Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Những "thần đèn" ở Bi Yông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không bước ra từ những câu chuyện thần thoại, cũng không phải là nhân vật xa vời, “thần đèn” ở làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) là những con người hết sức bình dị. Bằng tinh thần đoàn kết, họ đã làm được những việc tưởng chừng chỉ có “thần đèn” mới làm nổi, đó là di dời những ngôi nhà sàn về vị trí mới để bố trí, sắp xếp lại dân cư thành làng nông thôn mới kiểu mẫu.
“Thần đèn” trong đời thường
Vừa tới đầu làng, chúng tôi đã nghe vang vọng những tiếng hô vang: “1, 2, 3 lên nào...”; rồi “bên phải, bên trái, đi thẳng...”. Đó là tiếng của Trưởng Công an xã Pờ Tó cầm loa hô vang để chỉ dẫn cho vài chục người đang khiêng ngôi nhà trên vai biết khi nào nâng lên, hạ xuống và đi sao cho đúng hướng.
Một ngôi nhà ở làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) được các “thần đèn” hỗ trợ di dời về nơi ở mới. Ảnh: Phan Nguyên
Gần 1 tháng nay, làng Bi Yông rộn ràng như một ngày hội. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện, của xã đều tập trung tại làng. Người già, thanh niên, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ đều có mặt tại khu quy hoạch để mỗi người góp một tay mang vác, di chuyển đồ đạc vào nơi ở mới. Rồi tiếng máy xúc đất, máy ủi rền vang... Dường như có sự phân công rõ ràng ngay từ đầu nên ai vào việc nấy: một nhóm thanh niên, phụ nữ được giao đào các hố để đặt các trụ nhà ở vị trí mới; nhóm khác có nhiệm vụ đóng giằng, cột dây các trụ nhà cho chắc chắn trước khi dịch chuyển; tất cả lực lượng còn lại được giao di dời ngôi nhà... Điều đặc biệt, tất cả các công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công với những công cụ đơn giản: cuốc, xẻng, xà beng, thuổng... Ấy vậy mà chỉ vài ba tiếng hồng hồ, những ngôi nhà sàn đã được các “thần đèn” dịch chuyển đến vị trí mới mà không hề ảnh hưởng đến kết cấu. 
Chứng kiến việc di dời nhà, ông Đinh HMeo-người dân làng Bi Yông-bày tỏ: “Dân làng mình trước nay muốn chuyển nhà đều phải tháo rời từng bộ phận rồi sau đó đóng lại. Đây là lần đầu tiên mình thấy việc chuyển nhà nhanh và lạ như thế!”. Theo một số “thần đèn” tại Bi Yông, để di chuyển được ngôi nhà, sau khi đào các trụ phải dùng các cây gỗ to, chắc, gia cố 4 cột nhà lại thành một khối chắc chắn, không xê dịch để khi nâng nhấc lên, ngôi nhà không bị nghiêng, lệch. 
Nếu chỉ nghe thôi có lẽ sẽ rất khó để hình dung được hết những nỗ lực của các “thần đèn” ở Bi Yông. Bởi mùa này mưa nắng thất thường, đất nhão, đường trơn, chưa kể nhiều ngôi nhà được làm rất kiên cố, trụ chôn sâu, lại cách xa vị trí quy hoạch cả cây số, do đó việc di chuyển vô cùng khó khăn... Chưa kể, dưới một số gầm nhà sàn, bà con vẫn có thói quen nuôi nhốt gia súc nên khu vực này rất ô nhiễm, trong khi đó để di dời được một ngôi nhà sàn, hàng chục con người phải làm việc liên tục dưới gầm nhà sàn vài giờ đồng hồ... Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, những “thần đèn” ở Bi Yông đã và đang nỗ lực từng ngày di dời các ngôi nhà về vị trí đã quy hoạch, từng bước hoàn thành việc xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu. Không khỏi khâm phục ý chí và sức mạnh tập thể trong cuộc di dời mang tính lịch sử này của làng Bi Yông khi biết rằng mỗi ngôi nhà nặng bình quân 2-5 tấn, phải huy động đến 150 người cùng hợp sức. Trung sĩ Nguyễn Hoàng Sơn (chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn Hóa học 21, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3)-đơn vị tham gia giúp người dân di dời nhà cửa-cho hay: “Dù vận chuyển nhà khá xa và nặng song chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ nên ai cũng quyết tâm, cố gắng di dời để nhân dân sớm ổn định cuộc sống ở nơi ở mới”.
Ngôi làng của tình đoàn kết
Ảnh: Phương Dung
Sắp xếp đồ đạc gọn gàng vào góc ngôi nhà sàn vừa được chuyển đến vị trí mới, bà Đinh Bích phấn khởi: “Sáng nay, mình còn đang ở nhờ trên đất của đứa cháu mà giờ đã được ở trên đất của mình, vui lắm! Ở đây rộng rãi, thoáng mát, mình có đất trồng rau, nuôi heo, nuôi gà...”. Không riêng bà Đinh Bích mà hầu hết các hộ dân được bố trí di dời về nơi ở mới đều vui mừng khôn xiết, vì họ chẳng tốn cái đinh, cây gỗ nào cho việc chuyển nhà; ngược lại, giờ đây gia đình họ còn được sở hữu một mảnh đất rộng 600 m2.  
Ông Lê Trọng Nam-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho biết: Trước khi thực hiện việc di dời, bố trí sắp xếp lại dân cư theo đồ án xây dựng mô hình làng nông thôn mới, xã đã tổ chức đưa cán bộ thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham quan làng Bông của xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, di dời cuối năm 2017) xem họ làm thế nào, phối hợp ra làm sao... Sau đó, xã mới tổ chức họp dân, phân tích cho dân hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ đó nhân dân đồng thuận và tích cực chung tay cùng các cấp, các ngành thực hiện việc di dời. Ông Đinh Xoan-Trưởng thôn Bi Yông-thông tin: “Làng có 162 hộ dân (khoảng 90% là người Bahnar), trong đó số hộ nghèo chiếm 3/4. Lúc trước, nhiều hộ dân phải ở nhờ trên đất của con cháu, diện tích nhỏ nên không có đất vườn cũng như đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi và làm nhà vệ sinh... Giờ có đất ở, đất trồng cây, đất chăn nuôi nên bà con rất phấn khởi”. Theo Chủ tịch UBND xã Pờ Tó, mục tiêu đặt ra là mỗi ngày di dời khoảng 5 ngôi nhà nhưng có những ngày, các lực lượng di dời được 6-7 ngôi nhà. “Đến thời điểm hiện tại, các lực lượng đã di dời được 38/44 ngôi nhà và chỉnh trang 8/27 ngôi nhà. Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng 2 tuần nữa việc di dời và chỉnh trang nhà cửa tại làng Bi Yông sẽ hoàn thành”-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó nhấn mạnh.
...Chiều muộn, nhìn những đứa trẻ vui đùa, nhảy chân sáo quanh những ngôi nhà sàn, lòng chúng tôi cũng rộn lên những niềm vui. Tin rằng, cuộc sống của người dân làng Bi Yông rồi sẽ có nhiều đổi thay.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm