Sau một buổi sáng tuần tra, đi quá nửa diện tích rừng quản lý, áng chừng bình xăng sắp cạn, ông Siu Hoan (47 tuổi, làng Krông, xã Ia Mơ)-Thành viên Tổ bảo vệ rừng Núi Kẹp và người đồng hành rẽ xe máy hướng về chốt. Vừa về đến nơi, cả 2 vội vào bếp lấy gạo, nhóm lửa nấu cơm. Cơn mưa đầu mùa tối qua khiến ông Hoan mải mê theo dấu những con ếch rừng đến quá nửa đêm. Dậy muộn so với thường ngày nên sáng nay, ông vội vã đi tuần rừng mà chưa kịp ăn gì. Chính vì vậy, bữa cơm quá buổi được đẩy nhanh... tiến độ. Trong thoáng chốc, món ếch rừng xào lá mì, cá nhét suối kho và ếch nướng đã được dọn ra. Thường thì bữa trưa có các thành viên trong tổ nhưng hôm nay chỉ có ông với ông Rmah Hrao, những người khác ăn mì gói trên đường tuần tra.
Gọi là chốt nhưng thực ra nơi đây chỉ có một vài tấm tôn ghép với gỗ ván thừa làm nơi trú nắng, tránh mưa, ngủ nghỉ của các thành viên tổ bảo vệ rừng sau khi tuần tra. Thoáng chút trầm tư, ông Hoan từ tốn cho biết:
Với ông Hoan, từ nông dân trở thành nhân viên bảo vệ rừng cũng là do áp lực mưu sinh. Vợ ông đau ốm liên miên, một ít ruộng rẫy không thể nuôi nổi 4 đứa con. “Mỗi tháng, anh em thay phiên nhau tranh thủ về nhà vài ngày, thời gian còn lại thì bám chốt giữ rừng, khi thì lều võng ngủ ở nơi “điểm nóng”. Tuy bảo vệ hơn 6.000 ha rừng nhưng dọc tuyến biên giới này có 2 đồn biên phòng và tổ liên ngành của huyện. Vì vậy, anh em cũng đỡ áp lực hơn so với những chốt bảo vệ rừng khác”-ông Hoan chia sẻ.
Còn anh Vũ Văn Vinh (làng Khôi, thành viên Tổ bảo vệ rừng suối Ji) thì cho hay: Học hết lớp 12, anh đi làm “thợ đụng” và giúp vợ việc đồng áng. Cuộc sống mưu sinh nơi vùng biên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, anh ký hợp đồng làm công việc bảo vệ rừng. Anh gắn bó với công việc giữ rừng từ năm 2015 đến nay. Hàng ngày, 6 thành viên trong tổ thay nhau dùng xe máy đi khắp cánh rừng để tuần tra, ghi nhận hiện trạng, nhắc nhở người dân không được xâm hại tài nguyên rừng. Anh Vinh cho biết: Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó khăn, bởi anh em ở đây toàn “thợ đụng”. Mặt khác, tuy được thuê bảo vệ rừng nhưng lại không có quyền hạn xử lý hay công cụ hỗ trợ. Có khi các thành viên tổ bảo vệ rừng bị lâm tặc đe dọa, uy hiếp, thậm chí hành hung.
Đợi anh Vinh dứt lời, anh Lê Văn Tươm (làng Ring, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng suối Ji) kể: Cách đây hơn 2 năm, lúc trời mờ tối, thấy xe máy chở gỗ đến gần chốt, anh ra chặn thì bị đối tượng lao xe thẳng vào người. Khi anh đuổi theo xe vượt chốt thì bất ngờ từ bên đường một bóng đen bịt mặt lao ra dùng cây vụt vào đầu. Hậu quả là anh phải nằm viện mất gần nửa tháng. Theo anh Tươm, đối tượng đã tấn công anh để tạo cơ hội cho xe chở gỗ vượt chốt. Công an vào cuộc điều tra nhưng vẫn không tìm ra thủ phạm. Chưa hết, khi anh em bắt giữ xe chở gỗ thì chỉ vài phút sau, đối tượng đã huy động cả làng xuống quây chốt và liên tục có những hành động đe dọa, hành hung. Tổ bảo vệ rừng cầu cứu tổ liên ngành của xã nhưng cũng không trấn áp được số đông cầm dao, rựa trên tay vô cùng manh động.
Cũng theo anh Tươm, đa phần người dân ở đây cho rằng mình chỉ khai thác củi nhưng nếu không ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa sẽ không còn rừng. Bởi thủ đoạn chặt cây tươi, đợi cây khô vào khai thác sẽ không ngừng tái diễn. Mặt khác, diện tích rừng quản lý chỉ gần 2.000 ha nhưng lại giáp ranh một số xã của huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) nên vô cùng phức tạp. “Đáng lo nhất là người dân khu vực này còn duy trì tập quán du canh, xâm lấn rừng để mở rộng diện tích nương rẫy. Một số người dân ở nơi khác đến phá rừng làm rẫy nên công tác phối hợp xử lý giữa lực lượng các xã giáp ranh chưa kịp thời dẫn đến việc không truy bắt được đối tượng vi phạm”-anh Tươm chia sẻ.
Xã biên giới Ia Mơ có khoảng 24.000 ha rừng, trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý khoảng 10.000 ha. Mặc dù không phải là đơn vị chuyên trách nhưng UBND xã Ia Mơ lại được giao quản lý, bảo vệ hơn 14.000 ha rừng còn lại. Để thực hiện nhiệm vụ, chính quyền xã ký hợp đồng thời vụ với 20 người dân để thành lập 4 chốt giữ rừng, túc trực 24/24 giờ ở những nơi trọng yếu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ-nhấn mạnh: Những người được thuê giữ rừng này ký hợp đồng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, họ không có chế độ bảo hiểm, tiền ăn uống, phương tiện đi lại. Từ năm 2013 đến nay, xã căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng để chi trả trợ cấp cho người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được huy động tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng theo quy định là 200 ngàn đồng/người/ngày công lao động.
Chính vì vậy, vào thời điểm tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ phải gác công việc chính để cùng dân quân và lực lượng hợp đồng bảo vệ rừng ngày đêm tuần tra, bảo vệ rừng. Cứ như vậy, có khi kéo dài đến 3 tháng liền. Ban ngày, ông Nguyễn Tuấn Anh làm công việc chuyên môn ở trụ sở, còn đêm đến thì vác võng vào rừng để canh gác. “Chúng tôi mong các cấp, ngành liên quan sớm có phương án giao diện tích rừng mà xã đang quản lý cho đơn vị chuyên trách để quản lý, bảo vệ tốt hơn”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ kiến nghị.
Trong khi chờ đợi giải pháp giao phần diện tích này cho các chủ rừng thực thụ quản lý, năm 2023, xã Ia Mơ tiến hành giao rừng cho 18 hộ dân với diện tích hơn 200 ha; dự kiến năm nay sẽ giao thêm 100 ha rừng cho dân. Ông Nguyễn Hùng Hiệp (làng Ring) cho biết: “Sau khi được xã ký quyết định giao trên 19 ha rừng, ngoài việc nhận hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha/năm để bảo vệ rừng, tôi dự tính kết hợp khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp trên diện tích được giao để thu lợi từ rừng. Việc giao rừng gắn với chính sách hưởng lợi từ rừng giúp người dân tích cực hơn trong công tác tuần tra, giám sát và bảo vệ tốt phần diện tích rừng được giao”.
Còn với Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, một trong những giải pháp giữ rừng bền vững là đẩy mạnh việc giao rừng cho dân quản lý, bảo vệ. Cùng với việc giao rừng, từ năm 2017 đến nay, chính quyền xã Ia Mơ cũng vận động người dân trồng 342 ha rừng trên phần diện tích đất lâm nghiệp. Mô hình trồng rừng gắn với các chương trình phát triển sinh kế, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững đã giúp các hộ dân ở xã vùng biên có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, qua đó từng bước nâng cao ý thức tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.