Báo xuân

Niềm tự hào Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. “Ở trên đấy, học sinh tụi nó đi học bằng voi đấy mày ạ”-câu nói ấy bỗng trở nên bất hủ khi những người ở vùng miền khác nói về Gia Lai. Hoặc như, học sinh Gia Lai túa đi các vùng miền từ Bắc chí Nam, từ “Hà Nội-Huế-Sài Gòn”, cứ bô bô “chém gió” bảo: “Ờ, nhà tao có con voi đực, mỗi năm nó đẻ một lứa, con nào con nấy to như con chuột. Sáng nào tao cũng cưỡi voi đi học”.

Bạn cứ tưởng tượng, qua thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, cái thời đại mà đứa bé 6 tuổi cũng biết lên facebook bung vài cái sờ ta tút (status) kiểu như “Mẹ tớ bảo, tớ xinh thế này thì không phải đi thẩm mỹ Cát Tường đâu các bạn à” hay “Ngày mai 20-11 rồi, không biết bố mẹ đã chuẩn bị phong bì chưa nhỉ?”. Đại thể là cái thời đại mà internet phổ cập đến từng ngóc ngách, thì việc bạn lỡ dại tung ảnh nhạy cảm kiểu lộ hàng hay uốn éo ở nghĩa trang, chỉ 5 phút sau cả thế giới mạng sẽ biết bạn có bao nhiêu cái mụn ruồi, hồi cấp I bạn ngoan lắm chứ chả phải hư hỏng như bây giờ, rồi bạn bị bồ đá bao nhiêu lần.
 

 

Thế mà, giữa thời đại hoàng kim của internet như vậy nhưng Gia Lai vẫn thường chỉ gợi cho người ta nghĩ đến cảnh rừng rú kiểu thời nguyên thủy hoang sơ. Không đâu xa, trong chương trình game show có tiếng như Ai là triệu phú, khi nhà đài hỏi “Danh thắng Biển Hồ nằm ở tỉnh nào” thì người chơi là một trí thức hẳn hoi cũng không thể chọn đúng đáp án Gia Lai. Nói vậy cũng không có nghĩa là phủ định cái bóng của Hoàng Anh Gia Lai, cái tên đình đám của làng bóng đá Việt hay đã từng xuất hiện thường xuyên trên sân Emirates. Nhưng vào cái thời điểm người ta đã quá chán chường với bóng đá nước nhà thì Hoàng Anh Gia Lai cũng không mang lại hiệu ứng là mấy cho Phố núi.

2. Ô thế mà chính từ vũng lầy của sự chán chường đó, Gia Lai lại nổi lên như một cứu cánh cho cái môn mà “22 thằng con trai tranh nhau quả bóng”. Mượn Google làm một phép thử nho nhỏ, sau 0,13 giây, cỗ máy tìm kiếm khổng lồ này cho ra 1.290.000 kết quả với từ khóa là “U19 Việt Nam; hay gõ từ khóa “U19” cũng ra 18.600.000 kết quả sau 0,15 giây nhưng mọi kết quả đều là U19 Việt Nam, có nghĩa là nhắc đến U19 là đã được mặc định thành U19 Việt Nam.

Rồi thì những bài so sánh giữa các cầu thủ U19 Việt Nam với những Văn Quyến, Công Vinh hay với thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức... xuất hiện với tần suất dày đặc trên mặt báo, trong những quán cà phê có DJ, có nhạc Acoustic hay những quán cà phê cóc. Lân la các quán xá, từ trà đá đến bia hơi, U19 Việt Nam cũng được mang ra mổ xẻ, tung hê ngày ngày tháng tháng mà không biết chán.

Gọi là U19 Việt Nam, nhưng có đến 9/11 cầu thủ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG xuất hiện trong đội hình ra quân, nên U19 Việt Nam được coi như là tập thể của JMG và những người bạn. Và thế, mọi ánh mắt đều hướng về Hàm Rồng, nơi Học viện đóng đô dưới chân núi.

Hôm nay các “báu vật” ăn gì, phở khô Gia Lai hay bún mắm cua, trong cơm của “báu vật” có bao nhiêu hạt sạn? Quả bóng mà các “báu vật” tập hôm nay có to hơn hôm qua không, nó tròn hay vuông? Giày của “báu vật” có giống với Messi, Ronaldo hay Rooney không?... Đại loại thế. Kỳ thi tuyển sinh khóa III vào Học viện cũng thuộc dạng gắt gao bậc nhất với tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng: chỉ chọn 9 thí sinh trong tổng số... hơn 5.000.

3. Sau trận bóng đá được “tích hợp” môn pencak silat với U19 Indonesia và đặc biệt là “làm gỏi” đội bóng trẻ xứ sở chuột túi với tỷ số 5-1 ở vòng loại châu Á, U19 Việt Nam đã để lại nhiều hiệu ứng. Bầu Đức lên tiếng rằng, các cầu thủ của ông đã vượt qua khỏi cái ao làng Đông Nam Á. Còn người hâm mộ thì lên tiếng rằng, thịt chuột đang trở thành món khoái khẩu trong các quán nhậu. Từ gỏi chuột, chuột rang sả ớt đến chuột hấp hành... Nhưng quan trọng hơn, Gia Lai hiện ra rõ hơn trên bản đồ và hứa hẹn được coi là “thủ đô” của bóng đá Việt.

Những người con Gia Lai ở mọi miền đất nước bây giờ đã có thể tự hào và hãnh diện khi nói ra: Mình đến từ Gia Lai. Có thể vừa đi xe biển số 81... mà vừa huýt sáo vi vu. Có thể bi bô mà rằng: “Nhà tao cách Học viện có cái hàng cao su, chiều nào cũng ra đấy xem Công Phượng với Tuấn Anh tập”. Và thế, cái tên Gia Lai, mảnh đất Gia Lai bỗng trở thành một miền đất hứa, một “nơi đáng sống”. Ít nhất cũng với những ai là thần dân của làng túc cầu.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm