Thời sự - Bình luận

Nới dần từng bước, kiểm soát rủi ro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch”. Đó là trao đổi của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, với báo chí bên lề cuộc làm việc với quận 7 về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 vào ngày 5-9.

Sau 3 tháng (kể từ ngày 31-5), người dân và doanh nghiệp (DN) của thành phố đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh thường trực. Trong quá trình đó, người dân đã điều chỉnh hành vi tự bảo vệ mình, đồng thời nhiều DN xây dựng được phương án sản xuất an toàn ngay giữa đại dịch. Một số quận huyện đã lên kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và mở cửa lại đời sống xã hội, kinh tế trong điều kiện có dịch làm mục tiêu quan trọng cần đặt ra.

TPHCM đang chuẩn bị một cách cẩn trọng, linh động và bài bản lộ trình nới dần từng bước, kiểm soát rủi ro nhằm nỗ lực đưa trở lại hoạt động quản lý nhà nước, phục hồi sản xuất kinh doanh, mở cửa đời sống xã hội. Điều đáng nói, lộ trình này không “bước đi” trên những ý chí lạc quan “tếu” hay ý muốn của bất cứ cá nhân nào mà nó là sự thống nhất, đồng bộ với một kế hoạch chi tiết ứng phó với tình hình dịch bệnh - xã hội cụ thể trên từng địa bàn quận huyện cũng như chú trọng vào việc xử lý nhanh các rủi ro có thể xảy ra.

Vì thế, để sống trong điều kiện có dịch, “chúng ta cần phải có vaccine, thuốc và ý thức, thói quen tốt… để trang bị, giúp mỗi người dân trở thành chiến sĩ chiến đấu để chống dịch”- người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đã xác định. Đó là lý do khi quận 7 và huyện Củ Chi được chọn làm thí điểm thì ngoài những tiền đề ban đầu, việc thành phố tập trung vaccine, thuốc và hệ thống y tế để hai địa phương này đủ điều kiện mở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, là cực kỳ quan trọng.

Rõ ràng, sự biến đổi, sức sinh sản, lây lan mạnh của biến chủng Delta đã tấn công mọi thành trì phòng chống dịch ở hầu khắp các quốc gia, và Việt Nam không là ngoại lệ. Do đó, để tiến tới “sống chung với virus SARS-CoV-2” trong tính bất định cao, đòi hỏi một sự đảm bảo về độ phủ vaccine trong toàn dân cũng như hình thành một thói quen, tập quán mới với tinh thần mỗi người dân tự bảo vệ mình, mỗi doanh nghiệp tự chủ động, tìm cách thức mới trong sản xuất, đầu tư, phân phối, khai thác thị trường…

Về mặt quản trị nói chung, chúng ta cần đặt ra những điểm mốc để tính toán và nỗ lực hoàn thành. Nhưng về mặt thực tế khách quan của diễn biến dịch bệnh, chính các chỉ số dữ liệu dịch tễ mới là căn cứ để chúng ta quyết định lộ trình nới lỏng hay giữ nguyên giãn cách xã hội, tiến dần đến “sống chung với virus”, thích nghi với điều kiện “bình thường mới”.

Dứt khoát, TPHCM không để bị động và buộc phải “thúc thủ” trước bất cứ tình huống phát sinh nào. Hay nói cách khác, chúng ta đang và sẽ quen dần với những biến đổi từ môi trường sống, cách thức sinh hoạt, phương thức sản xuất và cả ý thức phòng vệ từ chính bản thân mỗi người, tương tác với cộng đồng để tồn tại, phát triển trong giai đoạn mới.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ - Đại học Quốc gia TPHCM
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm