bà Hyơk nợ bà mí M để chuộc lại 6 sào đất. Diện tích đất này rất giá trị bởi gần đường chính, thuận tiện mua bán nông sản. Tuy vậy, “miếng cơm” này đã rơi vào tay mí M gần 7 năm trời. Đôi mắt chất chứa bao nỗi thống khổ, bà Hyơk kể: Khoảng 9 năm trước đã ứng tiền, lấy phân, mắm muối của mí M. Tin người, bà Hyơk không quan tâm đến sổ sách của chủ nợ. Ứng trước như vậy nên vụ mùa tới bà Hyơk phải bán nông sản cho mí M. Bị người phụ nữ ấy ép giá thấp hơn thị trường nhưng gia đình Hyơk phải cắn răng chịu đựng.

“Mình lấy đầu tư của họ thì phải bán cho họ thôi. Như hồi mình lấy một bao phân 250 nghìn đồng nhưng bốn tháng xong một vụ lúa mình phải trả thành 300 nghìn đồng”, bà Hyơk nói.

Căn nhà quây bằng tôn nóng bức của gia đình chị Ksor Hmi

Căn nhà quây bằng tôn nóng bức của gia đình chị Ksor Hmi

Rồi đến một ngày bà mí M. báo tổng nợ 80 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn với gia đình nghèo. “Họ báo vậy thì mình chỉ biết ừ thôi, nên phải cấn ruộng trừ nợ 7 năm rồi. Năm nay mình phải có 100 triệu đồng mới chuộc được ruộng. Lo lắm, chỉ mong đàn lợn chóng lớn để bán lấy tiền trả người ta”, bà Hyơk ngậm ngùi.

Tìm phương hướng

Lớn lên, trưởng thành, rồi gắn bó với mảnh đất phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, thiếu tá Lê Nguyễn Duy Tuân, Phó Trưởng Công an huyện Ia Pa thấu hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực của bà con. Nhắc đến việc “vay lúa non” thiếu tá trẻ trải lòng: “Việc này tôi rất ủng hộ nhà báo viết lên để có sự vào cuộc thực chất, hiệu quả của toàn xã hội. Dân tộc thiểu số Ia Pa nói riêng còn nhiều thiệt thòi bởi bản chất thật thà, chất phác. Thực tế, tâm lý của người dân ở đây rất ngại việc làm giấy tờ nên khi khó khăn sẽ tìm đến mí A, mí B cho nhanh. Tuy vậy, “vay lúa non” thực tế là cho vay từ 2-5%/ tháng, mức này không vi phạm pháp luật hình sự, mà chỉ là vi phạm dân sự”.

Thiếu tá Tuân trăn trở, toàn huyện có trên 70% là người dân tộc thiểu số. Tư tưởng, tập quán của bà con còn lạc hậu, chưa biết tích góp, tiết kiệm. Cũng bởi vậy mà khi có việc chẳng lành xảy ra họ sẽ “vay lúa non”, rồi cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy ấy. Việc này cấm người ta cũng không được, bởi có cầu thì ắt có cung.

Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến các thực trạng này ở Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, những năm qua, Đảng bộ chính quyền tỉnh rất quan tâm và có nhiều chủ trương chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, tỉnh triển khai chương trình “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tuy nhiên, theo bà Lịch vẫn còn một số vấn đề bất cập, khó khăn, một số hiện tượng như tình trạng vay nợ bán đất, thiếu đất ở, đất sản xuất, sinh nhiều con, tảo hôn, nghiện rượu….

Bà Lịch nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát lại hết các chính sách có thực sự đi vào cuộc sống, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, nhất là 3 mục tiêu Quốc gia là giảm nghèo, nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế xã hội miền núi. Bởi theo bà Lịch, chính sách cần phù hợp với từng vùng miền, văn hóa, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, đặc thù của người dân tộc thiểu số; cán bộ thực sự gần dân, thấu hiểu và trách nhiệm…

Ông Siu Trung- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai thông tin, hồi xưa đất bà con chưa được cấp sổ đỏ rất nhiều. Nhưng trong cuộc sống nhỡ may gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật, không có tiền chi trả, họ tìm đến những gia đình có điều kiện vay mượn vài ba triệu. Trường hợp không có tiền trả sẽ cho chủ nợ thuê đất từ 10 đến 20 năm. Kẻ xấu lợi dụng điều này canh tác nhiều năm, sau đó họ lấy xác nhận với chính quyền địa phương, cho “mấy đồng”

Có thể bạn quan tâm